Ai cho phép biến chốn linh thiêng của giới sân khấu thành quán cà phê?

13/05/2019 - 07:11

PNO - Thật không thể tưởng tượng được chuyện đền thờ duy nhất và linh thiêng của giới nghệ sĩ lại bị mang cho thuê mướn.

Tôi từng nghe má nuôi tôi - NSND Phùng Há - kể, sau một thời gian dài phải mượn rạp Aristo để làm lễ cúng Tổ hằng năm, các nghệ sĩ tiền bối đã nhất trí phải mua một miếng đất để xây nhà thờ Tam vị Thánh tổ của cải lương.

 Bài 1Ban Ái hữu nghệ sĩ: Trụ sở thành quán cà phê máy lạnh, tiền cho thuê đi đâu?

Khoảng cuối thập niên 1940, có nhiều suất hát, rạp hát không lấy tiền rạp, nghệ sĩ, công nhân sân khấu không nhận bồi dưỡng. Toàn bộ số tiền ấy được góp lại để mua đất, xây nhà thờ Tổ. Sau nhiều suất hát vẫn chưa đủ tiền mua đất, các Mạnh Thường Quân đã cho mượn thêm tiền, không lấy lãi, để nghệ sĩ có đủ tiền mua miếng đất 133 Cô Bắc ngày nay, xây dựng thành nơi thờ phượng Tam vị Thánh tổ. Phải vài chục năm sau, các đoàn hát mới gom góp đủ để trả dứt nợ nần.

Ai cho phep bien chon linh thieng cua gioi san khau thanh quan ca phe?
NSƯT Nam Hùng. Ảnh: Thanh Hiệp

Nhà thờ Tổ không chỉ là nơi thờ phượng thiêng liêng của nghệ sĩ cải lương, hát bội mà còn như ngôi nhà thứ hai của các nghệ sĩ. Ai cũng có thể đến đây để hàn huyên, tâm sự, chia sẻ vui buồn về nghề nghiệp, cuộc sống. Các nghệ sĩ, công nhân đoàn hát, khi mãn phần, được quàn tại tầng trệt nhà thờ Tổ trong 3 ngày, để các đồng nghiệp đến thăm viếng, chia buồn. Những nghệ sĩ gia đình có điều kiện sẽ cùng Ban AHNS lo đám tang cho thân nhân; còn những nghệ sĩ nghèo sẽ được Ban AHNS vận động lo toàn bộ chi phí.

Tôi xin khẳng định, nhà thờ Tam vị Thánh tổ ở 133 Cô Bắc là của chung của tất cả thế hệ nghệ sĩ, hiện được Nhà nước quản lý chứ không phải của riêng ai. Thật không thể tưởng tượng được chuyện đền thờ duy nhất và linh thiêng của giới nghệ sĩ lại bị mang cho thuê mướn. Chúng tôi không chấp nhận lời giải thích vì mặt bằng nhếch nhác nên cho thuê để người thuê mặt bằng cải tạo, sửa sang cho đẹp, đồng thời có thêm khoản thu để chăm lo cho các nghệ sĩ ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ và nghệ sĩ nghèo.

Nếu để nhà thờ Tổ nhếch nhác, xuống cấp là lỗi của Ban AHNS và những người có trách nhiệm của HSK. Mấy chục năm trước, khi đời sống còn nhiều khó khăn, Ban AHNS vẫn vận động được nhiều tài trợ, chăm lo được cho các nghệ sĩ, công nhân sân khấu nghèo mà vẫn còn có khoản dư gửi ngân hàng. Năm 1998, Ban AHNS gồm soạn giả Mai Quân, soạn giả Việt Thường và tôi từng vận động được hơn 300 triệu đồng. Đóng góp của các Mạnh Thường Quân, nghệ sĩ đều được đăng công khai trên tạp chí Sân Khấu và mỗi quý đều có báo cáo cụ thể con số thu, chi, để Mạnh Thường Quân biết khoản đóng góp của mình đã được chi như thế nào và những nghệ sĩ được giúp cũng biết ai là người đã chung tay chăm lo cho mình.

Ai cho phep bien chon linh thieng cua gioi san khau thanh quan ca phe?Một phần nhà thờ Tổ ngành sân khấu đã trở thành quán cà phê

Chúng tôi chưa bao giờ được biết số tiền các Mạnh Thường Quân đóng góp, tiền thu từ cho thuê một phần trụ sở HSK… đã chi như thế nào, thiếu đủ ra sao. TP.HCM đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho văn nghệ sĩ và những người có đóng góp cho đời sống văn hóa nghệ thuật của thành phố. Việc Nhà nước cùng chung tay chăm lo cho các nghệ sĩ ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ không phải là điều không thể thực hiện, việc gì phải cho thuê nhà thờ Tổ của chúng tôi?

NSƯT Nam Hùng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI