Ai đã giết họ lần thứ hai, sau cái chết sinh mệnh lần thứ nhất? Mạng xã hội, những ống kính vô hồn? Hàng trăm, hàng ngàn lượt like (yêu thích) - comment (bình luận) - share (chia sẻ) - những “văn minh giả hiệu” của thời 4.0? Hay cái chết thứ hai, là kết quả của một chuỗi-diễn-tiến-không-thể-nào-khác của một nền văn hóa đang gióng hồi báo động cho tất cả chúng ta?
Có lẽ, chỉ ở Việt Nam mới có những cuộc “tiễn đưa online” kỳ dị thế này: Hàng trăm máy ảnh/máy quay chĩa vào cập nhật từng giây hình ảnh thi thể người chết/cỗ quan tài; “đội quân” youtuber, streamer “đông” như kiến vừa “live” (phát trực tiếp) vừa kêu gọi cộng đồng mạng “like”, “share”; chưa kể người dân hiếu kỳ, tò mò chen lấn, làm cho không khí đám tang thêm phần hỗn loạn.
Ta bắt gặp khung cảnh đó cách đây không lâu, ở đám tang diễn viên Mai Phương, nghệ sĩ Anh Vũ, NSƯT Chánh Tín… Và mới nhất, tối 9/12, ở Trung tâm Pháp y TP.HCM (Q.5, TP.HCM), khi thi thể nghệ sĩ Chí Tài được mang đến.
|
“Đội quân” youtuber, streamer “đông” như kiến, công chúng hiếu kỳ chen nhau đặc kín ở Trung tâm Pháp y TPHCM tối 9/12 |
Và có lẽ không ở đâu, nghệ sĩ vừa nhắm mắt chưa được bao lâu đã trở thành “miếng mồi béo bở” của những người làm nghề youtube, streaming như ở ta. Đa số câu view kiếm tiền, hoặc để “cho vui”, “kền kền” bám fame trên sự mất mát của người khác. Trang bị gậy selfie, USB phát 4G, micro, tai nghe, pin sạc dự phòng… để “tác nghiệp”, họ chuyên nghiệp hơn cả những người làm nghề chuyên nghiệp. Và mỗi khi có một nghệ sĩ nổi tiếng đến viếng, những ống kính lại chĩa vào… nét đến từng chân tơ kẽ tóc. Họ đứng che hết tầm nhìn của thân nhân, hỏi hết người này tới người kia, tang gia đã bối rối càng thêm… bối rối. Để rồi ngay sau đó, chỉ cần vào YouTube, các clip phản cảm, đầy đủ hỷ nộ ái ố - ngay trong cùng một đám tang, đua nhau xuất hiện.
Tất nhiên, chẳng ai nói những hành động đó là trái pháp luật. Có điều, dù sao cũng không nên đi quá giới hạn mà khuôn khổ văn hóa đã răn. Truyền thống ở ta cho rằng, ma chay hiếu hỷ - là những việc lớn ở đời, vì thế, cũng luôn được coi trọng. Một đòi hỏi ứng xử văn minh, hợp thời, nhất là ở thời giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 là điều đáng suy nghĩ. Đó là chưa kể, sự đổ bộ của đội quân hùng hậu đó còn gây nên bao phiền hà, khó khăn cho gia quyến trong việc tổ chức tang lễ.
Chẳng cần đâu xa, nhìn sang nước bạn Hàn Quốc, ở nhiều đám tang người nổi tiếng, người nhà “dán nhãn” nghiêm cấm hoặc rất hạn chế chụp hình, quay phim, báo đài chỉ thuật lại sự việc thông qua câu chữ. Với họ, đám tang người nổi tiếng là một sự kiện mang tính riêng tư trong phạm vi gia đình và người thân, không giống như Việt Nam - đã và đang bị biến tướng thành một loại hình “giải trí kiểu mới”.
Gần 20 năm trước, có một đám tang mang tính sự kiện văn hóa lớn thời đó, là đám tang “người hát rong” của thế kỷ - Trịnh Công Sơn. Dòng người đến viếng rất đông, kéo dài từ hồ Con Rùa tới 47C Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM), có người giàu, có người bán vé số, có tăng ni phật tử, có cả những người mến mộ tài năng nhạc sĩ từ các tỉnh đổ về, đủ mọi tầng lớp xã hội… nhưng họ xếp hàng rất trật tự. Báo chí, truyền thông Việt Nam lẫn quốc tế đến cũng không ngoại lệ. Hôm xe đưa linh cữu người nhạc sĩ về “địa đàng”, đi đến đâu, dòng người đang đi ở đó dừng lại, ngả mũ và lặng im. Hôm nay, kể lại chuyện cũ, một người bạn của cố nhạc sĩ có nói với tôi một ý xác đáng: “Một cái đám tang thôi, mà người ta nhìn ra cả một nền văn hóa”.
|
Nghệ sĩ vừa nhắm mắt đã trở thành “miếng mồi béo bở” của những người làm nghề youtube, streaming |
Trong cuốn sách Thiện, ác và smartphone, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang từng đề cập đến những thảm họa thời đại internet. Đám tang của người nổi tiếng qua hàng ngàn phiên bản clip được truyền đi, có lẽ, cũng nằm trong một dạng thảm họa như vậy. Và như Đặng Hoàng Giang nói: “Ác quỷ không dọn đường cho một cái thiện lớn hơn. Nó dọn đường cho một bãi chiến trường. Nếu trên bãi chiến trường ấy, những đấu sĩ trở thành vô danh, những đối thủ chỉ là các avatar hư ảo, những nhát kiếm giết người chỉ cần bấm nút like, thì khả năng tàn sát của chúng ta chẳng khác gì những trò chơi điện tử đẫm máu”.
Ở đây, không có một cái chết vật lý đẫm máu nào cả. Nhưng cùng với “trò chơi vô cảm” của các youtuber, streamer, có vẻ như không ít người trong chúng ta đang tham dự một cuộc “ngộ sát” mang tính tập thể đối với người nghệ sĩ đã mất, bằng tính hiếu kỳ và thái độ hưởng ứng của mình. Sau cái chết thân xác, một cái chết thứ hai đến, một cái chết tinh thần, một cái chết văn hóa đang bày biện ra một gương mặt xã hội có nhiều vấn đề thuộc về thời đại của nó.
Đậu Dung