Ai 'đánh cắp' sự trưởng thành của con?

05/04/2017 - 12:09

PNO - Đừng cắt đứt một cánh tưởng tượng của con, đừng nhốt thiên thần trong cái ao nhỏ chỉ có hai mươi sáu chữ cái quá sớm.

Nhiều bậc cha mẹ từ việc chăm sóc bé thuở sơ sinh, dần dà quen với việc can thiệp, quyết định thay con tất tần tật mọi điều. Cho con học trường nào, mặc trang phục ra sao, chọn món đồ chơi gì, giải trí ở đâu… cha mẹ không hề tham khảo ý kiến của “đương sự”. 

Ai 'danh cap' su truong thanh cua con?
 

Trẻ dần được nhào nặn thành một người không có suy nghĩ độc lập, thụ động, nhút nhát, bạc nhược, không sáng tạo, thiếu tự tin, thiếu quyết đoán. Nguy hiểm hơn, việc áp đặt con làm theo ý muốn của cha mẹ gây ra sự ức chế từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nhiều cha mẹ đang “đánh cắp” sự trưởng thành của con mà không hề hay biết.

Một cuộc khảo sát của các nhà khoa học Nhật Bản đã ghi nhận: những đứa trẻ được cha mẹ ủng hộ ngay từ thuở ấu thơ thường thành công trong học vấn, sự nghiệp, có mức độ hạnh phúc cao và coi trọng các giá trị đạo đức khi trưởng thành.

Ngược lại, những em bé có cha mẹ nghiêm khắc, hiếm khi cho con được độc lập, lúc trưởng thành thường không cảm thấy hạnh phúc và luôn phải chịu đựng stress.

“Nhiều khi, thấy mình như con rối”

Bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của mùa tuyển sinh đại học, nhưng Phương Vy, học sinh lớp 12 ở Q.6, TP.HCM vẫn cứ như người lơ lửng giữa không trung. Gặp em trong buổi tư vấn hướng nghiệp tổ chức tại trường đại học Bách khoa TP.HCM một ngày đầu tháng Ba,

Vy cười buồn: “Nhiều khi, thấy mình như con rối, được cha mẹ sắp sẵn chỗ này, chỗ kia. Bạn bè nói con sướng, nhưng mấy ai hiểu được nỗi khổ của con. Ngay cả cha mẹ cũng không để tâm đến ước mơ, khát vọng của con. Cha mẹ chỉ mải sắp đặt con theo ngành này, ra trường xong đi thẳng vô cơ quan kia, rồi lập gia đình với con của một người bạn nối khố nọ của cha. Con cũng đôi lần “chống cự” nhưng không thành công. Thôi thì cha mẹ muốn sao cũng được…”. 

Chị Thanh Thảo, phụ huynh của em Minh Tâm - bạn học của Vy - trầm ngâm chia sẻ cùng chúng tôi: “Một số cha mẹ đang lạm dụng việc làm thay con, quyết định tương lai con. Thật ra, lo cho con cái nhiều có thể gây tác dụng ngược, khiến trẻ không lớn lên được, không tự chủ, ỷ lại, thụ động. Tôi đã từng thấy nhiều đứa trẻ được nuông chiều như công chúa, hoàng tử; đi học được cha mẹ chọn trường, chọn lớp, chọn nghề, ra trường được cha mẹ lo luôn “tấm vé” việc làm. Đấy không còn là tình thương mà là kìm hãm sự trưởng thành, phát triển của con”.

Thật vậy, trong cuộc sống, đã có rất nhiều bậc cha mẹ thường thích sắp đặt mọi việc cho con, vì họ hy vọng thông qua kinh nghiệm, sự từng trải của mình, sẽ giúp trẻ giảm bớt khó khăn, thất bại.

Tuy nhiên, điều đúng đắn nhất là cha mẹ cần buông tay để con có thể tin tưởng bản thân, có trách nhiệm với chính mình và mọi người. Tự trải nghiệm cuộc sống, tự nhận thức xã hội, đứa bé mới có thể trở nên dũng cảm, kiên cường, mạnh mẽ.

Ai 'danh cap' su truong thanh cua con?
Ảnh minh họa.

Quá dựa dẫm vào cha mẹ, con sẽ có thói quen sống thiếu cảm giác an toàn, không có khả năng phán đoán, không thể đối phó với sự việc, càng không có sự sáng tạo. Mà sự ỷ lại trong tư duy là kẻ thù của sự trưởng thành.  

Bên cạnh đó, có những trường hợp khi trẻ trưởng thành, đã có thể tự chịu trách nhiệm cuộc đời mình, cha mẹ vẫn còn quen nếp điều khiển - ra lệnh, sẽ khiến cuộc sống hai bên trở nên ngột ngạt, mâu thuẫn, bức bối. Như chuyện của Mạnh Quỳnh, cậu hàng xóm của tôi. 28 tuổi, nhưng mỗi ngày trang phục đi làm Quỳnh đều phải chọn theo ý kiến của cha mẹ.

Hôm nào Quỳnh muốn phá cách, chọn chiếc áo khác thay vì cái đã được ủi phẳng phiu treo sẵn là y như rằng phong ba bão tố bắt đầu nổ ra. Chiếc xe máy Quỳnh chọn cũng phải theo ý kiến của mẹ. Người yêu Quỳnh đưa về, cô nào cũng bị gia đình phản đối. Tất tần tật mọi việc trong đời sống của Quỳnh đều nằm ngoài quyết định của cậu.

Nhưng có lẽ giọt nước tràn ly là lúc Quỳnh mở công ty riêng, hết cha đến mẹ đã “thay mặt” con kỷ luật nhân viên này, đuổi việc nhân viên khác với những lý do vô cùng… vô lý! “Nhiều khi em muốn dọn ra ngoài ở riêng, muốn lên tiếng phản đối chuyện này, chuyện nọ, nhưng nhìn những giọt nước mắt của mẹ, em lại không đành lòng. Mà cứ sống như thế này mãi, thì em không biết mình còn chịu đựng được trong bao lâu…” - Mạnh Quỳnh khổ sở tâm sự. 

Trả con về với cuộc đời con

Trên facebook, chị Hồ Thị Hải Âu, tác giả cuốn sách Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu cho biết: “Trong cuốn sách, tôi nhiều lần tái khẳng định rằng hành trình đi cùng con trẻ là một hành trình mà cha mẹ cần có tâm thế của người đi thăng bằng trên dây. Thái quá về một phía nào cũng đều dẫn đến ngã lộn nhào. Nuôi và dạy trẻ cũng vậy, cha mẹ luôn phải nỗ lực tìm được điểm cân bằng hài hòa trong giáo dục đứa trẻ cụ thể của mình, vì không có một công thức nào chung hoàn hảo cho mọi trẻ. Cha mẹ không thể hoàn hảo nhưng hãy yêu trẻ bằng tình yêu hoàn hảo và tràn đầy trí tuệ”.

Hay như hiện tượng “cháy hàng” của quyển sách Con nghĩ đi, mẹ không biết! (tác giả Thu Hà) có lẽ một phần vì độc giả đánh giá nó như một cuốn cẩm nang, như một giải pháp để con tự lập và mẹ tự do. Tinh thần của quyển sách là nói không với một thế hệ ù lì khi mà cha mẹ “ủ” con cái quá kỹ. Một quyển sách truyền cảm hứng cho các bà mẹ để con tự lập, và tạo không gian cũng như tinh thần thoải mái nhất cho các bà mẹ khi nuôi con, vì “nuôi con cũng là một nghệ thuật”.

“Mẹ không phải là Mẹ - Biết - Tuốt. Con phải vận dụng đầu óc để tự giải quyết những vấn đề của mình. Con phải thông cảm với những hạn chế của mẹ và nhân từ hơn với chính mình. Tôi tin rằng khi mình càng bao bọc, con mình càng yếu đuối, càng vụng dại. Khi tôi càng cố gắng cầu toàn, con tôi càng bị áp lực. Và có một điều chắc chắn: không có đứa con nào hạnh phúc bên một bà mẹ bất hạnh! Phải tung con ra bầu trời với nắng, gió, mưa và bão táp... Phải dám buông tay thì con mới lớn được!

Đừng cắt đứt một cánh tưởng tượng của con, đừng nhốt thiên thần trong cái ao nhỏ chỉ có hai mươi sáu chữ cái quá sớm.

Kỹ năng quan trọng nhất để con sống sót và sống thành công trên đời là kết nối.

Không có sức mạnh nào mạnh bằng hiểu nhau và hợp tác. Nhà trường và phụ huynh, dù ưu việt tới mức nào cũng không thể đơn độc trong việc đào tạo con người.

Làm sao để con tự giác học? Chỉ cần ba mẹ tự giác học.

Làm sao để con thích đọc sách? Chỉ cần ba mẹ thích đọc sách.

Làm sao để con thành người tử tế? Chỉ cần ba mẹ lao động tử tế, sống đàng hoàng trước mắt con mỗi ngày.

Xin được lấy đoạn trích của sách làm cái kết cho bài viết này để mỗi ông bố bà mẹ có dịp ngẫm ngợi thêm...

 Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI