Ai còn chọn “Liễu yếu đào tơ”?

06/03/2013 - 04:40

PNO - PNO - Theo tôi, không nên giới hạn mức độ bình đẳng đến đâu mà nên bàn tới việc hiểu và biểu hiện “bình đẳng vợ chồng” trong thực tế cuộc sống như thế nào. Bình đẳng không phải là thứ dấu bằng cứng nhắc trong toán...

Tôi hiểu “bình đẳng” là sự coi trọng giá trị về mặt con người của hai người như nhau, không phân biệt giới. Cái gốc của bình đẳng chính là tình thương yêu, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Khi người ta yêu thương, thấu hiểu, tôn trọng nhau, người ta sẽ không đặt cái tôi lên trên, người ta làm tất cả những gì có thể vì gia đình, vì những người thân yêu.

Ai con chon “Lieu yeu dao to”?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự phân công lao động từ việc nhà cho đến những việc quan trọng khác như đối nội, đối ngoại, kiếm sống, dạy dỗ con học hành… cần dựa trên khả năng và điều kiện của mỗi người. Ai làm tốt hơn việc gì thì nhận làm việc đó, không suy bì tỵ nạnh, không ra vẻ “ta đây” quan trọng hơn. Và, tất nhiên việc thực hiện cần uyển chuyển, linh hoạt cho phù hợp thực tế. Người xưa khẳng định: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”. “Đồng” ở đây là đồng lòng, đồng ý chí, cùng cảm thông, chia sẻ mọi điều và cùng hành động. Đó cũng là biểu hiện của bình đẳng. Bình đẳng sẽ tạo nên sức mạnh.

Đừng nghĩ khi người vợ tiến bộ hơn, kiếm được nhiều tiền hơn người chồng, trở thành “chủ gia đình” thì đó là “nghịch cảnh”. Nghĩ thế thì chính bạn đã mắc vào cái lưới bất bình đẳng ngay từ trong nhận thức. Vợ hay chồng có cơ hội thăng tiến, làm giàu hơn cho gia đình một cách chính đáng đều là điều may mắn cho cả nhà. Vấn đề của vợ chồng Hưng - Ngọc trong bài viết “Bình đẳng chưa chắc đã hạnh phúc” nằm ở cách ứng xử của cả hai người (người vợ chưa tế nhị và người chồng mặc cảm, tự ti). Uy tín của mỗi người không phụ thuộc vào số tiền người đó kiếm được, nhất là trong gia đình (ngoài đời thì có thể).

Cha mẹ tôi ngày trước cũng vậy. Cha tôi là công chức, lương chỉ ba cọc ba đồng. Nhà đông con, một tay mẹ tôi tần tảo bán buôn lo lắng cho cả gia đình. Thế nhưng, tuyệt đối không một ai trong nhà lại có ý nghĩ coi trọng mẹ hơn cha, dù khi cần đến tiền bao giờ chúng tôi cũng chỉ tìm đến mẹ. Tại sao lại nghĩ: “Khi phụ nữ đóng vai nữ tướng, cái họ được là quyền uy khiến chồng con phải vì nể, nhưng cái họ mất là gì? Đó là hình ảnh người vợ bé bỏng, dễ thương mà người chồng nào cũng muốn giang rộng đôi tay che chở. Người chồng thì luôn có mặc cảm lép vế và chỉ riêng ý nghĩ tủi thân đó đã làm hạnh phúc lung lay”. Ý nghĩ đó thật cổ hủ.

Ai con chon “Lieu yeu dao to”?

Tại sao người chồng không tự “lớn cao” hơn mà người vợ phải “bé nhỏ” đi cho vừa “tầm”? Như vậy chỉ thiệt cho gia đình, cho con cái, là kéo lùi sự tiến bộ của phụ nữ - điều mà nhân loại đang phải phấn đấu. Hơn nữa, xu hướng hiện tại hầu như người con trai nào cũng muốn chọn bạn gái- người bạn đời tương lai, có thể đồng hành với mình, làm điểm tựa cho mình chứ không phải là người “liễu yếu đào tơ”, “núp bóng tùng quân” để người đàn ông che chở như xưa nữa.

Quả thật, việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình không phải một sớm một chiều là đạt được nhưng chúng ta phải hiểu bản chất tốt đẹp của nó và tất cả, từ gia đình đến các tổ chức xã hội phải chung tay thực hiện. Bắt đầu từ sự nhận thức của cả hai giới, bắt đầu từ giáo dục trẻ em để dần tiến tới thay đổi hành vi, thực hiện bình đẳng giới ngay trong gia đình.
 

ĐẶNG THỊ LAN HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI