Adam cũng khoái đẹp như Eva?

24/04/2016 - 10:17

PNO - Nghĩ cho cùng, một khi người đàn ông đã có ý thức làm đẹp thì có lợi cho ai? Xin thưa, người được lợi trước nhất chính là… phụ nữ.

“Ăn theo thuở, ở theo thời”. Cái đẹp trong quan niệm chung, theo thời gian luôn có sự thay đổi. Hình ảnh “men” nhất của đấng mày râu xưa có thể nhìn thấy qua thành ngữ: “Tóc củ hành, đàn anh thiên hạ”. Tóc phải búi tó củ hành mới là đẹp trai, oai phong, khiến đàn bà, con gái mê tít.

Lại xin giới thiệu thêm vài hình ảnh về cách ăn mặc của một thời. Với “yểu điệu thục nữ” sau khi đã lập gia đình thì: “Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc”.

Còn đàn ông thì sao? Hãy nghe nhà thơ Yên Đỗ miêu tả: “Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm?”. Dấu tích của một thời ấy hiện rõ nét trong câu đối khóc vợ, nay đọc lại, có thể nhiều người không thể hình dung nổi. Những “thời trang” đó, giờ chỉ có thể tìm thấy trong… viện bảo tàng.

Đàn ông bây giờ khác lắm rồi!

Đàn ông người Việt thời nào cũng khoái rượu. Xưa cũng thế, nay cũng thể. Bằng chứng là mới đây thôi, một tổ chức quốc tế đã thống kê người Việt “ngốn” hết ba tỷ lít bia một năm, nghe phát khiếp. Tuy nhiên, đã xuất hiện một lớp người mới, không thèm hoặc rất hạn chế bia bọt, chẳng phải vì sợ tốn kém hay vợ cằn nhằn mà vì mục tiêu... làm đẹp.

Ơ hay, lâu nay cứ tưởng chỉ có phụ nữ mới có nhu cầu mãnh liệt chuyện “mặt hoa, da phấn”, chẳng lẽ đàn ông cũng vậy à? Vâng, các vị như Chí Phèo, anh Pha, kép Tư Bền, thầy giáo Thứ, lão Hạc thời nay… gần như ai cũng có nhu cầu đó. Đơn giản chỉ vì trong giao tiếp, muốn tìm được việc làm, muốn tạo thiện cảm với người đối diện thì ít ra hình thức bề ngoài cũng đóng vai trò không nhỏ. Thậm chí rất quan trọng.

Adam cung khoai dep nhu Eva?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Anh bạn tôi là giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản, khi tuyển nhân viên, anh cho biết trước hết phải nhắm đến vóc dáng, chiều cao, cân nặng… của người đến xin việc. Một người dù tốt nghiệp đại học, nói tiếng Anh như gió nhưng ăn mặc lùi xùi, tóc tai như tổ quạ, quần áo bốc mùi, thì khi tiếp xúc với khách hàng liệu có ma nào dám tin? Rõ ràng, vì sự tiến thân, vì muốn thành công trong công việc, nhiều đấ ng nam nhi ngày càng ý thức phải biết làm đẹp nhiều hơn trước.

Cứ quan sát giới văn nghệ sĩ thì rõ. Trong quan niệm về cái đẹp nam tính ngày trước thì cứ để râu ria mọc loạn xạ như cỏ dại trên mặt; tóc tai ra sao cũng kệ, thậm chí nhiều ngày không gội đầu cũng chẳng sao; quần áo thì xốc xếch, nhàu nhĩ; miệng phì phà thuốc lá như khói xe lửa... Có thế mới là văn nghệ sĩ thứ thiệt!

Nhưng, đàn ông bây giờ khác lắm rồi!

Nhiều bạn bè của tôi đều lo chưng diện khi bước ra đường. Áo quần không chỉ thẳng thớm mà còn phải là hàng hiệu, cơ thể phải thoang thoảng mùi nước hoa cho quyến rũ. “Dao kéo” họ cũng không từ nếu cần phải sử dụng để điều chỉnh nhược điểm nào đó trên gương mặt.

Một anh bạn khác của tôi là văn nghệ sĩ kiêm doanh nhân thành đạt, nhà cao cửa rộng, tiền bạc rủng rẻng, nhưng tìm kiếm người bạn đời sao mà khó khăn quá. Nguyên do, trên gương mặt anh, ngay phía dưới sóng mũi là cái nốt ruồi to như đầu đũa. Nhiều cô cũng thích sự giàu có của anh, nhưng khi anh đặt vấn đề nghiêm túc là họ “bỏ của chạy lấy người”. Hóa ra, cứ như lời phán của mấy gã thầy bói gà mờ, là anh có “nốt ruồi trích lệ”. Cho nên, chẳng rõ do tin thầy bói hay soi gương thấy nó chẳng đẹp chút tẹo nào, anh vào thẩm mỹ viện cắt phéng cho lành.

Đừng tưởng chỉ có phụ nữ mới cần vào spa, massage, xông hơi... Đàn ông cũng cần lắm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI