Ai cần hoãn tiêm vắc-xin COVID-19?

19/03/2021 - 06:46

PNO - Hiện Việt Nam đã tiêm vắc-xin COVID-19 cho hơn 25.000 người và có khoảng 4.000 trường hợp xuất hiện phản ứng phụ, chỉ có 5 trường hợp có phản vệ độ 2, một trường hợp phản vệ độ 3 đã được xử lý và ổn định sức khỏe.

 

Liên quan việc tiêm vắc-xin thế nào an toàn nhất, sáng 18/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. Trong đó, có nhiều điểm mới so với hướng dẫn tiêm chủng được Bộ Y tế tập huấn cho các đơn vị trước ngày 8/3. 

Cụ thể, những người đủ điều kiện tiêm vắc-xin COVID-19 là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc-xin (tùy mỗi loại vắc-xin). 

Những người trì hoãn tiêm chủng gồm: người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương  prednisolon ≥ 2mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19. 

Ngoài ra, những người đã tiêm vắc-xin khác trong vòng 14 ngày trước hoặc đã mắc COVID-19 trong vòng sáu tháng, người giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu đều nằm trong đối tượng trì hoãn tiêm chủng. Đặc biệt, người trên 65 tuổi cũng nằm trong đối tượng trì hoãn tiêm chủng tại hướng dẫn mới này. 

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng khuyến cáo những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính phát hiện dấu hiệu bất thường... phải thận trọng và được sàng lọc kỹ tại các cơ sở tiêm chủng. Đặc biệt, người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin sẽ được chống chỉ định tiêm ngừa.

Bên cạnh quy định đối tượng tiêm chủng, Bộ Y tế cũng yêu cầu những nhân viên y tế khám sàng lọc phải được tập huấn chuyên môn về khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Người tiêm chủng sẽ được hỏi và kê vào bảng kiểm khám sàng lọc trước tiêm chủng và sau đó, nhân viên y tế ghi chép và lưu hồ sơ. Nếu đủ điều kiện, người tiêm sẽ được tư vấn và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cao nhất trong tiêm chủng, công tác khám sàng lọc phải được chú trọng và đánh giá kỹ lưỡng. Người dân biết bản thân có nguy cơ dị ứng nào cũng thông báo với bác sĩ trước khi tiêm ngừa.

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI