Những khó khăn và thử thách trong cuộc sống có thể dìm bạn xuống đáy sâu đau khổ nhưng cũng có thể biến bạn thành một con người mạnh mẽ và tự tin – tất cả phụ thuộc vào thái độ và cách bạn phản ứng với cuộc đời. Chỉ cần có cái nhìn lạc quan cùng một thái độ sống tích cực, bạn sẽ làm chủ cuộc đời mình dễ dàng dù ở trong bất kỳ tình huống nào. Cuộc sống của Trần Phượng, bà mẹ đơn thân sắp tròn 30 với hai thiên thần nhỏ ở Long Biên, Hà Nội chính là minh chứng cho điều đó.
Chưa bao giờ chủ động lựa chọn con đường làm mẹ đơn thân, Trần Phượng từng rất cố gắng trong việc cứu vãn hạnh phúc gia đình bởi cô luôn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng cho các con thơ khi cha mẹ chia lìa. Thế nhưng, vợ chồng không hợp nhau, có quá nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống chung khiến không khí gia đình mỗi ngày thêm ngột ngạt. Sau một thời gian dài suy nghĩ, Phượng và chồng quyết định chia tay nhau khi cậu con trai út mới được vài tháng tuổi còn cô con gái lớn mới hơn 3 tuổi.
Ban đầu, chồng cô muốn giành nuôi con gái lớn, nhưng vì công việc của anh không có nhiều thời gian, hơn nữa với Phượng, con cái là tất cả, cô sinh ra con nhất định phải tự nuôi dạy con, hơn nữa, bố mẹ đã xa nhau thì người lớn nên dẹp bỏ cái tôi của mình để con trẻ được sống cùng nhau, nên Phượng đã cố gắng thuyết phục chồng. Cuối cùng, chồng đồng ý để cô nuôi cả hai con và không hỗ trợ về kinh tế.
|
Trần Phượng hiện là mẹ đơn thân, một mình nuôi dưỡng hai con nhỏ (ảnh nhân vật cung cấp). |
Khi quyết định trở thành mẹ đơn thân, Phượng chia sẻ, cô đã suy nghĩ rất nhiều nhưng hoàn toàn không phải về những nỗi đau riêng tư của bản thân. Cô chỉ nghĩ, làm sao để các con không cảm thấy bị tổn thương, và làm thế nào để cáng đáng kinh tế khi một mình nuôi hai con thơ. Thời gian đầu sau ly hôn, Phượng rất vất vả khi vừa phải đảm bảo công việc làm theo ca trong siêu thị, vừa chăm sóc hai đứa con còn quá nhỏ. Sau này, cô nghỉ hẳn việc, ở nhà buôn bán để có thời gian lo cho con, mọi thứ mới dần đỡ hơn.
Phượng bảo, có những khi khó khăn thiếu thốn đủ đường, những khi mệt mỏi cùng cực vì con ốm con đau, nhưng chưa một lần cô cảm thấy bi quan hay chán nản. Cô luôn suy nghĩ tích cực và giữ tinh thần lạc quan để các con có cuộc sống vô tư, vui vẻ nhất. Đặc biệt, dù không nhận được trợ giúp về kinh tế từ chồng cũ, cô chưa một lần nói lời không hay về chồng với các con. Khi con hỏi, cô luôn nói bố bận đi làm. Phượng cũng rất muốn bố của các con đến thăm con thường xuyên và đưa các con đi chơi để con cái không thiếu thốn tình cảm của bố.
|
Nụ cười lạc quan, tươi vui, hạnh phúc luôn thường trực trên môi người mẹ trẻ này (ảnh nhân vật cung cấp). |
Đối với nhà nội, cô cũng cố gắng giữ cho con có mối quan hệ thân thiết hết mức có thể và tránh tối đa những tổn thương từ mâu thuẫn của người lớn. Ba mẹ con vẫn cùng nhau về thăm ông bà nội dài ngày, mọi người bên nội cũng vẫn rất yêu thương, quan tâm ba mẹ con cô. Đó là điều mà không phải người mẹ nào cũng làm được cho các con mình sau những cuộc ly hôn nhiều sóng gió.
Phượng bảo, có lẽ mình dễ vượt qua cuộc khủng hoảng “hậu hôn nhân” hơn những người khác là nhờ bản thân vốn có tính tự lập và luôn đề cao sự công bằng – kể cả sự công bằng với chính bản thân mình. Cô thấy nhiều người vợ tự làm khổ bản thân để níu kéo chồng hoặc để bản thân lún sâu trong hận thù, đó là sự thiếu công bằng không chỉ với con cái mà với chính người vợ đó. Với Phượng, việc níu kéo khi không còn tiếng nói chung hay hận thù chỉ làm bản thân đau khổ bởi đó cũng là hành vi ngược đãi chính mình.
Một điều đặc biệt ở Phượng là bên cạnh việc chăm chỉ kiếm tiền nuôi con và cố gắng dạy con thành người tốt, cô còn có mong muốn được chia sẻ và giúp đỡ những người mẹ đồng cảnh ngộ về cả vật chất lẫn tinh thần.
Tham gia trong một hội nhóm dành riêng cho các single mom, Phượng được chứng kiến nhiều hoàn cảnh quá khó khăn về vật chất hoặc những người mẹ quá bi lụy vì đau khổ và oán trách chồng dù ly hôn đã lâu. Khi gặp những trường hợp đó, Phượng luôn tìm cách tâm sự, chia sẻ, khuyên nhủ và động viên để họ tránh được những quyết định sai lầm và tiêu cực, đồng thời có cái nhìn lạc quan hơn khi làm mẹ đơn thân.
|
Phượng luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp với gia đình bên nội của con để các con không thiếu thốn tình cảm (ảnh nhân vật cung cấp). |
Trong nhiều hoàn cảnh mình từng động viên và giúp đỡ, Phượng nhớ nhất một cô gái trẻ, sau khi tự sinh con một mình đã giấu gia đình, con ốm phải nằm viện chỉ có một mình chăm sóc, cô gái đó vô cùng mệt mỏi và rất nhớ nhà nhưng không dám về vì sợ bố mẹ không chấp nhận. Phượng đã động viên cô ấy mở lòng nói thật với gia đình và gửi quần áo, đồ dùng cho hai mẹ con. Sau nhiều lần trò chuyện với Phượng, cô ấy đã gọi cho bố nói hết sự thật.
Phượng không thể quên được cảm giác hạnh phúc khi cô ấy gọi cho Phượng giọng tràn ngập niềm vui khoe rằng bố sẽ lên đón con gái và cháu ngoại về nhà. Hiện giờ, mẹ con cô gái trẻ ấy đã có cuộc sống ổn định hơn bên cạnh những người thân yêu. Phượng bảo cô sẽ tiếp tục “truyền lửa” lạc quan đến với những người mẹ đang tuyệt vọng vì vất vả và cô đơn để họ tìm lại được niềm vui sống giống như mình.
Thanh Bình (thực hiện)