Cái gối tay êm ấm
Đã vài chục lần em gái chị Thu xúi chị ly hôn. Trong lần anh Tỵ đánh và đuổi vợ ra khỏi quán vào tháng 5/2021, em gái chị Thu mạt sát anh rể và tuyên bố: “Nếu chị quay về sống với ổng thì chị em mình dứt tình”.
Chị Thu và hai con về nhà ngoại tạm lánh. Em gái chị kiếm cho chị mặt bằng ở gần chợ xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM để bán bún cá. Cô em gái làm mọi cách giúp chị độc lập về kinh tế, dọn đường để chị gái chia tay với người anh rể vũ phu, cục súc.
Lần này chị Thu đi đến bốn tháng nên ai cũng mừng vì chị đã muốn tự do. Thế nhưng, vào đầu tháng 10/2021, quán bún mở cửa sau dịch, người ta thấy chị Thu đứng thu tiền bên cạnh chồng tay thoăn thoắt múc bún. Hai vợ chồng vẫn vừa bán vừa cười nói như… chưa hề có cuộc chia ly.
Bà Năm ở gần nhà chép miệng: “Kiếp trước con Thu mắc nợ thằng Tỵ, nên kiếp này phải trả”. Nghe những lời này, em gái anh Tỵ nổi quạu nói: “Sướng hay khổ? Chuyện của người trong cuộc chỉ có người trong cuộc mới hiểu bà ơi!”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Trong một lần đã uống vài lon, anh Tỵ “bật mí”: “Vợ tui có tật luộc thịt không bao giờ chín, lần nào cắt ra cũng còn ửng máu. Tui nhắc thì bả nói “bà út dưới chợ luộc còn sống hơn”. Hôm nào bán bún, rau không hết, tui kêu bỏ thì bả tiếc để qua hôm sau bán tiếp, mà trụng bún cũ, rau cũ là nồi nước đen thui nhìn mất ngon. Khách biết bán đồ cũ là mất mối luôn. Tui nói hoài không nghe nên tức quá tui chửi rồi đập đồ, có khi hất luôn nồi nước lèo”.
Chị Thu tiết lộ thêm: “Cưới hơn chục năm, dù giận hờn hay cãi vã gì tối ổng cũng kê tay làm gối cho tui ngủ”. Chi tiết này làm nhiều người “bị sốc”, bởi không ai tin được người đàn ông đó lại có cử chỉ dễ thương và ấm áp vậy. Bà Năm hàng xóm, sau khi nghe chị Thu kể đã gật gù: “Đúng là sướng khổ chỉ người trong cuộc biết”.
Người ngoài còn giúp, sao không giúp chồng
Vợ chồng chị Ngọc Thúy - nhân viên một công ty truyền thông - chuyển về chung cư Trương Đình Hội, Q.8, TP.HCM hơn một năm, nhưng sống khá kín tiếng. Anh chị rất hạn chế, dè dặt giao tiếp với hàng xóm. Thời gian đầu họ mới về, thỉnh thoảng hàng xóm nghe tiếng bà vợ chì chiết: “Anh để hết gánh nặng cơm áo gạo tiền cho vợ, còn tiền anh, anh giữ bo bo. Anh sống vậy mà không thấy lương tâm cắn rứt sao?”.
Tiếng người chồng đáp lại lạnh lùng: “Tại ai mà tôi như vậy, cô nhìn lại mình đi. Đưa tiền để cô đi ăn chơi, nuôi trai hả?”. Người vợ gào uất nghẹn: “Sao anh suy nghĩ bệnh hoạn hoài vậy? Tôi phải đi làm bất kể ngày đêm để lo cho gia đình, để rồi bị anh vu vạ ngoại tình. Anh có thể trách tôi không chu toàn cơm nước, chứ đừng xúc phạm phẩm hạnh tôi nghen”.
Ngày nào, anh Minh - chồng chị Thúy - cũng lục lọi điện thoại vợ, âm thầm theo dõi vợ từ sở làm đến nơi tiếp khách. Chị đi làm về tóc có mùi thuốc lá là chồng quy tội chị vừa ngủ với đàn ông - trong khi phòng chị làm việc hơn 2/3 là nam giới.
Chiếc vạt giường nhà chị bị gãy, chồng cũng cho rằng chị dẫn trai về nhà làm sập giường. Chị càng thanh minh, chồng chị càng nghi ngờ với cái lý “có tật mới giật mình”. Bỗng dưng bị chồng gán tội tày đình, chị Thúy uất ức, vợ chồng gây gổ triền miên. Anh còn buộc chuyển nhà từ Q.Gò Vấp về Q.8 để “cách ly” chị với ông hàng xóm.
Bạn bè, người thân biết chuyện, ai cũng nghĩ chia tay là lối thoát cho cuộc hôn nhân này. Ba năm chung sống, đã có lúc chị Thúy định buông tay. Nhưng cứ mỗi lần cầm lá đơn ly hôn lên, chị nhớ đến người chồng đứng đợi trước cổng cơ quan bất kể nắng mưa để đón chị đi ăn trưa, đưa đón về nhà. Chị nhớ những ngày mưa, chị vừa nói bâng quơ “thèm tô phở nóng” là một lúc sau chồng đội mưa về với bịch phở nóng hổi. Chị từng cảm ơn duyên phận đã cho chị gặp người chồng tuyệt vời vậy. Vậy tại sao chị lại buông tay?
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Chị đưa chồng đi gặp bác sĩ tâm lý, anh Minh được chẩn đoán bệnh hoang tưởng ghen tuông. Chị Thúy nghĩ “người ngoài bệnh mình còn giúp đỡ, còn đây là chồng, là cha của con mình, tại sao mình không giúp, không kiên nhẫn”. Vì vậy, chị bỏ ngoài tai những lời chì chiết, tố xấu của chồng. Và cũng không bận lòng lời của nhiều người thương cảm chị “sống vậy sao sống nổi”.
Nghe theo bác sĩ, chị không thanh minh, tranh cãi với chồng. Chị chọn làm việc ở nhà nhiều hơn, hoặc đi làm về nhà sớm, để chị thường trong tầm mắt của chồng. Những thay đổi nhỏ này lại dần có hiệu quả. Thường xuyên gặp vợ nên không phải suy diễn lung tung, và nhờ uống thuốc đều đặn nên tình trạng của anh cải thiện rõ.
Đợt dịch rồi, vợ chồng chị trọn gói bên nhau 24/24, cùng nấu ăn, xem phim, chơi với con… anh chị đã xích lại gần nhau. Đến nay, hai người đã vui sống trong cảnh bình thường… mới. Chị Thúy tâm sự: “Mối quan hệ của vợ chồng tôi cải thiện được 70%. Dù chưa như cũ, nhưng với tôi đó là cả mơ ước”.
Nhìn cái tốt trong 1.001 cái xấu
Một trong những “cặp đôi tai ương” có thâm niên là vợ chồng anh Quốc Dũng - chị Thanh Trang ở H.Châu Thành, tỉnh An Giang. Anh chị kết hôn 26 năm, nhưng có đến 23 năm sống trong cảnh vợ chồng lục đục triền miên. Trong mắt chị Trang, chồng có “trăm ngàn tật xấu”, và chị chẳng giấu giếm điều đó.
Hễ gặp ai khen “anh Dũng được lắm” thì chị Trang xổ “ổng tệ dữ lắm, chỉ chơi bời và ăn nhậu là giỏi?”. Vì lẽ này, anh Dũng rất giận vợ vì không “giữ thể diện cho chồng”. Hai bên thiếu hẳn sự thông cảm, bao dung cho nhau, mà xét nét từng chút một. Chỉ cần anh Dũng vắt quần áo dơ lên ghế, là chị Trang khó chịu: “Người sống phải biết để ý, tui đâu phải con ở theo dọn dẹp cho ông hoài”. Khi anh Dũng ngồi ghế kéo lại không đúng chỗ, chị cũng càm ràm.
Những bực tức của chị Trang đối với chồng xuất phát từ việc anh ham cờ bạc và chị đã phải bán miếng đất để trả nợ cho chồng. Từ đó, trong mắt chị, chồng nói gì cũng không đáng tin, làm gì chị cũng gai mắt. Dù sau khi vỡ nợ, anh Dũng đã bỏ cờ bạc, nhưng chị Trang vẫn không tha thứ. Cái phốt cũ của chồng đã đóng đinh trong chị: chồng là người rất tệ, làm tan nhà nát cửa. “Vậy mà, không dứt duyên, dứt nợ được” - chị Trang nói.
Chị từng nộp đơn ly hôn lên tòa án huyện, nhưng rồi rút đơn, bởi ngoài việc anh năn nỉ, chị thấy trong 1.001 thói xấu của chồng, vẫn có cái tình của người bạn đời.
“Ổng rất sợ tui bị bệnh. Mỗi lần tui ho, hay than đau nhức là ổng đi mua thuốc, mua cháo về ép tui ăn, uống cho bằng được. Thậm chí, thuyết phục, năn nỉ tui đi khám sức khỏe tổng quát không được nên… mướn tui đi khám với giá 3 triệu đồng. Về nhà, uống thuốc được hai, ba hôm là tui bỏ ngang, thì cứ đúng 7g30 là ổng bưng đồ ăn sáng, ly nước, gói thuốc và canh tui ăn uống”.
Vì vậy, bao lần giận chồng bầm gan tím ruột về thói hư tật xấu, chị lại nhớ đến cử chỉ nước rót đưa thuốc của chồng. Khi chị bệnh, anh thức suốt đêm canh vợ, lau mát cho vợ và nửa đêm lỡ ngủ quên, giật mình thức dậy anh quáng quàng sờ tay vào trán vợ. Thậm chí, cậu con trai tuổi đã quen việc ba phục vụ nước - thuốc cho mẹ đến độ, gói thuốc vừa đặt trước mặt chị, là thằng bé hô lớn, đúng giọng và điệu bộ của mẹ: “Anh… nước”. Với chị, những hình ảnh đó là sợi dây níu chị lại với cuộc hôn nhân mà người ngoài “không hiểu sao có thể chịu đựng được”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Sự kiên nhẫn của chị Trang đã có quả ngọt: Hơn một năm nay, chồng chị bỏ hẳn cờ bạc và mở một quán ăn. Và từ một cậu ấm ăn chơi, giờ anh Dũng đã trở thành đầu bếp chính.
Hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như quan điểm về hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống lứa đôi là cảm nhận của từng người. Không thể lấy hạnh phúc của chị A, chị B, chị C (chồng tâm lý, tình cảm, ngày lễ, sinh nhật đều tặng hoa, quà cho vợ; chồng làm nhiều tiền; vợ thích gì cũng đáp ứng; chồng phải chia sẻ việc nhà với vợ…) làm chuẩn chung.
Cuộc sống hôn nhân có muôn hình vạn trạng, chỉ người trong cuộc mới biết rõ đâu là điều gắn bó giữa hai vợ chồng. Sự gắn bó giữa vợ chồng đều là nhân duyên và dẫu có mâu thuẫn, va đập thì ít nhất họ cũng nhìn thấy nhau cái ưu, cái được của người bạn đời và nương náu vào đó để vượt qua sóng gió hôn nhân.
Chúng ta - những người xung quanh, hay là người thân - chỉ nên làm khán giả, đứng nhìn từ xa, để họ… tự trưởng thành.
Thùy Dương