Ai bảo vệ nạn nhân bị lạm dụng?

23/03/2019 - 07:00

PNO - Trung tâm Công lý cho phụ nữ (CWJ), hôm 21/3, đã gửi văn bản than phiền đến nhà chức trách Anh, cho rằng chính quyền đã không nỗ lực hết sức để bảo vệ nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục.

Theo thống kê, khoảng 20% phụ nữ (khoảng 3,4 triệu người ở Anh và xứ Wales) bị quấy rối tình dục từ năm 16 tuổi. Bên cạnh đó, khoảng 2 triệu người (hầu hết là nữ) chịu cảnh bạo lực gia đình. Luật sư Nogah Ofer - cố vấn CWJ - cho biết: “Có rất nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân trên giấy tờ, nhưng thực chất mọi thứ không diễn ra như mong đợi”. Nhiều kẻ bị tố cáo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và không bị cơ quan chức năng chế tài như cấm liên hệ, tiếp xúc với nạn nhân.

Ai bao ve nan nhan bi lam dung?
Bekah D’Aoust sống không bằng chết suốt 8 năm qua

Lời than phiền xuất hiện ở Anh - nơi được cho là một trong những quốc gia chú tâm nhất đến bình đẳng giới, có những chính sách và luật lệ cụ thể bảo vệ nạn nhân bị xâm hại.

Ở Canada, những câu chuyện đầy nước mắt cũng vẫn tồn lại. Chị Bekah D’Aoust, sống ở thủ đô Ottawa, là nạn nhân của vụ tấn công tình dục năm 2011 và từ thời điểm đó, chị như trở thành một con người khác. Kẻ giở trò đồi bại với chị là Ryan Hartman - một tài xế lái xe tải và cũng là bạn trai của Bekah. Chị đã quá tin người đàn ông ở bên cạnh và bị hãm hại khi chị thiếp đi. Định kiến xã hội tin rằng, Bekah đồng thuận để mọi thứ xảy ra.

Tám năm sau ngày Ryan “giết chết” Bekah, y mới phải xuất hiện trước tòa hôm 20/3 vừa qua. Luật pháp và công lý ở đâu trong quãng thời gian Bekah giày vò bản thân, suy sụp trong cơn chán chường, chán ghét bản thân và rối loạn ăn uống? Bekah đã báo cảnh sát, nhưng mọi thứ diễn tiến ngoài sức tưởng tượng của chị. Nó khiến chị đôi khi phải tự hỏi, “chẳng lẽ mình sai?”, “chẳng lẽ mình đáng bị như thế?”. Bekah phải “chất vấn” chính mình về giá trị bản thân, về mục đích sống, nhận thức, tất cả. Sự thờ ơ, chậm trễ của những người lẽ ra cần xuất hiện, nâng đỡ Bekah kịp lúc, đã khiến chị hoài nghi bản thân. Không ai bảo vệ Bekah và cuộc chiến dai dẳng trong tám năm qua là cuộc chiến của chị với chính chị, của chị với công lý.

Cũng trong lúc này, người dân xứ Hàn và những ai quan tâm đến phim ảnh Hàn Quốc đang dõi theo trường hợp nữ diễn viên quá cố Jang Ja-yeon. Cô đã tự tử vì không chịu nổi áp lực bị hành hạ, xâm hại. Trước khi chết, Jang Ja-yeon từng tố cáo bị ép phục vụ 31 quan chức khoảng 100 lần, nhưng lời nói trong cơn kiệt quệ ấy đã chẳng cứu thoát cô. Mười năm sau ngày Jang Ja-yeon qua đời, những bí mật động trời mới dần được tiết lộ. Cô bị ép triệt sản để trở thành một công cụ tình dục chuyên nghiệp trong những lần hầu rượu, tiếp khách.

Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Tội phạm học Hàn Quốc (KIC) cho biết, 20% đàn ông Hàn Quốc, trong độ tuổi 20-64, chi trung bình 580 USD để mua dâm. Khoảng 358.000 lượt nam giới mua dịch vụ trên hằng ngày và 49% đàn ông Hàn thừa nhận đã từng hoặc đang sử dụng dịch vụ mại dâm. Ngành kinh doanh trên thân xác phụ nữ mang về 20,4 tỷ USD mỗi năm cho Hàn Quốc, chiếm 4,1% tổng GDP nước này. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI