|
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
|
Xưa nay chồng quen thấy hình ảnh chị trong căn nhà nhỏ, trong gian bếp chật, trong những bộ đồ cũ kỹ. Giờ chị thường xuyên ra ngoài vì tham gia công tác xã hội, dĩ nhiên quần áo phải tươm tất, thời gian gia đình bị cắt xén, thêm những mối quan hệ cần có và hiển nhiên.
Chị đang muốn xóa nhòa ký ức về người vợ nhàu nát trong bộ nhớ của chồng. Bởi giờ đây con chị đã lớn. Bao năm lo toan gia đình đã quá đủ. Chị phải biết sống cho bản thân, cho cộng đồng, chứ “không ôm khư khư ba cha con anh ấy nữa, vì vòng tay dường như nhỏ lại, chỉ muốn đặt bàn tay của mình lên con tim mình, để hiểu tầm tuổi này mình cần gì, nên làm gì, mạnh mẽ hay yếu đuối…”.
Ông chồng sốc toàn tập, vì đâu rồi người vợ mà với anh ta chẳng khác con robot, muốn điều khiển thế nào cũng được. Anh bắt đầu để ý xem ai rủ rê vợ mình đi những đâu. Đoán được người rủ rê, anh bảo không thích chị đi chơi với người ấy, dù họ là nữ, vẫn tiềm ẩn nguy cơ.
Về phần mình, chị hay nói vui “gà chị nuôi chị biết”, ý là khó mà lay chuyển bản chất ông chồng hay ghen, nên chị chẳng thiết tha đấu tranh, mà cứ làm theo cách chị nghĩ, thậm chí nói dối, miễn sao điều đó giúp giải tỏa căng thẳng, không thẹn với lòng, không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Chồng chị từng sợ rằng, xưa nay chị một mực tôn thờ gia đình, nay mọi sự bày biện, quyến rũ, dụ dỗ chực chờ nơi đầu ngõ, sợ một người đàn bà vốn chỉ biết đến bếp núc sẽ dễ choáng ngợp trước những bày biện ấy. Cũng phải. Nhớ những ngày đầu “chập chững” ra ngoài, chị về hay kể người này giàu có, người kia bất hạnh, quán cà phê này thoáng đãng không thấy bóng dáng con muỗi, quán kia tối om, ẩm thấp đến hãi…
Chị càng hồn nhiên kể, ông chồng càng đâm lo, càng làm khó chị, vì thế sau này chị ít chia sẻ, hay nếu có kể thì tiết tấu chậm lại, không hào hứng, khiến người nghe cảm thấy chán ngấy.
Chị tuy là một phụ nữ nội trợ nhưng có lối suy nghĩ thoáng. Là bởi thời con gái, chị cũng đi làm, từng có nhiều thời gian rảnh rỗi cùng anh em cơ quan mỗi cuối tuần, kể cả những đồng nghiệp nam đã có gia đình. Lúc đang tiệc vui, mấy bà vợ liên tục điện thoại í ới chồng về. Có ông bực dọc khóa máy, có ông đứng dậy ra về, cũng có ông nhăn nhó mấy câu, rồi nhậu tiếp. Nên khi lấy chồng, chị hiểu điều đó, cứ để chồng ra ngoài, miễn sao về nhà đúng giờ thỏa thuận.
Đâu thể có chồng có vợ là không được phép đi chơi chung với bạn khác giới, đồng nghiệp khác giới. Hay không chỉ đàn ông mới có “đặc quyền” ra ngoài, mà phụ nữ cũng phải được khuyến khích. Người ta dễ dàng thông cảm cho đàn ông, nếu thấy anh ta ngồi với một phụ nữ. Còn phụ nữ, lại “được” nhìn bằng con mắt khác. Điều đó thật bất công.
Với phụ nữ nội trợ, càng thêm thiệt thòi. Lẽ ra họ cần phải được ra ngoài để xả stress, để thổi bay bớt mùi tiêu hành ớt tỏi bám vào da vào tóc mỗi ngày.Chị không hề nói dóc rằng, rất biết điều mỗi khi chồng có những cuộc hẹn với bạn học cũ khác giới, thậm chí với người yêu cũ. Nếu lúc nào cũng canh me những mối quan hệ ấy, chỉ chuốc rắc rối. Hôn nhân có niềm tin, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn.
Đành rằng quan hệ nam nữ sẽ dễ phát sinh tình cảm. Nhưng đâu phải ai cũng sẵn sàng rung động, yêu đương loạn xạ, bất chấp tổ ấm đã xây dựng từ những viên gạch góp nhặt đầu tiên? Có tồn tại bạn tri kỷ khác giới hay không là điều vợ chồng chị thường xuyên tranh luận. Anh bảo không, chị bảo có, vấn đề là có tới mức độ nào để không trở thành mối quan hệ nhạy cảm, gây bất an cho vợ/chồng.
Tôi thì nghĩ, mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng không trở nên phức tạp, nếu nó hoàn toàn trong sáng. Cuộc sống vốn có nhiều điều tốt đẹp cũng từ những quan hệ ấy. Nếu là người cũ của nhau, người này có thể giúp đỡ người kia một cách không vụ lợi. Người này biết giữ gìn hạnh phúc cho người kia bằng cách duy trì mối quan hệ đầy ý tứ, hạn chế gặp nhau chốn riêng tư…
Tôn trọng quyền lựa chọn bạn bè, quyền tự do riêng tư trong mức độ thỏa thuận, hẳn anh sẽ không quá lăn tăn khi chị bước chân ra khỏi nhà. Đóng khung nhau trong bốn bức tường, ngăn cản nhau trong các mối quan hệ là điều ích kỷ, thậm chí vợ/chồng không ai được quyền ấy. Chị vẫn dùng đôi bàn tay mình, đặt lên con tim mình, để cảm nhận điều chị muốn.
Chị không còn ngại cái nhíu mày hay vẻ khó chịu của chồng mỗi khi chị rời nhà, bởi làm những điều không có lỗi với chồng, mắc gì chị phải chùn bước? Vẫn cà phê với nhóm bạn cả gái lẫn trai, và không quá để mắt những quan hệ “ngoài vợ” của chồng. Chị nghĩ, anh ấy hẳn cũng như chị, cần có những phút giây riêng tư để làm phong phú hơn các mối quan hệ. Vợ chồng là chuyện trăm năm, bền bỉ và mặn nồng.
Những phút giây ngoài chồng ngoài vợ, giống như làn gió mát giữa trưa hè oi bức, thoảng qua, thảng hoặc, để cuộc sống thêm thi vị. Chỉ đơn giản thế thôi. Trải gần hai mươi năm hôn nhân, không bao giờ chị muốn đánh đổi hạnh phúc gia đình với những phút giây “ngoài chồng” nếu đang có nguy cơ… bén lửa.
Thái Phương