Nhìn tựa sách Phố Hoài của nhà văn Trần Thị Trường (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành), thoạt tiên, tôi đã nghĩ đây là một tác phẩm viết về phố cổ Hội An.
Nhưng hóa ra không phải, Phố Hoài của Trần Thị Trường là phố của ký ức, của Hà Nội những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh và thời bao cấp; từ đó mở ra những thân phận con người, những bế tắc trước thời cuộc, nỗi đau và tình yêu, thù hận và lòng chung thủy, những cuộc đi và ở lại, qua từng thế hệ.
Phố Hoài khiến người đọc giật mình với hiện thực, những ngổn ngang vỡ nát của đời sống, những lựa chọn và cả sự xuất hiện của những gương mặt văn nhân nghệ sĩ nổi tiếng (và bi đát) của một thời…
“Phố Hoài là một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp, về thời dại dột, lãng mạn và điên rồ; về thời đau khổ đầy hãnh diện nhưng cũng nhiều oán hận, vừa đáng ghi nhớ vừa muốn quên đi thật nhanh. Ở đó, con người sống, yêu và làm việc như chạy trốn, một cuộc chạy trốn tuyệt vọng để rồi cuối cùng chỉ tìm thấy một lối thoát duy nhất là phải tiếp tục dấn thân mạnh mẽ vào chính cuộc đời đáng sợ ấy” - nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập cho bản thảo đã nhận định như vậy.
Nhà văn Trần Thị Trường cho biết bà đã viết tác phẩm này trong khoảng thời gian… 10 năm. Một sự im lặng chắt lọc sáng tạo và kiên nhẫn dù bà nói rằng “có những năm chả viết được một chữ nào”. Để cuối cùng Phố Hoài đến với bạn đọc bằng độ “chín nhuần” của một tác phẩm có giá trị, độ sâu sắc của một người cầm bút và đủ cả độ lùi trầm tĩnh để một người có thể nhìn nhận lại tất cả những đổ nát, những vàng phai của một thời…
Viết bằng tất cả tình yêu cuộc đời
Phóng viên: Từng có một Phố Hoài của nhà văn Quế Hương in dấu trong lòng bạn đọc, không biết nhà văn từng phải đắn đo nhiều không khi chọn tựa đề cho tiểu thuyết này?
Nhà văn Trần Thị Trường: Quả thực tôi đắn đo rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn không thay đổi tựa đề tôi đã đặt ngay từ lúc viết dòng thứ nhất. Có Phố Hoài nào đi nữa thì vẫn khác mình, tôi tự nhủ. Tiếng Việt đa nghĩa, hoài có thể là nhớ mãi, nhớ hoài...
Nhưng tôi viết hoa nó thì “HOÀI” còn là cái phố tôi đặt tên: phố của ký ức. Tiến sĩ Tuyết Trinh Thu, giáo viên văn, đọc xong bảo: “đã có Phố Phái, giờ chúng ta có Phố Hoài”. Tôi thích ý này.
|
Nhà văn Trần Thị Trường cùng bạn bè, bạn đọc |
* Tác phẩm đang thu hút bạn đọc vì viết về nhiều nhân vật văn nghệ sĩ trong đời thật. Nhà văn nghĩ sao nếu “bùng nổ” những bình luận trái chiều về các chi tiết được kể trong sách?
- Tôi chờ đón mọi ý kiến. Tôi viết bằng tất cả tình yêu của tôi đối với cuộc đời trong đó, nếu tôi mượn tên của ai thì có thể vì người đó/cái tên đó để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp khó phai. Đối với tôi, dường như không có người xấu, tác phẩm của tôi không nói xấu ai cả nên tôi không nghĩ sẽ gặp phản ứng.
Đến thời điểm này, tôi chưa gặp bất kỳ một phản ứng nào. Hàng trăm người nhắn tin cho tôi chia sẻ cảm xúc tích cực về tác phẩm và nhiều người hỏi tôi: “Bao giờ thì có tập hai?”.
Điều ta tâm đắc chưa chắc là mối quan tâm của người khác
* Số phận của Hoàng “vàng” - mà nhà văn Phạm Toàn tiết lộ đó chính là ca sĩ Lộc Vàng - quá đau đớn. Nhà văn có từng phải “đặt lên để xuống” những câu chuyện, chi tiết khi viết về nhân vật này?
- Nhân vật của tôi có vẻ trùng khít với ca sĩ Lộc Vàng ngoài đời về nhiều dữ kiện. Tôi biết có nhiều bài báo đã viết về ông và có hẳn cuốn sách viết về ông, nhưng tôi xây dựng nhân vật của tôi theo góc nhìn của mình và theo chiều sâu tư duy một thân phận có hoàn cảnh như vậy. Tôi có ý đặt số phận đó nằm chung trong số phận của thời cuộc, sẽ khác hẳn những gì người ta đã viết trước đó về ca sĩ Lộc Vàng.
* Nhà văn có chia sẻ rằng, từng có lúc không muốn tiếp tục bản thảo vì nghĩ viết ra mà không in thì viết để làm gì. Nhưng cuối cùng điều gì đã thôi thúc cho niềm tin và quyết tâm viết tiếp của bà?
- Đúng vậy, tôi luôn cho rằng ngôn ngữ, tư tưởng phải được soi chiếu/tương tác với đời sống. Một tác phẩm hay mấy mà cất trong tủ, mà để “tự sướng” thì chả ý nghĩa gì. Tôi đọc văn học sử và thấy, những tác phẩm tồn tại đến bây giờ của các bậc thầy đi trước cũng luôn là tác phẩm sống động ngay thời họ đang sống.
Vì thế, tôi luôn tìm cách để nó được xuất hiện. Tôi có điều kiện để thực hiện nó ở Mỹ, nơi mà tôi đủ tiêu chuẩn để có một thẻ xanh vì có con gái là công dân Mỹ 21 năm rồi và con rể là người Mỹ gốc Do Thái. Tuy nhiên, tôi vẫn tuân thủ pháp luật Việt Nam, khi vẫn là công dân Việt Nam, tôi muốn in ở Việt Nam và tôi đã tự biên tập sao cho phù hợp với văn hóa, cảm quan của người Việt mà vẫn giữ được tư tưởng của mình.
|
Bìa tác phẩm Phố Hoài |
* Trong suốt 10 năm viết Phố Hoài, bà có quan sát văn chương Việt? Có điều gì khiến bà thất vọng? Và điều gì khiến bà lạc quan?
- Tôi luôn đọc của các đồng nghiệp khác. Tôi nghĩ mỗi người mỗi trăn trở riêng. Điều tôi tâm đắc chưa chắc đã là mối quan tâm của người khác. Nhưng nếu mối quan tâm của mình trùng với nhiều bạn đọc thì thật là hạnh phúc.
Tuy nhiên, bạn đọc cũng có nhiều tầng/nhánh, họ chọn nhà văn của họ. Tôi lạc quan cho rằng, cuộc sống sinh động nhờ sự khác nhau đó.
“Tôi không bàn về hình thức hay nghệ thuật kể chuyện của tiểu thuyết này. Tôi bị cuốn hút bởi nội dung chứa đầy nước mắt, dẫn đưa tôi vào cái đường hầm có thể đi xuyên cả một thời kỳ lịch sử bi đát và tăm tối của nó. Không thể ngờ tác giả vẫn giữ được nguyên vẹn sự trong trẻo, với một lương tâm lớn đến thế, một lương tâm mà chạm tới đâu bóng tối thì co lại, còn ánh sáng tìm mọi cách để bừng lên. Liệu còn có thể đòi hỏi gì hơn thế, ở một nhà văn?”.
Nhà văn Tạ Duy Anh |
* Khi đọc những chương viết về ga tàu, tôi cứ mường tượng về những bức ký họa chuyến tàu và sân ga cùng các nhân vật, liệu rằng đó có thể sẽ là một dự án mới bên cạnh trang sách của bà?
- Tôi từng trình bày báo, vẽ bìa sách, từng làm nhiều việc trong lĩnh vực mỹ thuật. Hiện tôi cũng đang vẽ khá nhiều tranh sơn dầu theo trường phái hiện thực ấn tượng. Tranh của tôi cũng đã có nhiều người sở hữu, cho nên có lẽ tôi chưa nghĩ đến việc minh họa cho sách của mình, mặc dù, đúng như chị nói, những trang văn của tôi giàu hình ảnh.
* Tôi rất thích những bức tranh tĩnh vật của bà, đó như một cuộc đối thoại im lặng với người thưởng lãm…
- Vâng, nhiều người cũng nói với tôi như vậy: tranh của tôi, ngoài vẻ đẹp làm thỏa mãn trực giác người đối diện, luôn có một câu chuyện phía sau. Người thưởng thức, sau khi thỏa mãn vẻ đẹp của tranh thường tự hài lòng rằng: nó không chỉ là quả cam quả bưởi quả hồng, nó không chỉ là các chất đồng, vàng, inox, nhôm hay lửa, nước, gỗ, gốm mà nó đang đứng cạnh nhau, mỗi thứ mỗi vẻ, chúng tôn nhau lên. Xã hội con người cũng vậy, ai cũng đẹp và ai cũng có quyền hiển lộ dưới ánh mặt trời. Chỉ có lòng đố kỵ hoặc kém tri thức mới định vị xấu tốt và dìm nhau xuống.
Lòng tốt, sự chân thành và tri thức là sức mạnh
* Một người phụ nữ, nếu chỉ là nhà văn thôi người ta cũng đã nghĩ ngay đến hai chữ “nặng nợ, đa đoan”. Người phụ nữ ấy lại còn vẽ tranh và làm báo, thế thì có thể thêm vào những tính từ gì, thưa bà?
- Người ta vẫn bảo tôi có nhiều hoa tay thì khổ là điều khó tránh. Tôi cũng thấy thế, nhưng tôi chọn con đường ấy. Tôi học nhiều thứ lắm, cái gì cũng say mê, cái gì đã làm thì làm đến nơi đến chốn, ấy là chưa nhắc đến việc tôi có tám năm làm chuyên về luật bản quyền âm nhạc, rồi làm thời trang nữa đấy. Nhiều khi cũng kiệt sức. Nhưng bạn hình dung đi, thành quả cũng nhiều, vui chứ (cười).
|
Tranh tĩnh vật của nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường |
* Có một câu nói đơn giản để làm dịu mọi nỗi bất an của con người, nhất là khi kiệt sức, rằng “rồi mọi thứ sẽ ổn thôi”. Nhà văn từng có những năm tháng nào phải tự nhủ với chính mình như vậy?
- Có đấy, tôi đi qua không ít gian truân, lúc còn trẻ thì đầu tắt mặt tối nuôi con, hỗ trợ chồng (cũng là một họa sĩ/nhà điêu khắc nhưng không bán tranh, còn tượng thì chỉ làm từ thiện), phải giấu những ước mơ riêng của mình đi nhưng âm thầm học đủ nghề, hy vọng một ngày tìm ra lối thoát.
Tuy nhiên, phải đến khi các con trưởng thành, tôi mới bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Khi ấy, tôi đã có tuổi rồi, đồng nghiệp đã bỏ rơi tôi ở nấc thang cuối rồi. Ê chề lắm.
* Nhưng những người phụ nữ trong tác phẩm của bà thật sự quá mạnh mẽ. Đó hẳn là một tuyên ngôn của nhà văn về phụ nữ Việt Nam?
- Lòng tốt, sự chân thành và tri thức là những phẩm chất tốt đẹp nhất mà người nào sở hữu thì người đó có sức mạnh. Tôi nhìn thấy những phẩm chất đó ở rất nhiều người phụ nữ của chúng ta cho dù sự thật là, mỗi cá nhân/mỗi số phận không thể tách rời hoàn cảnh sống của mình.
Đôi khi, biết mọi sự là thế, muốn đổi thay nhưng càng cố vùng vẫy thoát ra càng như gà mắc tóc… Nhiều người đi hết cuộc đời mà vẫn chưa tìm thấy bình yên. Mà, suy cho cùng, điều quý giá nhất của mỗi con người trong cuộc đời này vẫn là được yêu thương, được tôn trọng, được tự do làm điều mình muốn.
* Đọc những trang đầu của Phố Hoài, tôi cứ nghĩ Thảo là nhân vật chính - như một hình dung về chính tác giả. Nhưng càng về sau, Thảo lại càng quá mờ nhạt, nhà văn hình như đã… bỏ quên Thảo - hay đó là một lựa chọn để không phải viết về mình?
- Bạn là người thứ bao nhiêu hỏi tôi điều đó tôi không nhớ nữa. Rất thú vị. Tôi chọn thủ pháp đó để khiến độc giả phải tò mò. Tôi hiểu bạn đọc ngày nay không còn mặn mà gì với hư cấu (fiction). Hiện thực mà lại có thêm chính mình (là nhân vật) làm bằng chứng thì bạn đọc dễ chú ý.
Nhưng chính mình đến mức nào để không nhàm chán, để không rơi vào tự ca, là một sự tính toán. Mới chỉ dành chữ cho các nhân vật khác sách đã dày thế rồi nên tôi để Thảo lại. Cũng là một thủ pháp.
* Bà sẽ còn viết tiếp chứ? Nếu có, bà sẽ viết về những gì?
- Hiện tại, tôi đang say mê vẽ. Nếu viết, tôi sẽ viết về… Thảo.
* Cảm ơn bà đã chia sẻ.
Nhà văn Trần Thị Trường sinh năm 1950, bà từng có thời gian sống ở Bulgaria (1981-1985). Các tác phẩm trước đó của bà: tiểu thuyết Lời cuối cho em (1989), Kẻ mắc chứng điên (1991); các tập truyện ngắn: Bâng khuâng, Tình câm, Hoa mưa, Tình như chút nắng…
Trở lại với tiểu thuyết Phố Hoài lần này, nhà văn kể cho độc giả nghe những câu chuyện về tình yêu và thân phận của Nam - Thanh, Hằng - Quyết, Hoàng - Lan, A Hòa - Liên… từ chiến tranh đến hòa bình, từ Bắc vào Nam, vượt biên giới. Mỗi nhân vật gánh trên vai mình một “mảng hiện thực” của đời sống. Có những người đi gần hết cuộc đời mới tìm thấy hạnh phúc. Có những người nắm hạnh phúc trong tay nhưng lại vô tình buông rơi. Cũng có những người đi hoài trong bóng tối, chưa kịp chạm đến ánh sáng thì đã trút hơi thở cuối cùng. Trong khu phố ký ức ấy, tình yêu và lòng chung thủy như một sợi chỉ vàng lóng lánh, soi chiếu lên từng thân phận. Trong khu phố ấy, giữa đổ nát và hoang tàn, vẫn vang lên những bài hát của Hoàng “vàng”, hát cho đến Niệm khúc cuối trong tột cùng bi quẫn…
|
Một số tác phẩm tranh tĩnh vật của nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường
Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)