Ai đã khiến Vàng Ma Chải, Mù Sang tan hoang?

06/08/2018 - 06:57

PNO - Tính đến chiều 5/8, người Lai Châu vẫn chưa tìm được 6 người mất tích trong trận sạt lở. Bà con ở hai xã Vàng Ma Chải, Mù Sang vẫn bì bõm những bước chân tuyệt vọng dưới bùn lầy tìm người thân.

Hơn một tháng nay, người dân nhiều vùng của tỉnh Lai Châu rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ngay những ngày này, người dân huyện Phong Thổ đang chìm trong tang tóc, bi thương. Chỉ một trận sạt lở đất chiều 3/8 đã làm 15 người của hai xã Mù Sang, Vàng Ma Chải thương vong. Rất nhiều tuyến đường bị hư hại và chia cắt.

Các ngành chức năng tỉnh vẫn đang di dời bà con khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở, nhưng chưa tìm được nơi nào cho bà con tạm lánh cơn nổi giận của mẹ thiên nhiên.

Ai da khien Vang Ma Chai, Mu Sang tan hoang?
Lực lượng công an và quân đội đang giúp bà con H.Phong Thổ tìm kiếm người mất tích (ảnh: Sở Y tế tỉnh Lai Châu)

“Mất hết cả rồi...” 

Nhìn từ trên cao, đất đá trút xuống từ nhiều dốc núi. Những ngày mưa dai dẳng đã khiến hầu hết các huyện của tỉnh Lai Châu đang đối mặt với sạt lở. Sau những trận sạt lở, nhiều khu vực dân cư chẳng khác nào bị dội bom. Từ huyện lỵ Phong Thổ lên xã Vàng Ma Chải 70 cây số, đường 132 liên tiếp bị chia cắt bởi những khối đất đá chất đầy. Hai ngày sau trận sạt lở kinh hoàng, mặt đường nhựa dày cỡ 30cm cũng sụt xuống, toang hoác. 

Ở Vàng Ma Chải, những tấm fibro xi măng đen sì, nát vụn; màn, gối, ủng, vở học trò... bị vùi dưới bùn. Trưởng bản Ma A Sèng rất trẻ, trán rộng, da ngăm, gương mặt rắn rỏi giờ không thể giấu được những ám ảnh. A Sèng thất thần nói: “Chưa bao giờ thấy sợ như lần này. Đây vốn là chỗ an toàn, chưa hề bị sạt lở hay bị gì cả nên bà con mới dựng nhà ở đó, lưng tựa vào núi, cửa nhìn ra thung lũng to ngoài kia. Thế mà hôm trước, bỗng lở. Lúc nhìn thấy đất lở, tôi mềm hết cả người, sợ lắm, chân tay bủn rủn không thể nào đứng được”.

Chiều hôm đó mưa lớn, nhiều người đi nương về đã vào một gia đình trong bản để trú. Đất từ lưng núi bất ngờ ụp xuống và vùi lấp tất cả. Da nhăn nheo, nước mắt ướt đẫm gương mặt, bà Háng Thị Ca nghẹn ngào mãi mới nói nên lời: “Lúc đó mưa to, tôi không có ở nhà, tôi đang ở bên nhà hàng xóm... Mất hết cả rồi...”. Bà Ca chỉ nói được bấy nhiêu, nước mắt lại ầng ậng.

Ai da khien Vang Ma Chai, Mu Sang tan hoang?
 

Đến Vàng Ma Chải là hết đường nhựa. Muốn vào Mù Sang, phải đi thêm mấy chục cây số đường rừng ngoắt ngoéo men biên giới Việt - Trung. Những bản nghe tên đã thấy xa xôi, heo hút: Tả Ô, Tả Chù Phùng, Sín Chải… Đường vào Mù Sang sạt lở tứ tung, mọi tuyến đường đều bị chia cắt. Bùn đất loãng đẩy vài ngôi nhà nhỏ ra nằm chon von trên bờ vực.

Đất lầy ngập lưng ống chân, nhão nhoét như ruộng cấy, nước vẫn trút xuống theo đường đi của đất đá như những con thác nhỏ, từng khối đá tảng to như gian nhà lăn xuống, văng khắp nơi. Phía dưới bùn lầy, các chiến sĩ biên phòng của Đoàn Kinh tế quốc phòng 356 và Công an H.Phong Thổ đang gắng sức tìm kiếm những người mất tích. Phía trên, hàng trăm người đội mưa đứng chờ kết quả. Những ánh mắt, những gương mặt hốt hoảng, đau thương dõi theo từng thao tác của đội tìm kiếm.

Chiều 3/8 tang thương đó, một người dân Mù Sang đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh: mưa đang trắng trời thì từ lưng núi, bỗng xối xuống dòng nước đỏ quạch. Một số cán bộ vừa họp chi bộ về, đang đi trên đường, bỗng chạy tán loạn khi nghe thấy tiếng ào ào của nước, của đất. 

Ai da khien Vang Ma Chai, Mu Sang tan hoang?
Một người dân bần thần trước đống đất đá hàng ngàn m³ đã vùi lấp ngôi nhà thân yêu của mình - Ảnh: Tạ Rực

Mẹ thiên nhiên nổi giận

Ở bệnh viện huyện, Chẻo Tả Mẩy (ở bản Nhóm 1, xã Vàng Ma Chải) nằm im trên giường, đầu vẫn đội vuông khăn, mặt mày trầy trụa, tím đen, mắt phải vẫn còn sưng húp. Hỏi mãi Mẩy mới qua được cơn sợ hãi, kể: “Lúc đầu, thấy ít nước thôi, đến khi mình định chạy thì nước nhiều quá, không kịp nữa. Lúc đó, mình đang bế đứa cháu, mình vừa đưa cháu cho chồng thì đất đá sạt xuống, không biết phải chạy đi đâu nữa. Cả chồng và con gái út của mình mất rồi, đứa cháu mà mình bế cũng mất”.

Hơn một tháng nay, Lai Châu có rất nhiều nước mắt và nỗi đau mất người thân như Chẻo Tả Mẩy. Mới đây thôi, ngày 27/6, hàng ngàn khối đất đỏ quạch đã trút xuống Quốc lộ 12 của tỉnh, cuốn hai chiếc máy xúc đang thi công trên đường bay xuống vực như tàu lá. Ngày 26/6, cũng ở Lai Châu, sau những ngày mưa dai, núi no bụng nước đã vỡ, tuôn đất đá xuống xóa sổ toàn bộ bản Sáng Tùng, xã Tà Ngảo, H.Sìn Hồ.

Ngày 25/6, núi đất sạt lở vùi lấp 5 người của 3 hộ gia đình ở bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, H.Sìn Hồ. Trong 5 sinh mạng bị chôn vùi ấy, chỉ một thi thể được tìm thấy. Trước đó, ngày 14/6, đất đá từ núi trụt xuống lấp đầy tỉnh lộ huyết mạch 129 nối H.Sìn Hồ với tỉnh lỵ Lai Châu. Những thảm họa thiên nhiên liên tiếp ở Sìn Hồ còn chưa khắc phục xong, bây giờ lại đến H.Phong Thổ.

Ai da khien Vang Ma Chai, Mu Sang tan hoang?
 

Bà con Vàng Ma Chải, Mù Sang cứ bì bõm những bước chân tuyệt vọng dưới bùn lầy, mọi thứ đã tan hoang, đã bị vùi lấp dưới đất đá. Dù là Vàng Ma Chải, Mù Sang (H.Phong Thổ), Sáng Tùng, Noong Hẻo (H.Sìn Hồ) của tỉnh Lai Châu, hay La Pán Tẩn (H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) thì nỗi đau ấy vẫn là nỗi đau chung: nỗi đau mất người, mất của. Nỗi đau ấy có chung một nguyên cớ: mẹ thiên nhiên nổi giận.

Người ta bảo, trong số các loài đi ra từ rừng, được mẹ rừng nuôi dưỡng, duy nhất con người quay lại tàn sát, cạo trọc mẹ rừng (cùng với ô nhiễm khí thải, rác thải tràn lan). Gần hai mươi năm trước, chúng tôi vẫn được học bài học đầy tự hào trong sách giáo khoa với những cánh rừng Tây Nguyên bạt ngàn giàu có. Thế nhưng bây giờ, trung bình mỗi năm, Tây Nguyên mất đến 25.000ha rừng, thậm chí nhiều khu vực đã không còn cánh rừng nào nữa. Tây Bắc còn đau thương hơn với những núi đồi trơ trọi, trụi lủi.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé lớn nhất nhì Tây Bắc cũng đều đặn suy giảm diện tích rừng hằng năm. Có đợt, chỉ trong 3 năm, rừng Mường Nhé đã giảm đến 16.000ha. Dọc 50km sông Đà từ thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) đến xã Nậm Nhùn (H.Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), có gần 50 gia đình chuyên nghề vớt gỗ vào mùa lũ. Người vớt gỗ bảo “gỗ trôi dạt trên sông có rất nhiều loại quý như lim, lát, sến, táu, có những súc gỗ đã được cưa thành khối”. Chẳng phải nói thì ai cũng biết, số gỗ trôi sông ấy từ đâu ra.

Những thảm họa đến từ quả “bom đất đá” sau nhà giáng xuống con người hôm nay đến từ chính tội ác hủy hoại rừng của loài người. Chỉ có điều, những kẻ giết rừng ấy giờ có lẽ đang hưởng sung sướng ở đâu đó, chỉ có bà con sống dưới nách rừng là những người trực tiếp phải gánh chịu hậu quả. 

Ai da khien Vang Ma Chai, Mu Sang tan hoang?
 
Ông Trần Văn Quế - Chủ tịch UBND H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - cho biết, trận sạt lở ngày 3/8 làm 6 người chết, 6 người mất tích và 3 người bị thương. Trong số các nạn nhân thiệt mạng có bà Lý Thị Chà ở xã Mù Sang là vợ liệt sĩ Ma Seo Sử. Hiện huyện đã hỗ trợ các gia đình số tiền 5,4 triệu đồng/người mất tích, hỗ trợ mỗi người bị thương 2,7 triệu đồng. “Chúng tôi vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, vì dự báo mưa lớn còn tiếp diễn, trong khi vẫn chưa thể tiếp cận nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao, do các tuyến đường đã bị chia cắt hoàn toàn” - ông Quế nói.

 Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI