ADB nhận định Đông Nam Á sẵn sàng hồi phục sau đại dịch

16/03/2022 - 12:34

PNO - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khuyến khích chính phủ các nước Đông Nam Á đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng đổi mới công nghệ để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy 4,7 triệu người Đông Nam Á rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021 bởi vì 9,3 triệu việc làm đã biến mất so với kịch bản tăng trưởng không có COVID-19, theo một báo cáo mới của ADB.

Báo cáo “Đông Nam Á trỗi dậy từ đại dịch” (tên gốc: Southeast Asia Rising from the Pandemic) được trình bày tại Hội nghị chuyên đề phát triển Đông Nam Á (hội nghị trực tuyến diễn ra vào hai ngày 16 và 17/3). 

Bìa của báo cáo mới nhất của ADB
Bìa của báo cáo mới nhất của ADB

Báo cáo nhận định: làn sóng Omicron có thể làm tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á giảm tới 0,8 điểm phần trăm trong năm nay, và sản lượng kinh tế của khu vực năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 10% so với kịch bản không có COVID-19. Những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm lao động phổ thông, lao động trong khu vực bán lẻ và kinh tế phi chính thức, các doanh nghiệp nhỏ chưa ứng dụng kinh tế số.

Ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB, cho biết: “Đại dịch đã làm tình trạng thất nghiệp lan rộng, bất bình đẳng càng trầm trọng và tỷ lệ nghèo tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở Đông Nam Á. ADB sẽ tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách trong quá trình họ nỗ lực tái thiết, cải thiện hệ thống y tế quốc gia và hợp lý hóa các quy định trong nước để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. ADB khuyến khích chính phủ các nước Đông Nam Á đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng đổi mới công nghệ để phục hồi tăng trưởng kinh tế”.

Hai năm sau khi đại dịch bùng phát, báo cáo cho thấy triển vọng tăng trưởng sáng hơn đối với các nền kinh tế có khả năng ứng dụng công nghệ rộng rãi, xuất khẩu hàng hóa được duy trì hoặc có nhiều tài nguyên thiên nhiên.

Báo cáo cũng ghi nhận phục hồi kinh tế trên toàn khu vực, và hầu hết các nước Đông Nam Á ghi nhận khách hàng đến với bán lẻ và giải trí tăng 161% trong giai đoạn hai năm (tính tới ngày 16/2/2022). Dù vậy, Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) vẫn phải đối mặt với những thách thức toàn cầu, bao gồm sự xuất hiện của các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới, nguồn vốn toàn cầu thắt chặt, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá hàng hóa tăng và lạm phát cao. 

Hội nghị chuyên đề phát triển Đông Nam Á ngày 16-17/3 quy tụ lãnh đạo từ các chính phủ, các nhà khoa học, lĩnh vực công nghiệp và các lĩnh vực khác để đưa ra những giải pháp cho các vấn đề phát triển then chốt như biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ.

Chủ đề cho năm nay là: “Các giải pháp bền vững cho công cuộc phục hồi của Đông Nam Á” và hội nghị trực tuyến có khoảng 5.000 đại biểu tham dự.

Với 59% dân số Đông Nam Á đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 21/2/2022, ADB muốn các nước trong khu vực phân bổ thêm nguồn lực để giúp các hệ thống y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc, cải thiện giám sát dịch bệnh và ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Đầu tư cho y tế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng cường tham gia lao động và năng suất.

Ví dụ: tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á có thể tăng 1,5 điểm phần trăm nếu chi tiêu cho y tế trong khu vực đạt khoảng 5% GDP, so với mức 3% vào năm 2021, theo nhận định của báo cáo.

ADB khuyến nghị các quốc gia theo đuổi cải cách cơ cấu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh và năng suất. Những giải pháp có thể là tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh; giảm thiểu rào cản thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ áp dụng công nghệ mới; tiếp tục đào tạo thêm cho người lao động và chuyển đổi việc làm giữa các lĩnh vực. Các chính phủ cần duy trì sự thận trọng về tài khóa để giảm thâm hụt và nợ công, đồng thời hiện đại hóa công tác quản lý thuế để nâng cao hiệu quả của công tác thuế.

Tường Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI