Ai chịu trách nhiệm vụ gian lận thi cử ở Hà Giang? Không ai cả!

20/07/2018 - 07:39

PNO - Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những vấn đề tiêu cực đang diễn ra trong xã hội, hệ lụy từ giáo dục mà ra?

Vụ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho 114 thí sinh tại tỉnh Hà Giang đã gây rúng động cả nước. Sự việc đang có dấu hiệu mở rộng ra một số tỉnh khác như Lạng Sơn, Sơn La. Chưa bao giờ, câu chuyện tiêu cực trong thi cử lại lộ rõ nhiều vấn đề của xã hội như vụ việc này. Cuối cùng, sẽ có ít nhất một người chịu trách nhiệm. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho những vấn đề tiêu cực đang diễn ra trong xã hội, hệ lụy từ giáo dục mà ra? 

Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có bàn tròn quanh vấn đề này.

Trách nhiệm thuộc về hệ thống xã hội

Ai chiu trach nhiem vu gian lan thi cu o Ha Giang? Khong ai ca!
Nhiều thí sinh căng thằng trước giờ thi môn ngữ văn, môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sáng 25/6 tại TPHCM. Hình minh họa. Ảnh: Minh Thanh

Thầy Chính Trực, giáo viên THPT TP.HCM: Liệu dưới đáy sông có còn quả ngư lôi sẵn sàng nhấn chìm con tàu giáo dục?

Công bằng mà nói, những nỗ lực cải thiện môi trường giáo dục để lấy lại niềm tin của nhân dân không phải là không có, nhưng đâu đó vẫn còn những địa phương chạy theo thành tích “ảo”, làm “xấu xí” bộ mặt của giáo dục. Những tiêu cực trong giáo dục như lộ đề, sửa điểm, quản lý… vẫn xảy ra, nhưng việc xử lý thì “đúng quy trình” nhưng chẳng đi đến đâu, nên không có giá trị răn đe.

Tình yêu thương bệnh hoạn và sự ích kỷ của phụ huynh

Với kỳ thi THPT quốc gia, dù nhiều ý kiến cho rằng sáp nhập hai kỳ thi trong một đề thi là khiên cưỡng và đòi phải thay đổi. Tuy nhiên, xã hội đã quá ngán ngẩm với những chương trình thí điểm, thử nghiệm mà Bộ GD-ĐT đang theo đuổi.

Thiết nghĩ, cái chúng ta cần là một sự giáo dục nhân văn, giáo dục kỹ năng, giáo dục gắn với cộng đồng, kết nối gia đình - nhà trường - xã hội; giảm lý thuyết, tăng thực hành; phân luồng học sinh qua từng cấp học và định hướng nghề nghiệp cho các em… thay vì chỉ siết chặt đầu vào nhưng lại buông lỏng đầu ra, gây áp lực thi cử quá lớn, tạo điều kiện cho tiêu cực tràn lan.

Cũng phải nói thêm là công tác tuyển sinh lớp Mười của nhiều địa phương rất dễ phát sinh tiêu cực. Đơn cử kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm học 2018-2019 tại TP.HCM. Sau khi kết thúc công tác chấm thi, Sở GD-ĐT công bố điểm thi vào ngày 13/6, nhưng đến tận ngày 3/7 mới công bố điểm chuẩn. Nói thẳng, với khoảng thời gian dài như thế rất dễ phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, sở chỉ công khai số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1, mà không công bố hết 3 nguyện vọng cũng tạo nghi vấn tiêu cực thay đổi nguyện vọng sau khi công bố điểm.

Một quy trình dù có chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu không có sự giám sát thì dễ tạo những kẽ hở để tiêu cực phát sinh. Một môi trường giáo dục “sạch” thì trước tiên phải đặt sự trung thực lên hàng đầu.

Ai chiu trach nhiem vu gian lan thi cu o Ha Giang? Khong ai ca!
 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân - cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM): Trách nhiệm thuộc về hệ thống luôn đánh giá con người bằng những chỉ tiêu kinh tế

Theo tôi biết, hiện tượng xin điểm của học sinh và giáo viên chủ nhiệm cuối mỗi học kỳ để cá nhân có danh hiệu học sinh giỏi, lớp có tỷ lệ học sinh giỏi cao... rất phổ biến. Thế nhưng, hiện tượng này cũng được coi là khá bình thường từ rất lâu trong nhà trường, ở đủ các cấp học. Từ đó, mức độ tăng lên thành mua điểm ở cấp độ cá nhân. Và dĩ nhiên tiếp tục tăng lên nữa như vụ việc vừa qua tại Hà Giang, hơn 300 bài thi bị sửa điểm nặng nề. Con số ấy có thể vẫn chưa dừng lại, vì chưa có những cuộc thanh tra tại những nơi nghi ngờ khác.

Dường như chúng ta đang không có hệ thống giá trị công chính nào để làm chuẩn mực đánh giá một con người. Đối với con người trong xã hội hiện tại, thì sự thật, công bằng và tình yêu là những giá trị đang bị xem nhẹ. Ngược lại, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến khi ra kiếm sống, làm việc ngoài xã hội, chuẩn mực để đánh giá một con người lại thiên về những chỉ tiêu về kinh tế, vật chất, hư danh.

Hơn bao giờ hết, đặc biệt qua các bê bối trong ngành giáo dục, chúng ta đang rất cần sự thật trong đời sống xã hội. Bởi khi sự thật được chuyển dịch vào đời sống cá nhân, cũng chính là nhắc nhở tính thành thật và lòng trung thực nơi cá nhân ấy. Nếu người ta không cư xử chân thành với nhau, xã hội nào cũng tan rã. Khi việc làm không còn đi đôi với lời nói và khi chúng ta không còn có thể tin chắc rằng, những người khác thành thật với mình, thì thái độ ngờ vực, lạnh lùng và xảo quyệt sẽ định dạng cách con người chung sống với nhau.

 Minh Nhật - Quốc Ngọc (ghi)

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: sẽ không có vùng cấm

Ai chiu trach nhiem vu gian lan thi cu o Ha Giang? Khong ai ca!
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Chiều 19/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - Trưởng ban chỉ đạo đã họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 và các đơn vị liên quan để tiếp tục chỉ đạo xử lý những tiêu cực trong công tác chấm thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo đúng quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành. Trong quá trình chấm thẩm định nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan công an làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. 

Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển đại học, cao đẳng tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi.

Bộ trưởng cũng yêu cầu thanh tra bộ kiểm tra, đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp được giao nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong quá trình chấm thi bỏ vị trí, không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Nhạ cho biết: “Quyết tâm làm nghiêm túc để trả lại công bằng cho học sinh, niềm tin cho nhân dân đối với một kỳ thi. Sẽ không có vùng cấm”. 

Hiện có thêm hai tổ công tác đang xác minh kết quả bất thường kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La và Lạng Sơn.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI