Afghanistan: Người trẻ cố giúp đỡ cộng đồng đang khốn khó

11/03/2022 - 06:45

PNO - Tình trạng thiếu lương thực, đói nghèo… tại Afghanistan ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nhiều người trẻ của đất nước này đã cố gắng hỗ trợ cộng đồng đang trong hoàn cảnh vô cùng khốn khó.

Hơn một nửa dân số cần hỗ trợ 

Afghanistan đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo tệ hại. Khi Mỹ rút quân và Taliban lên nắm quyền kiểm soát vào tháng 8/2021, các khoản viện trợ nước ngoài chiếm đến 3/4 chi tiêu công của đất nước đã bị cắt. Theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP), hiện có gần 9 triệu người dân của nước này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp độ khẩn cấp.

Mirdil Rahmati, chủ một chuỗi tiệm bánh mì ở Kabul, phân phát bánh miễn phí cho người dân ở Khair Khana - ẢNH: NG
Mirdil Rahmati, chủ một chuỗi tiệm bánh mì ở Kabul, phân phát bánh miễn phí cho người dân ở Khair Khana - Ảnh: NG

Tại Kandahar, bác sĩ trẻ Navid Amini chỉ mê kiến thức về y khoa. Nhưng vào một ngày tháng 1/2022, chàng trai 24 tuổi nhận ra rằng chỉ chăm sóc sức khỏe thôi là chưa đủ. Người dân tràn vào bệnh viện công - nơi anh đang làm việc với tư cách bác sĩ nội trú - không chỉ là người bệnh mà còn là người nghèo, đói và tuyệt vọng tìm kiếm sự trợ giúp. Một bệnh nhân là góa phụ có năm đứa con đã khẩn khoản xin Amini giúp tiền, thuốc men và thức ăn. Anh thọc tay vào túi và đưa cho người phụ nữ một ít tiền mặt. Nhưng rồi sau góa phụ này lại thêm nhiều bệnh nhân khác xin trợ giúp nữa…

Đêm đó, Navid Amini trằn trọc với câu hỏi còn bao nhiêu gia đình Afghanistan khác ngoài kia đang cần sự giúp đỡ? “Tôi đang cố nhớ lại khoảng thời gian nào mà người dân Afghanistan thực sự hạnh phúc và tôi gần như không thể tìm được dẫn chứng nào”, anh đau lòng nói.

Một người bạn của Navid Amini là Mohammad Kabir Hotaki, chuyên đứng bếp phục vụ tiệc cưới, nhưng bây giờ đã chuyển sang nhận đơn đặt hàng từ các tổ chức phi chính phủ nhằm cung cấp bữa ăn cho các gia đình nghèo.

Ngoài giờ làm ở bệnh viện, Navid Amini cùng bạn bè phụ đóng gói các hộp gà hầm, bánh mì và trái cây vào túi nhựa cho công tác này. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cho biết, hơn một triệu trẻ em Afghanistan dưới năm tuổi thiếu ăn đến mức suy dinh dưỡng nặng. Cứ ba trẻ gái vị thành niên thì có một em bị thiếu máu. Hơn một nửa dân số Afghanistan, tương đương 24 triệu người, đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Người trẻ nỗ lực vì cộng đồng 

Trong lúc cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm những giải pháp giúp đỡ người dân Afghanistan, những người trẻ tuổi như Amini lại nhận ra rằng họ không thể tiếp tục trông chờ vào viện trợ nước ngoài nữa. Họ phải cố gắng tự giải quyết các vấn đề để giúp cộng đồng của mình vượt qua thời điểm cực kỳ khó khăn này. Và phong trào phân phát quần áo cho các gia đình nghèo khó đã diễn ra ở tỉnh Badakhshan phía bắc. Những nhóm khác tổ chức các lớp học “chui” cho nữ sinh bị buộc nghỉ học ở thủ đô. Một nhóm bạn trẻ cũng đang vận hành một tiệm bánh khẩn cấp ở tỉnh Bamiyan ở cao nguyên miền Trung…

Bác sĩ Amini thì bắt đầu làm công việc hỗ trợ nhân đạo với Learn Afghanistan - một tổ chức phi chính phủ địa phương - chuyên hỗ trợ khẩn cấp khi nhu cầu của người khó khăn ngày càng gia tăng. Gần đây, không chỉ phụ gói thức ăn, bác sĩ này còn mang những bữa ăn nóng hổi hằng tuần cho 50 bệnh nhân ở một bệnh viện công khác. Đồng thời, cứ ba tuần một lần, anh tham gia phân phát những gói thực phẩm thiết yếu khắp thành phố Kandahar. Khi mới thành lập cách đây ba năm, Learn Afghanistan tập trung phát triển công cụ số cho việc học tại nhà. Nhưng từ tháng 9/2021, những người trẻ đã chuyển sang phân phối thức ăn, thực phẩm vì nhu cầu này cần thiết hơn. 

Trong phòng khám của mình, bác sĩ Rafiullah Fazli chỉ vào một biểu đồ trên tường và cho biết, cách đây một năm, trung bình mỗi tháng anh tiếp nhận khoảng 500 lượt bệnh nhân. Bây giờ, con số đó là 1.500 người. “80% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh lý khác liên quan đến đói, tình trạng mất vệ sinh trong khi một năm trước chỉ có 50%. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng bị suy dinh dưỡng. Thuốc men ngày càng đắt đỏ”, bác sĩ 28 tuổi nói. Anh và các nhân viên khác đã ba tháng không nhận lương, không nghỉ trưa, tất cả để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các bệnh nhân. 

 Nam Anh (theo WFP, National Geographic)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI