AI có đe dọa các họa sĩ truyện tranh, hoạt hình?

05/09/2023 - 07:15

PNO - Các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những bức ảnh hoạt hình trong chớp nhoáng. Thực tế này khiến công chúng đặt câu hỏi cho tương lai của các họa sĩ truyện tranh, hoạt hình.

30 giây, có ngay bức ảnh hoạt hình

Những ngày qua, trên mạng xã hội, rất nhiều bức ảnh theo phong cách hoạt hình được người dùng chia sẻ. Trong đó, có cả những người nổi tiếng. Trào lưu tạo ảnh hoạt hình nhờ AI này bắt đầu ở các hội nhóm về du lịch, sau đó bùng lên mạnh mẽ vào giữa tháng Tám.

1 bức tranh về phong cảnh ở Bình Phước do AI vẽ. Các bức tranh như vậy được AI thực hiện rất nhanh, không dễ để công chúng nói chung có thể phân biệt được chúng với các tác phẩm do họa sĩ vẽ - ẢNH: TRUNG HUỲNH
1 bức tranh về phong cảnh ở Bình Phước do AI vẽ. Các bức tranh như vậy được AI thực hiện rất nhanh, không dễ để công chúng nói chung có thể phân biệt được chúng với các tác phẩm do họa sĩ vẽ - Ảnh: Trung Huỳnh

Người dùng chỉ cần tải ứng dụng Loopsie, cài đặt và làm theo các bước hướng dẫn; khoảng 30 giây sau sẽ có bức ảnh hoạt hình. Ứng dụng còn có chế độ chỉnh ảnh thành người máy, bộ xương hay hình vẽ 3D.

Những bức ảnh được tạo ra vẫn giữ được chi tiết gốc; biến ảnh tĩnh thành ảnh 3D. Vì dễ thực hiện nên nhiều người đã tham gia trào lưu này, tạo ra các hình ảnh hài hước, chia sẻ lên mạng. Tuy nhiên, ứng dụng chỉ cho sử dụng miễn phí trong 3 ngày đầu, nếu muốn dùng tiếp, người dùng phải trả phí 199.000/tuần và 229.000 đồng/tháng.

Từ đây, có người đặt vấn đề liệu khi AI ngày một phát triển, công việc vẽ tranh minh họa cho truyện tranh, sách ảnh, hay phim hoạt hình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? 

AI vẫn có một số hạn chế

Họa sĩ Thăng Fly (tên thật Bùi Đình Thăng - cha đẻ của nhân vật hoạt hình Pikalong) cho rằng, dù muốn hay không, sự phát triển của AI là điều tất yếu, tác động lên các lĩnh vực đời sống và công việc của họa sĩ là không ngoại lệ. AI có thể thay thế họa sĩ trong một số công đoạn.

Họa sĩ Thanh Huyên (người tạo ra dự án Việt sử diễn họa - vẽ lịch sử bằng hình ảnh hoạt hình) cho biết trước đây, chị thường vẽ background (hình ảnh nền) cho phim hoạt hình. Tuy nhiên, hiện tại việc này có thể thay thế hoàn toàn bằng AI. Mỗi giây hình trên phim cần đến 24 ảnh tĩnh và trước đây họa sĩ phải vẽ đến 24 lần. Giờ thì chỉ cần 1 cú nhấp chuột, có thể cho ra hàng chục khung ảnh giống hệt nhau, chuẩn xác hoàn toàn.

Nhìn chung, các họa sĩ đánh giá AI cũng có những hạn chế nhất định. Thứ nhất, về gương mặt, biểu cảm của nhân vật, AI có xu hướng dùng những mẫu số chung để thể hiện nên sẽ trông giống giống nhau, chưa thể hiện rõ tính cá nhân.

Thứ hai, một số chi tiết trên cơ thể, đặc biệt bàn tay, thường bị vẽ sai. Điều này đã được chứng minh qua nhiều ảnh được chia sẻ thời gian qua. Hơn nữa, AI có thể phán đoán không chính xác hình ảnh gốc.

Thứ ba, sản phẩm từ AI chưa mang tính cá nhân cao, vì tổng hợp tư liệu từ nhiều nguồn. Do vậy, con người vẫn có những lợi thế nhất định. Theo họa sĩ Thăng Fly, với công việc sáng tạo, những người làm nghề chân chính sẽ có sự chăm chút kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn cho sản phẩm đến từng chi tiết.

Một bức tranh do AI vẽ
Một bức tranh do AI vẽ

Họa sĩ, tác giả Nguyễn Hùng Lân (tác giả bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman) cho rằng truyện tranh, phim hoạt hình còn thể hiện góc nhìn, cảm xúc của họa sĩ. “Chẳng hạn khi vẽ cảnh rượt đuổi nhau, với trí sáng tạo của họa sĩ thì có đến hơn chục cách thể hiện. Mỗi cách thể hiện một góc nhìn, tâm tư, ý đồ nào đó. Điều này chắc chắn công nghệ không thể thay thế được. Các hãng hoạt hình, truyện tranh lớn cũng áp dụng nhiều công nghệ vào sản xuất nhưng họ vẫn có nhân lực con người sản xuất, sáng tạo” - ông nói. Vì thế, theo ông, các họa sĩ không nên quá lo lắng mà phải tập trung sáng tạo, khiến độc giả hài lòng, thích thú.

“Nếu tôi chỉ giậm chân tại chỗ, chỉ làm công việc vẽ background thì chắc chắn hiện tại sẽ thất nghiệp. Vì thế, cùng với sự phát triển của công nghệ thì họa sĩ càng phải trau dồi, năng động hơn, sáng tạo hơn nữa” - họa sĩ Thanh Huyên nói.

Cần quy định pháp lý về bản quyền

Theo họa sĩ Thăng Fly, AI đang phát triển quá nhanh trong khi hành lang pháp lý, quy chuẩn đạo đức không theo kịp. Anh lý giải: “Trí tuệ nhân tạo vẫn phải cần một nguồn dữ liệu có sẵn để tạo ra các tác phẩm. Một số họa sĩ không hài lòng khi các ứng dụng này tham khảo tác phẩm của họ, làm ảnh hưởng đến công việc của họ. Nhưng chỉ có những tác phẩm được công bố công khai thì mới xác định được bản quyền; trong khi có những công việc, ngành nghề dùng AI để hỗ trợ nhưng không công bố công khai.

Chẳng hạn, một đạo diễn dùng AI tạo một đường dây hình ảnh cơ bản để quay phim, quay MV hoặc một kiến trúc sư dùng AI tạo một bản vẽ cho một công trình. Sản phẩm cuối cùng được công bố cuối cùng là của họ chứ không phải của AI. Như vậy, làm sao có thể kiểm chứng được AI đã sử dụng tư liệu, bản quyền ra sao trong sản phẩm đó. Tôi vẫn tin những đơn vị uy tín, muốn công bố tác phẩm hoàn chỉnh chắc chắn sẽ có sự quan tâm đến bản quyền, chú ý các hành lang pháp lý, đạo đức”.

Dù vậy, theo anh, vấn đề đạo đức cũng có thể thay đổi theo thời gian. Anh mong sẽ có luật điều chỉnh vấn đề này trong tương lai gần. Chẳng hạn, sản phẩm từ AI sẽ không được bảo hộ bản quyền hoặc khi phát hiện “ăn cắp” chất xám, phải có phương án xử lý, bồi thường hợp lý… “Một sản phẩm được đầu tư nhiều chất xám, thời gian, công sức… chắc chắn phải được bảo vệ khác sản phẩm chỉ nhờ tổng hợp tư liệu sẵn có. Nếu không thì sẽ không công bằng trên thị trường” - họa sĩ Thăng Fly nói thêm. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI