Nhiều người thường trách giới trẻ ngày nay sử dụng tiếng Việt như một... thảm họa, nhất là trên các mạng xã hội, khiến tiếng mẹ đẻ lắm khi biến dạng đến méo mó, tội nghiệp. Nhưng thực tế, ngay đến các trang thông tin chính thống của nhiều bộ, ngành, cơ quan nhà nước, thậm chí là của những người chịu trách nhiệm dạy dỗ và định hướng để người Việt dùng tiếng Việt sao cho đúng cũng góp phần “bôi bác” tiếng Việt!
Rõ nhất là trong khi sách giáo khoa dùng “i” với các từ như sĩ, lí… thì trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngay trang chủ, lại viết “… luận văn tiến sỹ”. Tệ hại hơn, chính trong nội dung của cái đề mục dùng “tiến sỹ” nhan nhản... “tiến sĩ”.
Cũng tại cổng thông tin của bộ này, chỉ trong một bản tin, “xử lý” với “xử lí” cứ thay nhau nhảy “lambada”! Thật ra, khuynh hướng dùng “i” thay cho “y” trong một số trường hợp vẫn còn là việc đang tranh luận, nhưng một khi đã quy định trong sách giáo khoa cách viết nào thì Bộ GD-ĐT phải theo đúng cái chuẩn mực mình đặt ra. Chỉ với một lỗi chính tả bé xíu mà chính Bộ GD-ĐT còn cẩu thả và thiếu nhất quán như vậy, thì mặt mũi nào để nói chuyện đúng sai, hay dở với tiếng Việt! Hay lại là lỗi “đánh máy”?
Trong suốt những năm tháng ngồi ghế nhà trường, học sinh của chúng ta phải mất 5 năm tiểu học để học đọc, viết tiếng Việt; 4 năm THCS để luyện ngữ pháp, viết câu; 3 năm THPT để tập viết luận và 4 năm đại học để rèn tiếng Việt theo chuyên ngành. Vậy tại sao kết quả của 16 năm đằng đẵng đó, lớp trẻ lại sử dụng tiếng Việt ngày càng... khủng khiếp đến vậy?
Xin đừng đổ lỗi cho người trẻ nữa! Chính những người đang thụt thò những cái bằng tiến sĩ, thạc sĩ trong túi áo; những người đang làm công việc liên quan đến chuyên ngành ngôn ngữ và các nhà quản lý giáo dục nên xem lại bản thân trước đã.
Trên website của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, một câu trong một đoạn thông tin chỉ có... 132 từ mà không tìm thấy dấu ngắt câu nào. Tương tự, một đoạn thông báo trên website của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM dài gần 270 từ, chữ nọ xọ chữ kia, đọc chưa hết đã váng hết cả đầu, nói gì đến chuyện... hiểu!
Chẳng lẽ việc truyền thông kiến thức khoa học không cần đến sự diễn đạt rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu? Chẳng lẽ người làm ngành y chỉ cần biết đọc... tên thuốc là đủ?
Một thông tin khác, của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thể hiện theo cách rất... hại não, khiến người đọc chẳng thể hiểu người viết muốn “truyền” cho “thông” chuyện gì. “Thay đổi tư duy, cách tiếp cận đối với ngành văn hóa - thể thao và du lịch về một ngành phi vật chất trở thành ngành công nghiệp mang lại giá trị gia tăng với nền tảng từ I 4.0 - đây là điều mà ngành văn hóa - thể thao và du lịch đang hướng đến và cũng được thảo luận sôi nổi tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và công nghệ với Bộ văn hóa - thể thao và du lịch về tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, diễn ra chiều 25/10”.
Mời bạn đọc “thưởng thức thêm một câu chỉ... 318 chữ, để thấy thế nào là cái sự lê thê của những người lẽ ra phải có trách nhiệm làm gương cho giới trẻ dùng tiếng Việt: “Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất các nhóm công việc dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới, gồm: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ và triển khai ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi các công nghệ mới phục vụ công tác quản lý nhà nước của bộ; nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu trong hoạt động của các lĩnh vực có liên quan như điện ảnh, mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật, thư viện, phát triển thể dục thể thao cho mọi người, huấn luyện thể thao chuyên nghiệp... Xây dựng dữ liệu số của ngành (như di sản văn hóa, dữ liệu về quyền tác giả và quyền liên quan theo thông lệ quốc tế...)”.
Hay như một bản tin trên website của trường ĐH Kinh Tế TP.HCM ngày 26/10, được mở đầu: “Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản liên quan đến người lao động là viên chức. Bên cạnh đó, nâng cao kiến thức về pháp luật đối với các công đoàn viên, đặc biệt những vấn đề liên quan đến người lao động trong toàn trường”.
Cả hai câu, khốn khổ làm sao, đều... què như nhau! Nói đúng hơn, đều mới là trạng ngữ cho một thông tin nào đó còn... chưa kịp xuất hiện đã bị... “chôn sống”. Và, “anh em, đồng đội” của những câu què kiểu như vậy, nhìn vào trang mạng nào cũng có thể thấy... vô số, cứ như được “nhân bản vô tính”!
Những năm gần đây, cứ đến mùa thi là nhiều cơ quan báo chí, trang mạng xã hội lại “bêu dương” những bài văn cười ra nước mắt của học sinh. Lỗi của các em chăng? Thật ra, đâu cần đợi đến mùa thi, cứ liếc ngang vào các website, kể cả những trang của các đơn vị được xem là... khuôn mẫu, là có trình độ cao.
Vậy thì người trẻ hay chính những người đang đeo cái mác “trí thức” đã giết lần giết mòn tiếng mẹ đẻ của chúng ta?
Hằng Pha Lê