Ai có thể quyết định số phận tổng thống Syria?

14/03/2016 - 13:49

PNO - Số phận của ông Assad trở thành vấn đề trọng tâm tại cuộc đàm phán hòa bình Syria, nhưng đâu phải ai cũng có quyền thảo luận về việc này.

Hôm nay (14/3), theo lịch trình cuộc đàm phán hòa bình Syria sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Một trong những vấn đề được quan tâm trong cuộc đàm phán là số phận của Tổng thống Syria al-Assad.

Một ngày trước thềm đàm phán, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem cho biết, chính phủ Syria sẽ không chấp nhận đối thoại về số phận của Tổng thống đương nhiệm al-Assad.

Ai co the quyet dinh so phan tong thong Syria?
Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem.

Ông cũng tuyên bố, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura "không có quyền" bàn về các cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai của Syria.

Ngoại trường Muallem nhấn mạnh: "Ông Mistura hay bất kỳ ai đều không có quyền thảo luận về các cuộc bầu cử tổng thống. Quyền này chỉ dành riêng cho người dân Syria mà thôi. Do vậy khi mà ông Mistura nói sẽ áp đặt tất cả các văn kiện của Liên Hợp Quốc vào cuộc đàm phán này thì tôi nhắc lại rằng, Tổng thống al-Assad là tài sản của người dân Syria”.

Trước đó, về số phận của ông Assad, ông Salim al-Muslat – phát ngôn viên Uỷ ban Đàm phán Cấp cao của Syria hôm qua (13/3) tuyên bố rằng: "Chúng tôi chờ mong sẽ khai màn tiến trình đàm phán vào ngày mai để thảo luận về bộ máy lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.

Bộ máy đó sẽ nắm quyền điều hành, trong đó bao gồm cả quyền điều hành của Tổng thống. Tổng thống đương nhiệm sẽ không có vai trò gì trong giai đoạn sắp tới hay bất kỳ giai đoạn nào vì ông này đã mắc những tội ác chống lại nhân dân Syria”.

Hôm 12/3, nhà đàm phán chính của phe nổi dậy Syria – ông Mohamad Alloush tuyên bố, quá trình chuyển tiếp về chính trị ở Syria sẽ chỉ có thể được khởi động một khi ông Assad không còn làm Tổng thống của Syria.

"Chúng tôi tin rằng, quá trình chuyển tiếp về chính trị chỉ có thể được khởi động bằng sự sụp đổ hoặc cái chết của ông Bashar al-Assad", ông Alloush lạnh lùng cho biết tại Geneva.

Ai co the quyet dinh so phan tong thong Syria?
Số phận của ông Assad trở thành vấn đề đặc biệt quan tâm tại đàm phán.

Phản bác lại ý kiến của phe đối lập, ông Muallem cũng nhấn mạnh, nếu phe đối lập có ý định như vậy, họ “đừng nên tới tham dự hòa đàm”. Song song đó, Ngoại trưởng Syria xác nhận nước này gửi phái đoàn tới Geneva vào ngày hôm nay, đồng thời tìm mọi cách hạn chế thảo luận về bầu cử tổng thống trong chương trình nghị sự. Nhưng nếu phe đối lập không xuất hiện, họ sẽ quay về trong vòng 24 giờ.

Ông Muallem cũng phản đối các cuộc đàm phán về một đất nước Syria liên bang và ủng hộ sự thống nhất của Syria.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy người chiến thắng trên thực địa là người có tiếng nói trên bàn đàm phán. Moscow - Washington đã tạo được vị thế của mình tại Trung Đông, cùng với tiềm năng quân sự lớn mạnh thể hiện rất rõ vai trò anh cả tại các quốc gia khu vực này. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga-Mỹ sẽ có tiếng nói quyết định tới sự tồn tại của Tổng thống Assad.

Bởi thế, cả Mỹ và Nga đã chủ động đánh tiếng về một hình thái cuối cùng cho Syria “thời hậu al-Assad”.

Hôm 1/3, Nga và Mỹ đồng loạt nêu ý tưởng về một “nhà nước liên bang” cho Syria trong tương lai, coi đây là giải pháp khả thi nhất để duy trì sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Syria trong hoàn cảnh “chia năm xẻ bảy” như hiện nay.

Theo ý tưởng này, Syria sẽ có ba “bang” cho ba thế lực mạnh nhất hiện nay gồm khu vực thuộc chính quyền Syria, thuộc phe đối lập và thuộc người Kurd Syria.

Ý tưởng này còn tính đến phân chia địa bàn hiện do lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng sau khi tổ chức khủng bố này bị xóa sổ.

Theo đó, chính quyền Syria sẽ tiếp quản thành phố Raqqa - “thủ đô” hiện nay của IS. Phe đối lập tiếp quản phần lớn địa bàn của IS hiện tại.

Tất nhiên, ý tưởng này gặp phải sự phản đối từ chính quyền al-Assad và phe đối lập cùng “chung lập trường” phản đối.

Những bất đồng sâu sắc nói trên khiến cho cuộc hòa đàm được dự báo khó có khả năng đạt được đột phá. Trong phát biểu mới nhất, Đặc phái viên de Mistural cho biết cuộc hòa đàm lần này có thể kéo dài tới 10 ngày. Ông cũng cảnh báo nếu đàm phán lần này thất bại thì sẽ chẳng có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột tại Syria.

Yên Sở (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI