Tại TP.HCM, có nhiều trường hợp trời không mưa, không giông lốc, nhưng cây xanh vẫn bật gốc. Mới đây, chỉ trong một tuần, đã có hai người chết, một bị thương và nhiều xe cộ hư hỏng do cây ngã đổ. Theo kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, một chuyên viên bảo vệ cây xanh đô thị, cơ quan chức năng cần sớm tổ chức “khám tổng quát” cho hơn 5.000 cây già cỗi tại TP.HCM vì nhiều cây có thể “bất đắc kỳ tử”, gây thiệt hại tính mạng, tài sản người dân.
Cây xanh ngã đổ do bộ dễ bị xâm hại
Từ ngày 26 đến 31/8, ở TP.HCM đã xảy ra hơn 60 vụ cây ngã và gãy nhánh, làm chết hai người, bị thương một người, hư hại một ô tô, sáu xe máy và một số công trình. Trong đó, chỉ tính riêng ngày 28/8 có 25 cây ngã, 32 cây gãy nhánh; hầu hết cây bật gốc đều có vấn đề ở rễ.
Ngày 26/8, bà Trương Thị Ngọc Mai (60 tuổi, Q.1) đang tập thể dục trong công viên Tao Đàn thì bị một nhánh cây gãy đè trúng người gây tử vong. Ngày 28/8, một cây dầu cổ thụ trên đường An Dương Vương (Q.5) bất ngờ bật gốc, đè chết anh Từ Minh Khải (25 tuổi, Kon Tum); gây hư hỏng một ô tô và nhiều xe gắn máy.
Cùng lúc, sáu cây lim xẹt trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) cũng bật gốc, may mắn không gây thương vong. Ngày 30/8, dù không mưa gió nhưng cây sọ khỉ có đường kính khoảng 80cm trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.5) bật gốc, ngã đổ làm anh Huỳnh Minh Cường (Q.10) bị thương.
|
Cây sọ khỉ bật gốc chiều 30/8 |
Trao đổi với PV báo Phụ nữ, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Công Viên Cây Xanh cho biết, những cây bị bật gốc ở đường Sư Vạn Hạnh và đường An Dương Vương vẫn đang sinh trưởng tốt, nhưng bộ rễ có sự phát triển bất thường. Theo ông Sơn, thực tế đáng lo hiện nay là nhiều đơn vị thi công vỉa hè, cáp ngầm, ống nước… đã vô tư chặt đứt rễ phụ của các cây xanh khi công trình đi qua, ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe” của cây.
Tuy vẫn sống bình thường, không gãy đổ ngay, nhưng một vài năm sau, bộ rễ của cây suy yếu, cây rất dễ bật gốc khi gặp mưa to gió lớn. Những trường hợp xâm hại này, nếu phát hiện, công ty sẽ báo cáo đơn vị chủ quản, đề xuất biện pháp xử lý, xử phạt đơn vị gây hại.
Rất tiếc, phần lớn trường hợp xâm hại do không gây hậu quả tức thời nên không thể xử lý. “Càng đáng lo hơn là TP.HCM hiện còn hơn 5.500 cây loại 3 (cao hơn 12m - cây cổ thụ) trong số hơn 90.000 cây xanh do Sở GTVT quản lý. Công ty chỉ có thể phát hiện các bất thường trên thân cây như sâu đục, mục ruỗng và đề xuất Sở GTVT xử lý; việc dùng máy móc để “siêu âm” đánh giá bộ rễ vẫn chưa thực hiện được”, ông Sơn nói.
Đề nghị "khám tổng quát" hơn 5000 cây già cỗi
Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam phân tích bốn nguyên nhân khiến cây xanh dễ ngã đổ, trong đó nguyên nhân chính là do cây già cỗi, với hơn 5.500 cây loại 3 (chủ yếu là cây dầu, sọ khỉ, lim xẹt…), tuổi đời rất cao, trồng xen kẽ trong các khu đô thị.
Đây là mối lo lớn cho người đi đường. Trung bình, tuổi đời của cây sao dầu từ 80 -100 tuổi, sọ khỉ từ 60 - 80 tuổi, me từ 40 - 60 tuổi, lim xẹt dưới 40 tuổi, nhưng hiện nhiều cổ thụ ở TP.HCM đã tồn tại hơn 100 năm.
Theo ông Kiểm, các công trình ngầm dọc hai bên đường, việc bê tông hóa vỉa hè cũng là nguyên nhân khiến bộ rễ của cây mất không gian sinh trưởng. Ngoài ra, nhà cao tầng đang ngày càng nhiều, khi gió mạnh sẽ tạo thành những luồng gió xoáy dễ làm cây bật gốc, gãy cành.
Một bất cập khác là việc kiểm tra định kỳ “sức khỏe” của cây xanh với tần suất hiện nay quá ít, hơn 90.000 cây xanh nhưng chỉ có hơn 150 công nhân thì rất khó phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh tật của cây.
Để hạn chế những rủi ro do cây xanh ngã đổ gây ra, ông Kiểm cho rằng, đơn vị chủ quản phải mạnh tay rót kinh phí để tiến hành “khám tổng quát” ngay cho hơn 5.500 cây cổ thụ già cỗi. Trên cơ sở đó, có kế hoạch thay thế dần. Việc bảo tồn cổ thụ là cần thiết nhưng điều kiện tiên quyết là cổ thụ phải an toàn cho tính mạng và tài sản của con người.
Cần cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường
Theo luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM, điều 626 Bộ luật Dân sự 2005 quy định trách nhiệm bồi thườ ng thiệt hại do cây cối gây ra cụ thể là: "Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.
Theo điều 161 Bộ luật Dân sự 2005, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tuy nhiên, các trường hợp cây xanh đổ, ngã thường rơi vào mùa mưa và chủ sở hữu cây xanh lại không cho người cắt, tỉa kịp thời các cây xanh có nguy cơ gãy, đổ dẫn đến thiệt hại thì không được coi là sự kiên bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm bồi thường.
Như vậy, khi cây xanh gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng mà không phải do lỗi của người dân (như tự ý leo trèo lên cây xanh…) và không thuộc các trường hợp bất khả kháng (điều 161) thì người dân phải được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, dù quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực nhưng cũng đã có các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, trong tương lai, đối với những trường hợp này, đơn vị được giao quản lý cây xanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng các hình phạt và các biện pháp tư pháp theo quy định mới.
Thu Hồng