Ai cần chích vắc xin để phòng bệnh mùa hè?

22/06/2024 - 05:49

PNO - Mùa hè là thời điểm lý tưởng cho những chuyến du lịch, tụ tập bạn bè. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao hơn do mật độ người đông đúc tại các địa điểm vui chơi, ăn uống. Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần tiêm chủng đầy đủ và nhắc lại các loại vắc xin cần thiết để phòng ngừa những bệnh thường gặp trong mùa hè nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Phòng bệnh cho trẻ nhỏ

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - lưu ý người dân cần chú ý chích nhắc, chích bổ sung một số loại vắc xin cần thiết trong mùa hè. Những vắc xin được khuyến cáo chích ngừa sẽ theo từng lứa tuổi. Trước tiên, đối với trẻ nhỏ, mỗi năm cần tiêm mũi vắc xin cúm 1 lần. Nhiều người nghĩ rằng bệnh cúm chỉ xảy ra vào mùa đông, mùa xuân.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh đang khám và tư vấn cho một trường hợp về chích vắc xin ngừa bệnh - ẢNH: M.T.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh đang khám và tư vấn cho một trường hợp về chích vắc xin ngừa bệnh - Ảnh: M.T.

Thế nhưng trên thực tế, dịch bệnh này xảy ra quanh năm tại Việt Nam. Vào mùa hè, nguy cơ trẻ em bị mắc cúm cao hơn do tâm lý chủ quan của người lớn. Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ ở người lớn nhưng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ có sức đề kháng yếu ớt, khi bị vi rút cúm tấn công dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim, suy đa cơ quan gây tử vong… Ngoài ra, bệnh cúm còn nặng nề hơn ở những trẻ có cơ địa đặc biệt như sinh non, mắc bệnh lý suy giảm miễn dịch…

Tiếp đến, là nhóm bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Cha mẹ cần chú ý cho bé uống vắc xin rota vi rút tại các thời điểm 2, 3, 4 tháng tuổi. Ngoài ra, vắc xin thủy đậu và sởi cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng với trẻ em. Hiện nay, đã xuất hiện nhiều ca sởi và thủy đậu, chắc chắn sẽ tăng cao khi trẻ tựu trường và rất dễ phát triển thành dịch. Bệnh sởi do vi rút gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề ở trẻ nhỏ, thậm chí tử vong. Các biến chứng của bệnh sởi phải kể đến như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm giác mạc, tiêu chảy. Đặc biệt, sởi còn gây biến chứng viêm não, suy giảm miễn dịch, đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. Mũi vắc xin sởi đầu tiên được tiêm là khi trẻ 9 tháng tuổi, tiêm nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, không ít phụ huynh quên mũi vắc xin nhắc khiến trẻ không được bảo vệ đầy đủ.

Một loại vắc xin vừa được phê duyệt, được coi là tin vui với cộng đồng là vắc xin sốt xuất huyết. Hiện nay, vắc xin này đã được cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Dự kiến từ đây tới cuối năm 2024, vắc xin sốt xuất huyết sẽ có mặt trên thị trường.

Đến hẹn lại lên, mùa mưa (từ tháng Tư đến tháng Mười) là thời điểm dịch sốt xuất huyết trỗi dậy. Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Trẻ dưới 5 tuổi thường có nguy cơ biến chứng cao hơn so với người lớn. Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra có 4 type khác nhau, được ký hiệu là DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Mỗi type đều có khả năng gây bệnh và có thể lưu hành ở các khu vực khác nhau. Tại Việt Nam, cả 4 type vi rút Dengue đều có mặt và có thể luân phiên gây ra dịch bệnh.

Điều này khiến cho việc phòng ngừa và điều trị sốt xuất huyết trở nên khó khăn hơn. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần nếu bị nhiễm các type vi rút khác nhau. Vì vậy, việc tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng sốt xuất huyết và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng.

Thêm một dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè là viêm não Nhật Bản. Vắc xin viêm não Nhật Bản nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng và trẻ cần tiêm lúc 12 tháng tuổi. Với vắc xin viêm não Nhật Bản dạng dịch vụ, trẻ có thể tiêm từ 9 tháng tuổi. Với vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sẽ phải chích nhắc mỗi 3 năm/lần cho tới khi trẻ 15 tuổi. Tuy nhiên, vắc xin viêm não Nhật Bản thế hệ mới dạng dịch vụ chỉ cần tiêm 2 mũi và không cần chích nhắc thêm.

Người lớn chớ chủ quan

Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần chú ý một số loại vắc xin sau đây để phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm trong mùa hè. Thứ nhất là vắc xin cúm và vắc xin phế cầu. Vi rút cúm và phế cầu sẽ dễ trở nặng trên các đối tượng có bệnh nền hô hấp như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, người có di chứng hậu COVID gây suy hô hấp, người nghiện thuốc lá…

Mọi người cần tiêm chủng đầy đủ và nhắc lại các loại vắc xin cần thiết để phòng ngừa những bệnh thường gặp trong mùa hè nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng - Nguồn ảnh: Internet
Mọi người cần tiêm chủng đầy đủ và nhắc lại các loại vắc xin cần thiết để phòng ngừa những bệnh thường gặp trong mùa hè nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng - Nguồn ảnh: Internet

Một trong những bệnh rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai là ho gà. Có nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai mắc bệnh ho gà rất dễ lây cho em bé. Nguyên nhân vì trẻ em sau khi chào đời được 2 tháng mới đủ tuổi tiêm vắc xin ngừa ho gà. Trước đây, vắc xin ho gà không có chỉ định với bà bầu. Song, hiện nay, loại vắc xin ho gà theo dạng dịch vụ đã được phép sử dụng cho phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Hiền Minh nhận định rằng tiêm vắc xin dịch vụ hay vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đều tốt. Tùy hoàn cảnh mà mọi người có thể chọn loại vắc xin phù hợp với nhu cầu. Điều quan trọng nhất là cần tuân thủ lịch chích nhắc, chích bổ sung (nếu bỏ mũi) để bản thân được bảo vệ toàn diện. Rất nhiều trường hợp khi bị bệnh nặng đã thắc mắc rằng tại sao mình có tiêm chủng mà vẫn mắc bệnh. Vậy nhưng, khi bác sĩ kiểm tra lại sổ tiêm chủng thì phát hiện bệnh nhân chỉ tiêm mũi đầu và quên các mũi chích nhắc.

Cụ thể như trường hợp bé gái tên P.T.D. (12 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) mới đây được phát hiện mắc viêm não Nhật Bản. Mẹ bé khẳng định con đã tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản. Chị này còn nghi ngờ bác sĩ chẩn đoán bệnh không chính xác. Khi kiểm tra sổ tiêm chủng của bé D., bác sĩ phát hiện bệnh nhi chỉ tiêm mũi vắc xin trong chương trình mở rộng tại địa phương lúc 1 tuổi và quên tiêm mũi nhắc mỗi 3 năm.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút JEV gây ra, lây truyền qua đường tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết của heo bị nhiễm bệnh, thường qua trung gian muỗi cắn. Bệnh thường bùng phát vào mùa hè và đầu mùa thu tại các khu vực có nhiều lúa nước và muỗi sinh sống. Tỉ lệ tử vong của người mắc viêm não Nhật Bản rất cao (từ 30 - 50%), 10 - 20% trường hợp sống sót có di chứng nặng nề như liệt, động kinh, rối loạn tâm thần...

Ngoài ca này, ngày 16/6, bác sĩ Hiền Minh tiếp nhận 2 trường hợp khác: bé trai N.V.T. (3 tuổi, quê Tiền Giang) và bé Đ.C.L. (4 tuổi, quê Long An). Cả 2 bé đều không chích mũi vắc xin sởi khi 9 tháng tuổi do cha mẹ chủ quan, nghĩ rằng dịch sởi đã không còn xuất hiện. Tuy vậy, gần đây quanh khu vực 2 bé sinh sống xuất hiện rải rác các ca bệnh sởi làm phụ huynh lo lắng, vội vàng đưa con lên TPHCM chích ngừa.

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời gian tới có thể xuất hiện các ổ dịch sởi ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Tỉ lệ tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại nước ta giảm nhiều do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo dịch sởi tái bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam cũng không tránh khỏi nguy cơ này. Do đó, để phòng tránh các dịch bệnh nói chung và dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa hè nói riêng, mọi người cần chú ý và đặc biệt quan tâm tới các bệnh có nguy cơ trỗi dậy thành dịch như sởi, ho gà, bạch hầu. Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả là tuân thủ chích vắc xin đầy đủ theo chỉ định.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe