Ai dễ bị tiểu đường khi Việt Nam sắp có hơn 6 triệu người mắc bệnh?

15/11/2020 - 10:36

PNO - Việt Nam hiện có gần 4 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Dự báo con số này tăng lên 6,1 triệu người vào năm 2040.

 

Một bệnh nhân dùng thuốc Tàu chữa bệnh tiểu đường phải nhập Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cấp cứu. Ảnh: Phạm An
Một bệnh nhân dùng thuốc Tàu chữa bệnh tiểu đường vào Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cấp cứu. Ảnh: Phạm An

Ai dễ "dính" tiểu đường?

Bác sĩ Ck2 Phan Nhật Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp (TPHCM) cho biết bệnh đái tháo đường được phân thành 3 loại: tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ. Tùy vào mỗi loại và độ tuổi khởi bệnh sẽ khác nhau.

 - Tiểu đường tuýp 1: Bệnh hay gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi do bẩm sinh, bệnh tự miễn hoặc do nhiễm siêu vi. Bệnh thường khởi phát đột ngột với những triệu chứng như: thường xuyên khát nước, tiểu nhiều, sụt cân nhanh. 

 - Tiểu đường tuýp 2: Bệnh thường gặp ở người trung niên, chủ yếu trên 40 tuổi, đặc biệt gia tăng nhanh chóng ở người từ 45 - 65 tuổi. Bệnh có thể do di truyền hoặc thừa cân, béo phì, lười vận động, thường xuyên căng thẳng, stress...

Đáng báo động khi hiện nay bệnh có thể gặp các trẻ em và người trẻ tuổi do các loại hình thức ăn nhanh, thực phẩm ngọt và nền kinh tế công nghiệp hóa phát triển ồ ạt.

Bệnh xuất hiện âm thầm và khó nhận biết, chủ yếu được phát hiện tình cờ qua thăm khám, xét nghiệm máu định kỳ. 

 - Tiểu đường thai kỳ: Bệnh đái tháo đường thai kỳ khởi phát trong thời gian mang thai. Nguyên nhân chủ yếu do di truyền.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường

4 triệu chứng kinh điển của bệnh là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều. Đáng lo khi người già mắc bệnh tiểu đường thì các triệu chứng này có thể không rõ ràng, khó nhận biết hơn người trẻ.

Ngoài ra, các triệu chứng cảm thấy mệt mỏi và ngủ mê của bệnh tiểu đường type 2 có thể bị nhầm lẫn là một phần của quá trình lão hóa thông thường ở người lớn tuổi.

Do đó, người già mắc bệnh tiểu đường có thể không có triệu chứng và không được chẩn đoán cho đến khi xuất hiện những tổn thương rõ rệt.

Và khi bệnh đã lộ rõ thì người lớn tuổi lại có các bệnh nền khác đi kèm nên việc điều trị tiểu đường càng khó khăn. 

Chế độ ăn cho người bị tiểu đường.

Về nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường là hạn chế tối đa chất đường bột, điều này có tác dụng tránh tăng đường huyết, hạn chế các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa. Những thực phẩm người bệnh tiểu đường nên ăn bao gồm:

Nhóm đường bột: ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ... được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa chiên, xào...

Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nên nếu người bệnh muốn ăn cũng phải giảm hoặc cắt cơm.

Nhóm thịt cá: ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ, các loại đậu đỗ... được chế biến đơn giản như hấp, luộc, áp chảo nhằm loại bớt mỡ.

Nhóm chất béo, đường: thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường như dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, olive...

Nhóm rau: cần ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như: ăn sống, hấp, luộc, rau trộn nhưng không nên sử dụng nhiều loại sốt có chất béo.

Củ quả: ăn trái cây tươi, không nên chế biến thêm bằng cách cho thêm kem, sữa; hạn chế ăn các loại quả chín ngọt như: sầu riêng, hồng chín, xoài chín...

Phóng tránh bệnh tiểu đường cách nào?

 - Chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, ngọt, nước ngọt, hoặc đồ uống có đường khác.

 - Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày, kể cả rau xanh lá.

 - Ăn tối đa 3 suất trái cây tươi mỗi ngày.

 - Chọn một miếng trái cây tươi, hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.

- Hạn chế đồ uống có cồn

 - Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản, thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.

 - Chọn bơ đậu phộng thay vì sô cô la hoặc mứt.

 - Chọn bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.

 - Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa hoặc dầu cọ)

 - Tập thể dục bằng cách chọn loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất như đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (kéo dây, nâng tạ).

 - Người già, đau khớp có thể chia tập nhiều lần trong ngày, thí dụ đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần 10-15 phút.

Người còn trẻ nên tập khoảng khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Điều trị đái tháo đường là điều trị toàn diện, không chỉ bao gồm việc dùng thuốc. Người bệnh còn cần phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp với bệnh đái tháo đường.

Đinh Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI