Ngàn lẻ một chuyện bạo hành
Gia đình nào ít nhiều cũng có những mâu thuẫn, từ cãi vã, giận hờn, cho đến bạo hành thể xác lẫn tinh thần. Có những câu chuyện nghe người trong cuộc kể lại, không ai có thể hình dung đó là hành xử của những người đầu ấp tay gối.
Một ông chồng bề ngoài thành đạt, lịch lãm; thế nhưng, đối với vợ lại ích kỷ, hay ghen tuông vô cớ quá khứ của vợ. Bất cứ lúc nào anh ta cũng có thể kiếm cớ với chị.
Chị đang bận việc dưới bếp, ở nhà trên, dù chỉ cần với tay là rót được ly nước, anh cũng bắt chị phải đích thân phục vụ. Trong bữa cơm, anh không cho chị ngồi ăn cùng, mà bắt chị phải đứng bên cạnh xới cơm, chờ anh ăn xong, chị mới được ăn.
Chưa kể, chị vừa bưng chén cơm, anh ta cần gì thì chị phải ngay lập tức bỏ chén xuống để đi lấy… Làm gì không vừa ý, chị sẽ phải nghe anh chửi rủa triền miên từ ngày này sang ngày khác. Hành trình để có được tờ ly hôn, cam go chẳng kém mười lăm năm trời chịu đựng.
|
Ảnh minh họa |
Quá nhiều trường hợp người phụ nữ bị bạo hành dã man, như bị đánh đập vô cớ, có khi để lại thương tật mỗi khi chồng say xỉn. Nhiều người trong số họ thường xuyên bị bạo hành mà không dám hé răng.
Là kế toán một cơ quan khá lớn, chị D. có nhiều mối quan hệ. Để giữ sĩ diện cho gia đình và cũng vì công việc, gần như chị phải luôn chịu đựng cảnh “trong héo, ngoài tươi”. Chồng chị rất nóng tính, chị làm gì không vừa ý, hay cãi lại một chút là bị bợp tai ngay. Nặng nhất có khi bị quăng cả ghế vào người.
Vậy mà, khi mọi chuyện lắng xuống, vợ chồng lại tay trong tay, cô vợ ra đường lại ôm anh chồng sát rạt, khó ai hình dung cảnh sóng gió xảy ra như cơm bữa trong gia đình họ. Lý do chị đưa ra là: “Thôi thì, con cần cha, tánh ổng cộc, mình phải chịu…”.
Những trường hợp trên xảy ra rất nhiều trong xã hội. Người ngoài cuộc nghe chuyện thì phẫn nộ: “Tại sao không bỏ quách cho rồi? Chịu đựng như vậy là thiệt thân. Lỡ chết lấy ai nuôi con? Trong khi thằng chồng sẽ cưới vợ mới ngay…”.
Lời khuyên nào nghe cũng có lý, nhưng chỉ người trong cuộc mới biết lý do tại sao họ phải chịu đựng (áp lực dư luận, ràng buộc con cái, tài sản, định kiến xã hội, phụ thuộc kinh tế, sự hăm dọa của người chồng…). Có người sau đó sẽ quyết định chọn thời điểm ly hôn, có người không thể rời bỏ được.
Vì sao bạo hành vẫn liên tục xảy ra? Lý do thứ nhất là bản chất của người chồng thô lỗ, vũ phu, hở ra là thượng cẳng chân hạ cẳng tay vì bất cứ lý do gì. Đây là dạng người khó cải tạo, khó lòng đòi hỏi ở họ sự thay đổi. Người vợ chỉ có cách duy nhất là ly hôn. Nếu không, phải cố gắng sống chung với lũ.
Lý do thứ hai là có thể người chồng ích kỷ, mang nặng tư tưởng chồng chúa vợ tôi, gặp phải người vợ có lỗi, nhưng không biết nhận lỗi mà cứ to tiếng với chồng, châm dầu vào lửa. Cũng có thể người vợ luôn làm điều sai quấy, không biết ý chồng nên gây ra mâu thuẫn. Và cách duy nhất để họ giải quyết mâu thuẫn là… đánh nhau.
Phải biết tự bảo vệ mình
Tự bảo vệ mình là điều cần thiết khi bị chồng bạo hành. Có những tình huống tự bảo vệ nghe qua khá buồn cười, nhưng lại rất hiệu quả. Một ông chồng nổi tiếng hiền lành, đàng hoàng, uy tín. Vậy mà có lần anh đã suýt đánh vợ.
|
Ảnh minh họa |
Lần đó, do mâu thuẫn âm ỉ nhiều ngày, không kìm lòng được, anh giơ tay định tát chị. Chị vớ ngay cái ghế nhỏ, thét lên: “Anh động vào tôi là không xong đâu”. Anh nghe thế, rụt ngay tay lại. Có chị giải quyết bằng cách chồng “chơi” tới đâu, vợ “chơi” tới đó. Chồng quăng chén ra sân, vợ cũng quăng chén ra sân. Chồng đập cái ly, vợ đập thêm cái dĩa. Chồng ném ghế, vợ ném đôn ngồi. Thậm chí, chồng đập ti vi, vợ đập cái đầu máy… Riết rồi, anh chồng phải chùn tay, vì thiệt hại do chiến tranh gây ra kinh khủng quá.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, hiền hòa, mềm dẻo vẫn là giải pháp tối ưu. Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa, một câu nhịn chín câu lành… Nhịn ở đây không phải là chịu nhục mà là biết làm chủ bản thân, biết nắm đằng chuôi, biết điểm yếu của đối phương để có cách xử lý bình tĩnh, khôn khéo.
Khi đối phương nói thì mình im, nhất là khi chồng có hơi men, vợ càng phải dịu ngọt (dù biết rằng rất khó). Ngoài việc lựa lời mà nói, tránh voi không xấu mặt nào, còn có một cách xem ra rất hiệu quả là… bỏ của chạy lấy người. Cứ tông thẳng cửa mà chạy ra đường kêu cứu bà con chòm xóm. Chỉ có chồng quá côn đồ mới truy đuổi vợ đến cùng. Khi có sự can thiệp của người ngoài, chồng cũng chùn tay và thế là vợ sẽ được bảo vệ.
Không ai có thể vỗ ngực cả đời không bị chồng bạo hành. Chồng hay vợ cũng đều là con người, đều có tâm lý phức tạp, mong manh, nhạy cảm. Do vậy, tự bảo vệ mình trong bất cứ tình huống nào là điều mà mọi phụ nữ cần trang bị.
Tự bảo vệ mình còn đồng nghĩa với việc hiểu chồng qua thời gian chung sống với nhau. Biết khi nào có thể có chiến tranh và hiểu muốn được bình yên thì cần phải làm những gì. Đó mới là bản lĩnh của người vợ.
Điều cuối cùng, không tự bảo vệ được thì hãy mạnh mẽ buông bỏ. Buông là cho mình và cũng là để tự bảo vệ mình.
Kim Duy