PNO - Trên mạng xã hội và một số kênh bán hàng trực tuyến đang rao bán sản phẩm bộ xét nghiệm nhanh COVID-19. Đây là dạng hàng xách tay và ngành y tế khuyến cáo không nên tùy tiện dùng vì nhiều hệ lụy.
Trên các trang bán hàng trực tuyến, kể cả Alibaba hoặc Shopee dễ dàng tìm thấy bộ xét nghiệm COVID-19 đang được rao bán. Một chủ shop online trên trang Shopee tên T., ngụ tại H.Gia Lâm, TP.Hà Nội đang rao bán sản phẩm bộ xét nghiệm COVID-19 nhập từ Mỹ. Mỗi hộp có 40 bộ xét nghiệm, mỗi bộ xét nghiệm được shop này bán với giá 850.000 đồng. Tại trang bán hàng trực tuyến Alibaba mọi người cũng không khó để tìm sản phẩm bộ xét nghiệm nhanh COVID-19. Sản phẩm xét nghiệm này nếu mua số lượng lớn dưới 5 triệu bộ thì có giá khoảng 600.000 đồng/bộ, còn đặt số lượng trên 5 triệu bộ thì giá chỉ còn khoảng 300.000 đồng/bộ.
Bộ xét nghiệm COVID-19 được rao bán tràn lan trên mạng
Không chỉ thế, sản phẩm bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 còn đang được nhiều cá nhân rao bán trên Facebook, quảng cáo xuất xứ từ Mỹ và Trung Quốc. Chủ tài khoản có tên L.N.C., ngụ tại TP.Đà Nẵng đang rao bán bộ xét nghiệm kiểm tra nhanh COVID-19. Bên cạnh hình sản phẩm còn có cả ảnh chụp giấy chứng nhận có đóng dấu toàn tiếng Trung Quốc để chứng minh bộ xét nghiệm này là hàng xịn. Giá cả của sản phẩm không được C. công khai, ai có nhu cầu mua thì nhắn tin để trao đổi trực tiếp. Thông tin chủ tài khoản C. đăng tải về bộ xét nghiệm COVID-19 đã thu hút rất nhiều sự quan tâm. Nhiều người còn hỏi giá cả để mua về tự làm xét nghiệm cho gia đình.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cảm thấy hoang mang khi đọc các thông tin chào bán bộ xét nghiệm COVID-19 trên các trang mạng cung cấp chẩn đoán nhiễm COVID-19 trong vòng 15 phút. Bộ xét nghiệm này là hàng nhập khẩu từ Mỹ, được chào mời là sản phẩm lý tưởng cho các bệnh viện, phòng khám, phòng thí nghiệm, doanh nghiệp, trường học, sân bay, cảng biển, nhà ga...
Nhờ bộ xét nghiệm trên có thể phát hiện dấu hiệu sớm và dấu hiệu muộn đối với kháng thể IgM/IgG trong mẫu máu ngón tay hoặc máu tĩnh mạch ở người để sàng lọc nhanh những người mang vi-rút có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Cách thực hiện tiến hành xét nghiệm còn được hướng dẫn tỉ mỉ là thu thập mẫu máu/huyết thanh/huyết tương rồi nhỏ vào mẫu giếng. Sau đó nhỏ từ 2-3 giọt dung dịch hóa chất vào mẫu giếng và đọc kết quả sau 15 phút.
Nhìn chung, các bộ xét nghiệm này trông không khác gì que thử thai. Nếu hiện lên hai vạch là dương tính với COVID-19, còn một vạch là âm tính. Bác sĩ Khanh khẳng định chưa hề nghe thấy Bộ Y tế nói gì về việc cấp phép lưu hành đại trà cho các sản phẩm bộ xét nghiệm thế này. Việc rao bán tràn lan trên mạng bộ xét nghiệm COVID-19 sẽ gây loạn, khó tránh cảnh mọi người đổ xô đi mua để tự làm xét nghiệm và tin tưởng vào kết quả chưa được kiểm chứng.
Không có chủ trương để dân tự làm xét nghiệm
Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, khẳng định, ngành y tế chưa hề có chủ trương để người dân tự làm xét nghiệm COVID-19 một cách tự phát. “Dù mọi người có đi mua về và tự làm xét nghiệm nhưng kết quả đó không được công nhận. Ngoài ra, tự làm xét nghiệm như vậy không đảm bảo được tính chính xác, nếu ai cũng tự dùng kết quả xét nghiệm kiểu đó rồi đi nói với người này người kia rằng tôi dương tính hoặc âm tính thì sẽ gây ra sự nhiễu loạn, khó khăn hơn cho công tác phòng chống dịch”, bà Mai nói.
Qua đó, bà Mai khẳng định lại, hiện nay xét nghiệm COVID-19 chỉ có một cách chính thống là theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ những người nào có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc gần với người về từ vùng dịch thì sẽ được cơ sở y tế tiến hành cách ly và cân nhắc tổ chức làm xét nghiệm.
Bản thân ông Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ truyền thông và thi đua, khen thưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ ngày nào ông cũng nhận được vài cú điện thoại hỏi xem mua test nhanh để thử COVID-19 ở đâu. Thậm chí có người còn hỏi rằng có dịch vụ đến tận nhà để lấy mẫu xét nghiệm hay không và làm sao cho thật bí mật để hàng xóm khỏi trông thấy. Theo ông Cường, những người có nhu cầu muốn làm xét nghiệm COVID-19 này không hề đi nước ngoài từ Tết tới giờ, họ cũng không đi máy bay và làm việc với người nước ngoài hay gặp ai từ nước ngoài về. Tóm lại, họ không có yếu tố dịch tễ nhưng sẵn sàng bỏ tiền làm xét nghiệm cho yên tâm.
Làm xét nghiệm COVID-19 phải đúng thời điểm và có các yếu tố dịch tễ, không thì sẽ cho ra kết quả không chính xác và phí tiền vô ích. Khi COVID-19 xâm nhập vào cơ thể cũng phải có thời gian ủ bệnh, phát bệnh thì thử ra mới cho kết quả dương tính.
Mỹ thu giữ lô hàng chứa bộ xét nghiệm COVID-19 giả
Hôm 14/3, Lực lượng Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) tuyên bố đã chặn một gói hàng tại sân bay quốc tế Los Angeles có chứa bộ dụng cụ thử nghiệm COVID-19 giả, gửi đến từ Anh. Các nhân viên tìm thấy sáu túi nhựa chứa các lọ khác nhau trong khi kiểm tra một gói hàng có nhãn “Bình chứa nước tinh khiết”. Jaime Ruiz, Giám đốc chi nhánh của Văn phòng Công vụ CBP tại sân bay, tiết lộ, một cuộc kiểm tra đầy đủ cho thấy, các lọ chứa đầy chất lỏng màu trắng và được dán nhãn “Bộ kiểm tra vi-rút Corona 2019nconv (COVID-19)”.
Lô hàng được chuyển cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ để phân tích. Ông Ruiz nhắc nhở công chúng rằng, không hề có các bộ dụng cụ thử nghiệm COVID-19 tại nhà, vì vậy mọi sản phẩm chào bán trực tuyến hoặc trực tiếp cho người tiêu dùng đều là giả. Thử nghiệm chẩn đoán COVID-19 chỉ được tiến hành tại các phòng thí nghiệm y tế công cộng của tiểu bang và địa phương được ủy quyền trên toàn nước Mỹ.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.