AI có thể "qua mặt" bác sĩ trong khám chữa bệnh?

21/07/2024 - 21:39

PNO - Đã có bằng chứng cụ thể về việc thiết bị y khoa tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phân tích và cho kết quả chẩn đoán tình trạng bệnh nhân "chính xác hơn kết quả do bác sĩ thực hiện".

Phần mềm chuyên dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo có khả năng chẩn đoán tình trạng bệnh tật chính xác hơn bác sĩ - Ảnh:
Phần mềm chuyên dụng tích hợp AI có khả năng chẩn đoán tình trạng bệnh tật chính xác hơn bác sĩ - Ảnh: Fox News

Một nghiên cứu mới được công bố bởi Đại học California tại Los Angeles (UCLA, Mỹ) cho thấy, công cụ tích hợp AI có thể xác định được tình trạng ung thư tuyến tiền liệt với độ chính xác lên tới 84% - vượt khá xa so với độ chính xác 67% do các bác sĩ phát hiện, theo thông cáo báo chí từ UCLA ngày 20/7.

AI "qua mặt" bác sĩ

Theo đó, phần mềm này được tập đoàn y tế Avenda Health - có trụ sở ở California phát triển, và được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt mới đây - đã sử dụng thuật toán AI để phân tích nguy cơ mắc ung thư ở bệnh nhân dựa trên bộ dữ liệu lâm sàng được cung cấp.

Cùng lúc đó, một nhóm công tác gồm 7 bác sĩ tiết niệu và 3 chuyên viên X-quang cũng thực hiện bài tập trên.

Kết quả cho thấy, "tỉ lệ biên âm" - một thuật ngữ y tế mô tả sự vắng mặt của các tế bào ung thư xung quanh mô bị loại bỏ - lớn hơn 45 lần đối với những trường hợp bị phát hiện bởi AI, vì vậy, khả năng ung thư bị bỏ sót là thấp hơn nhiều.

Ông Ali Kasraeian - một bác sĩ tiết niệu làm việc tại UCLA - cho biết, ông sử dụng giải pháp công nghệ tích hợp AI để thực hiện các cuộc tư vấn với bệnh nhân nhằm giúp họ kiểm soát ung thư tuyến tiền liệt.

“AI thu thập thông tin lịch sử bệnh án và tình trạng ung thư tuyến tiền liệt của bệnh nhân - như bệnh lý, kết quả chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết - từ đó, tạo ra một bản đồ 3D mô tả tổng thể và chi tiết tình trạng ung thư của bệnh nhân” - ông Ali nói với hãng tin Fox News.

Đồng thời, ông còn cho biết công cụ AI có thể xác định ung thư tuyến tiền liệt ở bệnh nhân với tỉ lệ chính xác "cao hơn so với đội ngũ bác sĩ là con người".

Trí tuệ nhân tạo đang được giới chuyên môn xem là cứu cánh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - Ảnh: pixelfit/New Scientists
AI đang được giới chuyên môn xem là "cứu cánh" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - Ảnh: Pixelfit/New Scientist

TS. Joshua Trachenberg - giáo sư sinh học thần kinh tại UCLA, và cũng là một bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt - đã từ chối nghe theo lời khuyên của các bác sĩ đồng nghiệp về việc nên phẫu thuật cắt bỏ một khối u phát triển chậm trên tuyến tiền liệt.

Thay vào đó, ông quyết định lựa chọn giải pháp do phần mềm chuyên dụng tích hợp AI đưa ra bằng cách áp dụng phương pháp sử dụng sóng siêu âm để làm nóng mô để phá hủy mô ung thư mà không làm tổn thương phần còn lại của tuyến tiền liệt.

“AI thực sự có thể nhìn thấy căn bệnh ung thư của tôi, và nó giúp tôi hiểu rõ hơn về tình trạng của mình” - ông Joshua nói. Hiện ông đã giải quyết được căn bệnh ung thư của mình mà không phải phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt như đề nghị của các bác sĩ đồng nghiệp.

Vẫn còn đó rủi ro tiềm ẩn

TS. Harvey Castro, một chuyên gia y tế về AI, chia sẻ hiểu biết của mình về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến công nghệ này.

"Tính chính xác của AI phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dữ liệu mà nó được cung cấp và đào tạo. Dữ liệu nghèo nàn, kém chất lượng có thể dẫn đến việc chẩn đoán không chính xác" - TS. Castro cũng cảnh báo về tình trạng "quá phụ thuộc vào AI" trong chẩn đoán y tế.

“Không thể phủ nhận AI là một công cụ mạnh mẽ; tuy nhiên, nó chỉ nên được xem là công cụ bổ sung chứ không phải thay thế cho việc đánh giá lâm sàng của đội ngũ bác sĩ và chuyên gia y tế”.

Giới chuyên môn tỏ ra lo lắng khi tình trạng bác sĩ ngày càng trở nên lệ thuộc vào các giải pháp AI - Ảnh: New York Post
Giới chuyên môn tỏ ra lo lắng khi tình trạng bác sĩ ngày càng trở nên lệ thuộc vào các giải pháp AI, và kêu gọi chỉ nên xem AI là công cụ bổ sung cho hoạt động khám chữa bệnh - Ảnh: New York Post

Nguyễn Thuận (theo Fox News, New York Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI