Ai đứng sau đường dây 'hút máu' người nuôi bệnh thuê?

17/04/2017 - 18:16

PNO - Sau vài cuộc trao đổi ngắn, tôi được giới thiệu vào đường dây chăm bệnh thuê của “bà trùm” tại BV Nhân dân 115. Lần gặp đầu tiên, tôi đã được các “cai đầu dài” hướng dẫn tuân thủ nghiêm ngặt “luật ngầm”.

LTS: Vì mưu sinh, họ phải gập người trên bóng mình, bặm môi để kìm tiếng nấc khi đồng tiền trộn lẫn nước mắt bị tước đoạt. Đó là chân dung của những người chăm bệnh thuê tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Khó mà tin được, đằng sau các cánh cổng bệnh viện, lại có những “cai đầu dài” chuyên “hút máu” người chăm bệnh thuê, chúng hoạt động bài bản theo đường dây, dưới sự điều động của một “bà trùm” giấu mặt. 

Ai dung sau duong day  'hut mau' nguoi nuoi benh thue?
Đông đúc người xếp hàng trước bệnh viện để chờ xin một "chân" chăm bệnh thuê

Vào nghề

Từ số điện thoại được ghi nguệch ngoạc trong tờ giấy xé vội của một người chạy xe ôm trước cổng BV 115 cung cấp, tôi gọi điện cho một người đàn bà tự xưng tên Hồng. Sau khi tra vấn tôi vài điều về hoàn cảnh, tuổi tác, quê quán, dù biết tôi không có giấy tờ tùy thân và cũng chưa từng chăm bệnh ngày nào, bà này vẫn bảo: “Mai đến BV 115 nhận việc. Nhớ mang năm trăm ngàn” rồi cúp máy. 

Theo lời hẹn, sáng 24/3, tôi đến BV 115 nhận việc. Tại đây, tôi có cuộc chạm mặt chóng vánh với người đàn bà hôm qua đã trao đổi với mình qua điện thoại. “Tao dặn, vào đây làm phải biết điều, nghe lời mấy cô. Làm nghề này phải cố gắng chứ không nhận ca rồi bỏ việc, mất uy tín của tao” - bà này dặn dò trước khi giao chúng tôi cho người phụ nữ tên Phựa.

Trên đường dắt tôi lên “đại bản doanh” của người chăm bệnh thuê ở lầu 3, khu A BV 115, bà Phựa cho biết, bà đã nhiều năm sống trong BV dưới sự điều động của bà Hồng. “Nghe nói em phải đóng năm trăm ngàn đồng cho ai phải không?” - tôi thắc mắc. Bà Phựa lầm bầm: “Đóng cho bà Hồng chứ ai, tiền đó là để giữ chân mày khi vào nghề. Đó là mày nuôi bệnh tại BV, còn nếu muốn về nhà của bệnh nhân, thì phải đóng thêm cho bà Hồng một triệu nữa”.

Tôi tò mò hỏi cái nào “có ăn” hơn, bà Phựa nói: “Về nhà người ta thì tiền nhiều do ca dài hơn, nhưng khổ hơn; còn nuôi ở BV thì vui hơn, tự do hơn. Ở đâu cũng một ngày một đêm ba trăm ngàn”. 

Tôi bày tỏ lo lắng chuyện không có chứng minh thư, tay nghề kém, bà Phựa phẩy tay: “Vậy thì làm ở BV. Bà Hồng lo hết. Bả quen nhiều, quen toàn dân máu mặt trong BV này nên bả bảo lãnh được cho mày. Không có bả, họ đuổi mày liền”.

“Đại bản doanh” của những người chăm bệnh thuê ở lầu 3 khá rộng. Người nuôi bệnh trải chiếu nằm la liệt. Tôi bắt đầu trở thành đồng nghiệp của nhiều người đang nằm trên sàn nhà này. Chưa kịp ngồi xuống ghế, bà Phựa vội kéo tôi đến chỗ một phụ nữ tên Sáu, khoảng 55 tuổi. Chúng tôi định gật đầu chào thì bà Sáu đã gắt: “Mới vào hồi sáng phải không? Thay đồ lẹ đi, chuẩn bị có ca rồi”.

Theo lệnh bà Sáu, một phụ nữ khác đưa tôi xuống nhà vệ sinh thay quần áo để tiện cho công việc rồi đưa tôi quay lại chỗ bà Sáu để bà này “sắp ca”. Đúng lúc này, chuông điện thoại của tôi reo lên. Bên kia đầu dây, bà Hồng yêu cầu tôi nộp ngay 500.000đ cho bà Sáu để “giữ chân” và cho biết, mỗi ngày, người thuê sẽ trực tiếp trả cho tôi 300.000đ. 

Ai dung sau duong day  'hut mau' nguoi nuoi benh thue?
Theo lệnh của bà Hồng, chúng tôi phải đóng 500.000 đồng tiền "giữ chân" cho bà Sáu.

Bà Hồng vòng vo: “Mỗi ngày em làm việc, chị trừ năm chục ngàn trong năm trăm ngàn đồng đã nộp. Sau đó, làm việc mấy ngày thì em đóng lại cho chị cũng mỗi ngày năm chục ngàn cho đủ tiền “giữ chân”. Cứ vậy thôi, khi nào nghỉ thì tính”. 

Tôi hỏi: “Vậy là ngoài năm trăm ngàn thế chân, mỗi ngày làm được ba trăm ngàn, em phải trích đóng lại cho chị năm chục  ngàn đồng à?”. Bà Hồng đổi giọng: “Tao giới thiệu mày vào nhưng tao có ăn được đồng nào của chủ đâu. Mà chăm bệnh ở đây, ngủ không lo, ăn không lo, ngày ba bữa đều có cơm từ thiện ngoài cổng”. Tôi cự lại: “Sao hồi đầu chị không cho em biết việc trích đóng cho chị năm chục ngàn/ngày làm việc?”. Bà Hồng đanh giọng: “Ở đây ai cũng vậy”.

Đóng cho bà Sáu 500.000đ, tôi chính thức trở thành người chăm bệnh thuê, chịu sự điều động, phân công của bà Hồng. Cũng như ở nhiều BV lớn của TP.HCM, tại BV 115, bệnh nhân có nhu cầu rất lớn về người phụ chăm nuôi. Theo bà Phựa, ở BV 115, có hàng trăm người nuôi bệnh thuê, vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Thu nhập một ngày đêm làm việc của người chăm bệnh thuê là 300.000đ.

Ngã ngửa với những khoản phí bất ngờ

Nhận tiền xong, bà Sáu giục “đi nhận ca” và dắt tôi qua khoa Nội thận miễn dịch ghép, gặp một nhân viên của BV 115 tên Trang. Thấy tôi đi cùng, bà Trang hỏi: “Lính mới hả?”. Bà Sáu không đáp và đưa mắt nhìn tôi như ra lệnh không được nói gì. Sau một hồi thỏa thuận gì đó với nhân viên tên Trang, bà Sáu ghé tai tôi nói nhỏ: “Mặc kệ mày từng chăm nuôi ai chưa, nếu ai có hỏi thì mày nói là có kinh nghiệm nuôi bệnh rồi, rành hết, không gớm, không sợ gì hết”.

Ai dung sau duong day  'hut mau' nguoi nuoi benh thue?
Lầu 3, khu A, Bệnh viện 115 được ví là “đại bản doanh” của người chăm bệnh thuê dưới sự điều hành của bà Hồng.

Tôi gật đầu. Bà Sáu tiếp tục dắt tôi đến khoa Ung bướu để nhận việc. Tại đây, tôi gặp một phụ nữ tên Nam là người đang có nhu cầu thuê người chăm bệnh. Bà Sáu chỉ tay vào tôi, nói: “Con nhỏ này sẽ làm cho em”. Chị Nam gật đầu, vừa mở miệng hỏi tôi đã “kinh qua” nghề này bao giờ chưa thì bà Sáu cắt ngang: “Nó rành lắm, cần gì em cứ nói. Giờ chị nói rõ thủ tục. Một ngày ba trăm ngàn tiền công, ngày nào lấy ngày đó. Bọn chị vô ca là lấy luôn”. 

Chị Nam gật đầu, rút 300.000đ ra trả. Tôi chưa kịp nhận đã thấy bà Sáu thộp lấy, giọng tỉnh bơ: “Ngày công đầu, bọn chị nhận. Sáng mai cũng đúng giờ này em cứ đưa cho nó ba trăm ngàn. Sáng mốt, sáng kia cũng vậy”. 

Tôi níu tay bà Sáu: “Là sao cô?”. “Quy định ngày đầu không được lấy, mày cứ biết vậy đi” - bà Sáu nói rồi nhanh chân bỏ đi. Muốn lao theo bà Sáu để hỏi thêm nhưng bấy giờ tôi đã bị “trói chân” bởi người bệnh. Như một cuộc mua bán, trong đó người bán là bà Sáu, người mua là chị Nam, còn tôi là một món hàng. Tiền công ngày đầu đã mất trắng, và tôi trở thành người chịu sự điều khiển của chủ thuê.

Chị Nam lập tức đưa tôi vào phòng bệnh có mẹ chị đang nằm, nói rõ các yêu cầu mà tôi phải đáp ứng khi chăm sóc cho bà. Từ lúc này, tôi buộc phải không được rời mắt khỏi người bệnh, làm đủ mọi việc từ bưng bô, dọn rửa và chăm sóc cho bệnh nhân như bao người chăm bệnh thuê khác.

Nghề nuôi bệnh thuê là một nghề vô cùng khắc nghiệt, người đảm nhiệm công việc này phải 24/24 giờ túc trực bên bệnh nhân thì mới được tính là một ngày làm việc. Trong buổi tối làm việc đầu tiên, chúng tôi xin chị Nam ra ngoài cổng tìm mua vài vật dụng cá nhân để trang bị cho những ngày sắp tới. 

Tranh thủ vài phút “tự do”, tôi gọi cho bà Hồng hỏi thăm chuyện mất trắng 300.000đ ngày công đầu. Bà Hồng gắt: “Mày phải hiểu ở đâu ra mà có ca cho làm?”. Tôi cố hỏi: “Có phải tiền đó thuộc về bà Sáu không chị?”. Bà Hồng gọn lỏn: “Không biết, cái đó hỏi con Sáu”. 

Tôi quyết định lên “đại bản doanh” ở lầu 3, khu A để gặp bà Sáu, chất vấn như hỏi thay cho hàng trăm người đàn bà khốn khổ đang cắm mặt bưng bô ở đây để đổi lấy miếng cơm hàng ngày. “Sao cô lấy mất ba trăm của con, sao con làm việc khổ vậy mà không được nhận tiền? Hồi sáng con đóng năm trăm ngàn rồi còn gì?”.

Ai dung sau duong day  'hut mau' nguoi nuoi benh thue?
"Cai" Sáu đứng chờ "bắt" người trước bệnh viện 115.

Lúc này, bà Sáu bộc lộ rõ uy thế của một “cai đầu dài” có máu mặt trong BV, quát: “Bộ mày tưởng tự nhiên có việc cho mày làm à? Nếu không có ai giới thiệu công việc cho thì việc ở đâu ra mà mày làm ngon vậy?”.

Thấy bà Sáu nổi giận, chị T. (khoảng ngoài 40 tuổi, làm nghề chăm bệnh thuê) đang nằm co ro nghỉ mệt ở góc hành lang bật dậy, kéo tôi lại nói nhỏ: “Quy định vậy đó em, cái gì không biết thì từ từ biết. Em cứ hỏi nhiều vậy bà Sáu nổi giận là mệt đó”. Nghe chị T. cảnh báo, tôi quay sang chỗ bà Sáu, dịu giọng: “Do con không hiểu chứ ai cũng vậy thì con đâu hỏi làm chi”.

Tôi cố nán lại chiếc ghế nhựa gần chỗ chị T. để bóc hộp cơm nguội ngắt mà lúc chiều tôi vừa xin được trước cổng bệnh viện ra ăn. Thấy vẻ thiểu não của tôi, chị T. tiến lại ngồi sát bên nói nhỏ: “Em đang tức lắm phải không? Hồi mới vô làm, ngày đầu bị lấy hết tiền, chị cũng ức như em bây giờ, khóc cả đêm luôn. Họ lấy tiền của mình để chia cho nhân viên bệnh viện đó, họ có hẳn một đường dây liên kết với nhau. Mình làm ở đây thì mình phải chịu thôi”.

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với chị T., tôi phần nào hình dung về một thế lực ngầm đang thao túng hoạt động chăm người bệnh. Họ là ai? Hoạt động như thế nào? Liệu việc bóc lột của chúng đã dừng lại như đã kể ở trên? 

Bài tiếp: Vạch trần thủ đoạn bóc lột của “cai”  

Nhóm Phóng Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI