Có đến 42% nam giới cho biết họ cảm thấy áp lực lớn nhất là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Trụ cột dĩ nhiên sẽ cần mọi phương diện phải "khỏe mạnh", từ công việc, ví tiền, sức khỏe đến phẩm chất...
Áp lực, trách nhiệm đang khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vẫn được xem như đặc quyền của phái yếu, buộc người thuộc phái mạnh phải thật mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.
Báo Phụ Nữ mở diễn đàn "Áp lực đàn ông phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất ẩn giấu bên trong các quý ông, cũng là để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông hơn, sẻ chia hơn với người đàn ông đầy lo toan đang ở cạnh mình.
Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gởi về email tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn
|
Nhân vật Don Vito Corleone của Mario Puzo trong tác phẩm Bố già có nhiều lời thoại để đời. Câu nói mà kẻ đàn ông-của-mọi đàn ông này đã “thiêu đốt” người hâm mộ: “Mày có dành thời gian cho gia đình không? Tốt. Bởi vì một thằng không biết lo cho gia đình của mình thì không phải là thằng đàn ông thực thụ”.
Người kế tục gia đình Corleone về sau - “bố già” Michael - vẫn giữ nguyên tắc sống đó để đương đầu với bao thử thách và áp lực, có khi đến từ chính người thân trong nhà.
Lo cho gia đình
Áp lực mọi thời đại, với đàn ông, rõ ràng cũng đến từ đòi hỏi căn bản đó, phải “lo cho gia đình”.
Một khảo sát của Tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần CALM (Anh quốc) về những khủng hoảng ở nam giới hiện đại cho thấy, với những người đàn ông đang phấn đấu cho cuộc sống hôn nhân và sự nghiệp, họ lại rất ít bị áp lực về khả năng tình dục hay cái nhu cầu đẹp mã hoặc lãng mạn mà phụ nữ thường nghĩ và tìm kiếm.
Mất việc
Có đến 42% nam giới cho biết, họ vẫn cảm thấy áp lực lớn nhất đó là người trụ cột trong gia đình, so với chỉ 13% nữ giới nghĩ như thế. Từ đó, có thể hiểu tại sao cứ 10 đấng mày râu thì đã có đến ba người tin rằng, họ sẽ “kém đàn ông” hơn trong mắt đối tác nếu bị mất việc. Thực tế cũng chứng minh tỷ lệ gặp phải rủi ro này ở nam cao hơn với 54% mất việc làm, so với 35% ở nữ. Chưa kể, 25% đàn ông mất việc nhiều lần, so với phụ nữ chỉ 10%.
|
Ảnh minh họa |
Dành thời gian bên con
Nếu như kỳ vọng là “trụ cột” không thay đổi gì so với hàng thế kỷ trước, thì đàn ông ngày nay còn bị “cân bằng” trách nhiệm phải san sẻ vai trò truyền thống của phụ nữ trong việc chăm sóc con cái, tề gia nội trợ… Áp lực dành thời gian bên con đến với nam giới như một giấc mộng thật sự.
Bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp khác cảm thấy luôn bị dằn vặt bởi thời gian chơi với con hằng ngày chủ yếu chỉ là vài phút trước giờ chúng đi ngủ. Mọi sắp xếp dẫn bọn trẻ đi chơi vào cuối tuần lại thường là những kế hoạch bị… đổ vỡ, bởi những sự kiện đột xuất trong công việc của người lớn. Càng áp lực hơn khi thỉnh thoảng đọc phải những mẩu tin từ nguồn nghiên cứu của nước ngoài, đại loại “trẻ được chơi với bố nhiều sẽ thông minh hơn”…
Áp lực bị so sánh
Chúng ta vẫn nghe nói rằng, phụ nữ là nạn nhân của áp lực truyền thông. Từ các quảng cáo trên truyền hình, ảnh bìa tạp chí, pa-nô ngoài trời… trình bày những “siêu hình mẫu” mà phụ nữ có cảm giác họ sống và đẹp theo như thế. Không ít phụ nữ cảm thấy ngộp thở bởi vấn đề khó chịu này. Tuy nhiên, áp lực bị so sánh đối với đàn ông còn bi đát hơn. “Anh thấy chồng người ta không…” - đó là câu cửa miệng mà người vợ vẫn rất hay sử dụng trong những cuộc khủng hoảng hôn nhân.
Những cô nàng siêu mẫu, “quả bom sex”… có thể đeo đẳng phụ nữ cả đời, thế nhưng, các biểu tượng siêu anh hùng Superman, Batman, Transformer… chỉ có ý nghĩa với đàn ông ở tuổi ấu thơ. Tổn thương khi bị so sánh về việc kiếm tiền, công danh, sự nghiệp đối với đàn ông trưởng thành chắc chắn khủng khiếp hơn việc gặp phải “vấn đề” liên quan đến sinh lý.
Sự hung hãn và tàn bạo quy định tính đầu đàn của sư tử đực lắm lúc phải ướt sũng nước mắt khi nàng giận dữ thốt ra: “Có giỏi thì làm giám đốc như người ta rồi hẵng lên mặt…”. Chúng ta sẽ thông cảm dường nào khi nhân vật Michael trong tác phẩm Bố già bị vợ kinh tởm bởi những việc làm trong thế giới ngầm, dù mục đích là để bảo vệ gia đình. Cô cũng có chung sự so sánh những việc làm tày đình của “bố già” trẻ với những người đàn ông có hoàn cảnh và sự nghiệp mẫu mực khác.
|
Ảnh minh họa |
Quan điểm giáo dục con cái
Trở lại vấn đề nuôi con, đàn ông cũng thường trực lo lắng sự trái nghịch với vợ và thậm chí cả xã hội, trong quan điểm giáo dục con cái. Nhiều, rất nhiều tình huống, vợ thấy điều đó với con là quan trọng, nhưng ngược lại chồng thì không nghĩ thế.
Tôi từng đắn đo khôn nguôi, rằng trước một thực tế xã hội quá nhiễu nhương, liệu việc dạy con những điều tử tế căn bản phải như thế nào? Phải chăng cứ 100% theo các cụ ngày xưa “ở hiền gặp lành”? Hay là nên vận dụng những nghiên cứu của phương Tây về các nguyên tắc thực hành đạo đức. Ví dụ, Tây họ đưa ra tình huống trái khoáy hơn ta nhiều: giữa hai cái xấu, chọn cái nào? Vợ tôi chắc chắn sẽ bảo rằng, chả chọn cái nào cho nó “quân tử thẳng mực Tàu”. Thế nhưng, tôi bắt chước người Âu, sẽ dạy con, giữa hai cái xấu, chọn cái ít xấu hơn.
Áp lực đối với đàn ông còn nhiều. Và trong thì hiện tại hay quá khứ, áp lực nào cũng vẫn tạo cho bọn họ hình dáng của cái lò xo. Càng nén bao nhiêu, nó sẽ tự động tạo lực đẩy ngược lại bấy nhiêu để trở về trạng thái ban đầu.
Và khác với phụ nữ có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ từ việc tâm sự với bạn bè, hơn phân nửa đàn ông được khảo sát cho biết, họ đã đối mặt với xung đột gia đình và công việc chỉ một mình, trong mọi hình thức trầm cảm. Người đàn ông ý thức “chịu trách nhiệm” bởi cảm xúc của kẻ mạnh trong mọi cuộc khủng hoảng.
Điều đó là sự thật. Bởi thế, ngay cả ngày Quốc tế đàn ông (19/11) hằng năm, có mấy ai biết là ngày nào, ngay cả chính bọn đàn ông. Bởi đàn ông có một áp lực rằng, chính anh ta phải đối phó, cũng như ngăn chặn các vấn đề của chính mình. Không ai khác nữa cả!
Quốc Ngọc