Ai cần điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch?

19/03/2023 - 08:00

PNO - Nếu không được xử trí kịp thời, người bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sẽ gánh chịu các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Lê Phi Long - Phó trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - nhằm giúp mọi người nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ, dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hiệu quả và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng.

Cứ 10 người bệnh thì chỉ có 2-3 người xuất hiện các triệu chứng sớm như đột ngột sưng chân, đau, phù,  căng tức hoặc bỗng dưng bị  đau ngực, chướng bụng…  ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Cứ 10 người bệnh thì chỉ có 2-3 người xuất hiện các triệu chứng sớm như đột ngột sưng chân, đau, phù, căng tức hoặc bỗng dưng bị đau ngực, chướng bụng… (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây tàn phế và tử vong 

*Phóng viên: Thưa bác sĩ, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là gì? Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?

- Tiến sĩ - bác sĩ Lê Phi Long: Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là bệnh lý cấp tính khá phổ biến trong cộng đồng, đứng thứ ba trong các bệnh lý về tim mạch (sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ). Đây là hiện tượng có cục máu đông trong lòng hệ thống tĩnh mạch gây bít tắc, cản trở sự lưu thông máu trong cơ thể. 

Huyết khối làm ứ trệ dòng máu tĩnh mạch gây ra các hậu quả tại chỗ, có thể từ nhẹ như sưng đau, đỏ tấy dọc các mạch máu trên da (viêm tĩnh mạch nông huyết khối), sưng phù căng đau nhức chân đột ngột (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới) hoặc gây ra các hậu quả rất nặng nề như xung huyết, thiếu máu nuôi ruột, hoại tử ruột (tắc tĩnh mạch nuôi ruột cấp tính), phù não cấp tính (thuyên tắc các tĩnh mạch nội sọ); nguy hiểm nhất là bệnh nhân có thể bị tàn phế và tử vong. 

Nghiêm trọng hơn, cục máu đông trong lòng mạch có thể bong tróc, di chuyển và trôi theo dòng máu về tim, gây tắc các mạch máu phổi (thuyên tắc phổi). Đây là một biến chứng cấp tính rất nguy hiểm, khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

* Ai có nguy cơ cao bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, thưa bác sĩ?

- Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch liên quan đến rất nhiều yếu tố nguy cơ về cơ địa hoặc bệnh lý bẩm sinh hay bệnh lý mắc phải. Tỉ lệ mắc ở những bệnh nhân đang điều trị nội khoa là 10 - 12%. Cơ chế dẫn đến tình trạng trên là bộ ba bệnh lý: máu tăng đông, các rối loạn về dòng chảy và tổn thương thành mạch máu. Ba bệnh lý này có thể đơn lẻ hoặc đồng thời tác động, dẫn đến sự tạo lập huyết khối gây tắc nghẽn. Do vậy, có rất nhiều tình huống cũng như bệnh lý bẩm sinh hay mắc phải có liên quan đến bộ ba bệnh lý này, làm tăng nguy cơ. 

Chẳng hạn, người bệnh trải qua phẫu thuật và chấn thương (các mô, mạch máu bị tổn thương), người có bệnh lý ác tính, các bệnh lý tăng đông máu bẩm sinh, bệnh lý tự miễn gây tình trạng tăng đông máu thứ phát, sử dụng thuốc ngừa thai và điều trị nội tiết tố, di chứng tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống… phải nằm bất động trong một thời gian dài. Ngoài ra còn là người cao tuổi, béo phì, phụ nữ mang thai, tiền sử từng bị thuyên tắc huyết khối hay trong gia đình có người bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch…

Bên cạnh đó, người từng thay khớp gối, háng, u bướu vùng chậu cũng là nhóm nguy cơ cao. Không chỉ vậy, bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ở giai đoạn tiến triển, có điều trị hóa chất rất nên được tầm soát đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phi Long đang đặt stent  nong tĩnh mạch chậu cho một trường hợp  bị thuyên tắc do huyết khối - ẢNH: T.A.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phi Long đang đặt stent nong tĩnh mạch chậu cho một trường hợp bị thuyên tắc do huyết khối - Ảnh: T.A.

Thường không có triệu chứng điển hình 

* Bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu cảnh báo tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch? Khi nào bệnh nhân cần tới bệnh viện để được xử trí?

- Căn bệnh này khá nguy hiểm nhưng thường không có triệu chứng điển hình. Cứ 10 người bệnh thì chỉ có 2-3 người xuất hiện các triệu chứng sớm như đột ngột sưng chân, đau, phù, căng tức hoặc bỗng dưng bị đau ngực, chướng bụng… Do vậy, khi thấy bản thân có các yếu tố nguy cơ vừa nêu, mọi người nên chủ động tầm soát để phát hiện kịp thời và điều trị sớm. 

Đối với các bệnh nhân điều trị nội khoa, trong vòng 24 giờ đầu ngay sau khi nhập viện cần được đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Đây cũng là cách để xác định người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao hay thấp. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.

* Có những phương pháp nào để điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch? Bệnh có nguy cơ tái phát không, thưa bác sĩ?

- Trước hết, điều trị dự phòng là vô cùng cần thiết. Sử dụng thuốc kháng đông được cho là phương pháp điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch phổ biến dành cho cả người bệnh đang điều trị nội khoa và ngoại khoa. Tùy theo thể trạng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc dạng tiêm hay dạng uống với liều lượng phù hợp.

Ngoài ra, người bệnh còn được khuyến khích áp dụng song song các bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, mang vớ bơm hơi ngắt quãng… Trong trường hợp người bệnh có nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch kèm khả năng chảy máu cao, có thể đặt lưới lọc tĩnh mạch.

Để đạt được hiệu quả tối đa khi điều trị dự phòng, hạn chế triệt để các biến chứng, bệnh nhân cần tuân thủ việc sử dụng thuốc kháng đông theo chỉ định của bác sĩ (đúng thời điểm và liều lượng được khuyến cáo). Bên cạnh đó, bệnh nhân nên chủ động theo dõi các biến chứng hoặc tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc và báo ngay với bác sĩ để xử trí kịp thời. Người bệnh cần tham gia đầy đủ các buổi tái khám định kỳ.

Với sự hỗ trợ của hệ thống bệnh án điện tử, bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao đều dễ dàng được sàng lọc và đánh giá nguy cơ từ sớm. Điều này giúp bác sĩ có thể thiết kế phác đồ và chỉ định những phương pháp dự phòng phù hợp mang tính cá thể hóa, đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

Hiện nay, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã thành lập đơn vị phản ứng nhanh với sự phối hợp của đội ngũ bác sĩ liên chuyên khoa nhằm giải quyết kịp thời các biến chứng do thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Ngoài ra, người bệnh còn được hướng dẫn bài tập vận động phục hồi chức năng, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, lối sống lành mạnh giúp chiến lược dự phòng tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được tối ưu hóa.  

Để đưa ra quyết định điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các đánh giá thông qua thang điểm PADUA nhằm phân tầng mức độ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Nếu tổng điểm đánh giá cao hơn hoặc bằng 4 (PPS ≥ 4), người bệnh cần được điều trị dự phòng. Trong trường hợp người bệnh từng trải qua các cuộc phẫu thuật, mức độ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được đánh giá dựa theo thang điểm Caprini. Nếu tổng điểm đánh giá cao hơn hoặc bằng 5 (PPS ≥ 5), người bệnh sẽ được chỉ định điều trị dự phòng.

Thời gian điều trị dự phòng ở mỗi người khác nhau. Điều này tùy thuộc vào số lượng yếu tố nguy cơ, mức độ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Nếu các yếu tố nguy cơ là thoáng qua, người bệnh chỉ cần điều trị trong thời gian ngắn. Ngược lại, nếu người bệnh có các yếu tố nguy cơ cao (ung thư giai đoạn cuối, đang thực hiện hóa trị…) hoặc các yếu tố không thay đổi được (tăng đông máu bẩm sinh...), quá trình điều trị có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí suốt đời.

Tùy mức độ mà bệnh nhân được chỉ định các phương pháp can thiệp như đặt lưới lọc huyết khối phòng ngừa tạm thời và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, hút huyết khối bằng phương pháp nội mạch, đồng thời dùng thuốc kháng đông để điều trị, phòng ngừa bệnh tiến triển.  

Thanh Huyền (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI