AI cũng không hoàn hảo

06/12/2022 - 06:34

PNO - Các hệ thống trí tuệ nhân tạo, bao gồm công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) tại World Cup 2022, được coi là câu trả lời cho nhiều thách thức mà con người gặp phải. Dù vậy chúng không thể thay thế hoàn toàn quyết định của con người.

Tranh cãi về VAR

Khi tiền đạo người Cameroon - Vincent Aboubakar - đưa quả bóng qua đầu thủ môn Serbia vào lưới, bản thân anh nghĩ rằng mình đã việt vị và trọng tài biên cũng đã phất cờ. Tuy nhiên niềm vui của Aboubakar đã vỡ ra khi tổ trợ lý trọng tài VAR đưa ra kết luận anh không việt vị và bàn thắng hợp lệ, giúp Cameroon lội ngược dòng ngoạn mục, thủ hòa với Serbia trong trận đấu tại World Cup ở Qatar hôm 28/11. 

Ngày 1/12, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra khắp thế giới về bàn thắng thứ hai của đội tuyển Nhật Bản vào lưới đội Tây Ban Nha, khi - bằng mắt thường - có vẻ như bóng đã đi qua vạch vôi của đường biên ngang. Ngay cả sau khi Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đăng tải hình ảnh từ VAR - cho thấy quả bóng vẫn còn nằm một phần rất nhỏ trên vạch biên, và xác nhận quyền vào vòng loại trực tiếp cho Nhật Bản, cuộc tranh cãi vẫn chưa dừng lại. Trước khi có sự ra đời của VAR, bàn thắng của Aboubakar và đội tuyển Nhật Bản sẽ không được công nhận. Nếu được vận hành ở Mexico vào năm 1986, VAR chắc chắn sẽ loại bỏ bàn thắng “bàn tay của Chúa” của Diego Maradona vào lưới đội tuyển Anh. Những quyết định như trên đang góp phần ảnh hưởng đến số phận bóng đá và cảm xúc của hàng triệu người hâm mộ thể thao trên khắp thế giới.

Cầu thủ Kaoru Mitoma có pha cứu bóng dẫn đến bàn thắng thứ hai đầy tranh cãi của tuyển Nhật Bản trước tuyển Tây Ban Nha.  Theo công nghệ VAR, quả bóng vẫn còn ở trong sân - ẢNH: AP
Cầu thủ Kaoru Mitoma có pha cứu bóng dẫn đến bàn thắng thứ hai đầy tranh cãi của tuyển Nhật Bản trước tuyển Tây Ban Nha. Theo công nghệ VAR, quả bóng vẫn còn ở trong sân - Ảnh: AP

Tại World Cup 2022, việc sử dụng công nghệ VAR cung cấp một ví dụ điển hình về mức độ khó khăn trong việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) vào thực tế. Lần đầu tiên được hệ thống hóa trong luật chính thức của môn bóng đá vào năm 2018, công nghệ VAR được triển khai tại World Cup ở Nga vào cùng năm.

Các trọng tài ngoài sân sẽ giám sát nhiều nguồn dữ liệu video do VAR đem lại, nhằm xác định các lỗi “rõ ràng, hiển nhiên” và “sự cố bỏ lỡ nghiêm trọng” liên quan đến những bàn thắng và quyết định phạt đền. Bằng chứng cho thấy VAR thực sự giúp tăng độ chính xác trong việc ra quyết định của trọng tài. Trung bình, 1 trọng tài đưa ra 137 quyết định có thể quan sát được suốt một trận đấu bóng đá quốc tế, hầu hết chúng hiện được xem xét gần như theo thời gian thực nhờ công nghệ VAR. Từ đó, có nhiều tranh cãi về các quyết định chủ quan, chẳng hạn như phạt đền hoặc thẻ đỏ, khi trọng tài trên sân được yêu cầu xem lại quyết định ban đầu của họ. Những người theo chủ nghĩa truyền thống phàn nàn rằng VAR đã đặt các giá trị may rủi của môn thể thao vào bài toán đánh giá rủi ro, làm lãng phí thời gian, suy yếu óc phán đoán của trọng tài trên sân và bổ sung thêm các vấn đề gây tranh cãi mới.

Luôn cần sự kiểm soát của con người

Hằng ngày, AI đưa ra nhiều quyết định cho chúng ta và nhìn bề ngoài, chúng có vẻ đang làm rất tốt. Trong kinh doanh, các hệ thống AI thực hiện những giao dịch tài chính và giúp bộ phận nhân sự đánh giá kỹ năng của nhân viên. Trong cuộc sống, chúng ta xem xét các đề xuất được cá nhân hóa khi mua sắm trực tuyến, theo dõi sức khỏe cá nhân bằng các thiết bị đeo tay và sống trong những ngôi nhà được trang bị công nghệ “thông minh” giúp kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, hệ thống giải trí…

Thật không may, khi chúng ta ngày càng dựa dẫm vào máy móc để đưa ra quyết định - xem các phép tính dựa trên dữ liệu cao hơn phán đoán của con người, điều này có nguy cơ thay đổi nền tảng đạo đức của xã hội. Sự phán xét của con người không chỉ dựa vào lý luận mà còn bao gồm các năng lực như trí tưởng tượng, phản xạ, khả năng kiểm tra, đánh giá và sự đồng cảm. Vì vậy, nó có một khía cạnh đạo đức mà máy móc không thể thay thế. Điển hình, Công ty Amazon (Mỹ) đã phải loại bỏ một chương trình máy tính giúp xem xét hồ sơ của người xin việc vào năm 2015. Chương trình được sử dụng nhằm tự động hóa việc tìm kiếm những tài năng hàng đầu một cách công bằng, nhưng kết quả thì các ứng viên nam lại luôn chiếm ưu thế hơn ứng viên nữ.

Quay lại việc sử dụng VAR, có một số bài học được rút ra trong việc áp dụng các hệ thống hỗ trợ con người ra quyết định. Đầu tiên, công nghệ chỉ nên được triển khai trong các tình huống rõ ràng và hạn chế khi nó có thể cải thiện quy trình một cách rõ ràng, để cung cấp thông tin cho quyết định của chuyên gia là con người chứ không phải thay thế họ.

Để đạt được điều đó, điều quan trọng là người dùng - trong trường hợp này bao gồm cả người hâm mộ - hiểu cách thức hoạt động của hệ thống và tin tưởng vào kết quả được đưa ra. Thứ hai, khi cố gắng giải quyết một nhóm vấn đề, công nghệ không nên tạo ra những vấn đề mới như các vụ tranh cãi vừa qua tại World Cup. Các hệ thống phải liên tục được cải thiện để đáp ứng các phản hồi và tăng cường tính minh bạch dựa trên nguyên tắc “can thiệp tối thiểu, lợi ích tối đa”. Cuối cùng, mọi người phải hiểu rằng AI vẫn có những khiếm khuyết. 

Tấn Vĩ (theo Financial Times, Guardian, MIT, Gov Insider, Wired)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI