Ái ân hay món hàng?

31/01/2016 - 06:29

PNO - Hạnh Dung, với tư cách một người đàn bà, coi khinh những kẻ đem ái ân ra làm nguồn chuyện mua vui, câu giờ, tự đánh bóng bản thân như thế.

Cuối năm, cuốn hồi ký của một nam diễn viên cựu trào làm mưa làm gió trên các diễn đàn, làm xôn xao tâm tư của những người đàn bà lớn tuổi như mình - không phải vì những chuyện tình ái dày đặc trong cuốn hồi ký ấy đâu, mà vì diễn viên ấy với thế hệ của mình đã từng là một thần tượng.

Cuốn sách mỏng viết về một đời người, nhưng đi ngang qua cuộc đời ấy là mấy chục cuộc đời khác, đắng cay, đau khổ, hận thù hoặc lạnh lùng hưởng thụ vô cảm. Người ta có thể, có quyền kể lại chừng ấy chuyện không? Có nên không khi đào bới lại những nỗi đau ngày cũ, người cũ, mà dẫu đã gần trọn đời trôi qua vẫn chưa nguôi ngoai hết trong lòng?

Chợt nghĩ đến những câu chuyện đàn bà, những bức thư đã trải lòng ra tâm sự với Hạnh Dung, mình đã đọc, đã nghe từ những chuyện nhỏ nhặt nhất, đến những chuyện thầm kín nhất, nặng nề nhất. Một ngày nào đó, Hạnh Dung - như một con người bằng xương bằng thịt, có thể, có quyền kể lại hết từng đó câu chuyện không?

Câu trả lời là: không thể. Người ta sống không phải chỉ để yêu thương nhau rồi oán hận nhau, không phải chỉ để qua một thời mặn nồng rồi có quyền kể hết ngọn ngành những yêu thương ân ái mà người khác đã dành cho mình. Người ta sống còn để gìn giữ những bí mật cho nhau, những bí mật không ai có quyền phơi bày tỏ lộ.

Mình từng hiểu ra điều này khi nghe hát “có những niềm riêng một đời câm nín nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi”. Mình còn nhớ một chi tiết của cuốn Tiếng chim hót trong bụi mận gai, người đàn bà trên giường hấp hối, phút lâm chung đã gọi một cái tên xa lạ với mọi thành viên trong gia đình, mà không ai có quyền hỏi nữa bởi cái chết đã đưa bàn tay ngăn lại.

Sức hấp dẫn của tên tuổi, hào quang quá khứ, hay sự tò mò về đời tư của những người nổi tiếng đã lôi cuốn người đọc đến những cuốn sách kiểu cuốn hồi ký “giông bão” này? Hạnh Dung phục câu trả lời của một người đàn bà đẹp nổi tiếng cũng nằm trong danh sách giường chiếu của câu chuyện.

Chị nói: “Quá khứ là một phần của cuộc sống. Tôi trân trọng quá khứ, trân trọng mối tình đã qua và trân trọng cả anh…”. Nhưng Hạnh Dung cũng nghĩ rằng, dù quá khứ đúng là một phần của cuộc sống, nhưng không thể đem những tình yêu cũ, người yêu thương cũ ra thành câu chuyện kể công khai khi tuổi đã xế chiều và danh vọng đã tận, như một kiểu “ăn mày dĩ vãng”.

Ai an hay mon hang?
Ảnh mang tính minh họa

Nếu muốn kể câu chuyện ấy một cách trung thực, phải kể từ cả hai phía. Bản thảo viết xong phải đưa cho người trong câu chuyện đọc trước, nếu người ta thực sự đồng ý, mình mới có thể xuất bản ra thành sách, công bố cho bàn dân thiên hạ xem. Bởi nói gì thì nói, một khi đã cùng chia sẻ với nhau một quãng đường sống, câu chuyện ấy, ái ân ấy, và cả oán hờn ấy nữa, đều thuộc về cả hai người.

Gabriel Garcia Márquez, nhà văn Mỹ Latin, Nobel Văn học năm 1982, từng có một thừa nhận công khai, rất sốc, khi bảo trong từng ấy năm của cuộc đời, ông đã từng ngủ với hơn 150 người đàn bà. Nhưng cuốn tự truyện cuối cùng của ông - Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi mang một phong vị khác.

Khác với cái tên sách trần trụi đến não lòng, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi đượm buồn trong nỗi hoài nhớ khôn nguôi, lung linh hư ảo. Nó mơ hồ không tuổi không tên nhưng đẹp một cách vĩnh hằng.

Đó là bởi nhà văn tôn trọng, yêu thương thực lòng những người đàn bà trong cõi phù sinh này, chạm thấu cái bản chất của những thân phận con người mỏng manh, lệ thuộc và mê muội. Cuốn sách nhỏ ấy nổi tiếng, không phải bởi những người đã từng chia sẻ một thời ân ái với nhau ngày hôm nay lại mang cuộc đời nhau, tên tuổi của nhau, sự yên bình gia thất của nhau ra giữa chợ đời.

Thói thường, kể chuyện chinh phục đàn bà là một thú vui của đàn ông. Cuốn hồi ký của diễn viên kia không phải là cuốn sách duy nhất theo kiểu này. Ngoài chuyện viết ra giấy, in thành sách, mỗi một ngày trong hằng hà sa số những quán nhậu bên đường, có bao nhiêu kẻ vẫn đang “xuất bản miệng” những câu chuyện tương tự.

Hạnh Dung, với tư cách một người đàn bà, coi khinh những kẻ đem ái ân ra làm nguồn chuyện mua vui, câu giờ, tự đánh bóng bản thân như thế. Người lớn tuổi nghe chuyện thì khuyên, khi yêu thương ai đó nổi tiếng nên đề phòng, biết đâu vài chục năm sau này nữa tên tuổi mình lại xuất hiện trong hồi ký của người ta, với những mưa gió bão bùng mà mình không có quyền đính chính.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI