Ác mộng ly thân

20/04/2021 - 05:46

PNO - Gần đây, chồng em thường tranh thủ lúc 2 - 4 giờ chiều để tới nhà quậy phá, kiếm chuyện đánh đập hoặc lôi em lên giường.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Vợ chồng em rạn nứt tình cảm đã hơn hai năm và đang ly thân. Chồng em có tật rượu chè, không quan tâm gia đình, mỗi lần rượu vào anh ta biến thành con người khác, hung dữ, cộc cằn. Lấy nhau hơn một năm, em bắt đầu nếm trải những trận đòn khi chồng say xỉn. 

Thời gian có bầu, em xin mẹ chồng cho về ở chung với mẹ, vì em sợ những buổi tối chồng đi nhậu về đánh đập, ảnh hưởng đến thai. Nhưng khi con cứng cáp, em phải quay về nhà mình.

Ba mẹ chồng khuyên răn chồng em rất nhiều, ông bà cũng thường xuyên qua lại nhà em để coi chừng. Ông bà còn dọa nếu ảnh không chừa tật nhậu sẽ lấy lại nhà. Nhưng chồng em chỉ bớt nhậu một thời gian, rồi lại đâu vào đó.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chịu đựng nổi, em viết đơn ly hôn. Mẹ chồng thuyết phục em ly thân một thời gian, đưa chồng em về sống bên nhà cha mẹ để cha mẹ kèm cặp và điều trị y tế để dứt bệnh nghiện rượu. Sau hai năm, nếu anh ta vẫn không thay đổi, em được quyền ly hôn, lúc đó ông bà sẽ cho mẹ con em giữ căn nhà để sống. 

Em đã thực hiện cách này. Nhưng gần đây, chồng em thường tranh thủ lúc 2 - 4 giờ chiều để tới nhà quậy phá, kiếm chuyện đánh đập hoặc lôi em lên giường. Anh ta biết rõ giờ đó khu chung cư em ở vắng người, có ồn ào cũng không ai can thiệp.

Trước mặt người ngoài, anh ta vẫn là chồng, là cha của con em, không ai có quyền ngăn anh ta vào nhà. Hồi trước, anh ta có rượu vào mới đánh vợ, nhưng bây giờ không cần rượu anh ta cũng nổi cơn hung bạo.

Em thấy cuộc sống như trong ác mộng, ngày nào cũng vậy, cứ tới giờ đó là em nơm nớp sợ hãi, nhiều bữa phải trốn sang nhà bạn bè hay đi khỏi nhà. Nghĩ tới cơn ác mộng này kéo dài hơn một năm nữa mà em hãi hùng… Em nên làm thế nào bây giờ?

Thu Yến (TP.HCM)

Em Thu Yến thân mến, 

Thực tế cho thấy em đang trong tình trạng nguy hiểm, có thể bị bạo hành, bị tổn thương nghiêm trọng.

Vì vậy, em nên xem lại thời hạn hai năm. Nếu thật sự phải đánh đổi để lấy một thứ gì đó, ví dụ căn nhà chẳng hạn, em nên nói chuyện với ba má chồng, ba má phải biết chuyện em bị bạo hành. Ông bà phải quy định trong thời gian hai năm này chồng em tuyệt đối không được qua lại nhà em, không được hành hạ, đánh đập em. 

Để đảm bảo an toàn cho mình, em cần các biện pháp an ninh: ít nhất cũng là thay khóa mới, thay cửa ra vào an toàn vững chắc, tìm thêm một người thân ở cùng nhà… Em cần hết sức cẩn thận. Các biện pháp này chỉ đảm bảo an toàn ở mức độ nào đó thôi, nhưng nếu cứ giữ tình trạng hiện nay, có thể mẹ con em cũng chẳng lành lặn trước khi thời hạn kia kết thúc. 

Ly thân là để cả hai nhìn nhận lại tình cảm của mình, điều chỉnh bản thân để xem có thể nối lại quan hệ hôn nhân sau một thời gian tạm ngưng hay không.

Nếu chồng em hành xử như trên, cũng khó mà kỳ vọng vào việc anh ấy sẽ thay đổi. Vậy nên, thời gian ly thân này kéo dài xem ra không ý nghĩa gì. Em nên dứt khoát. Mình càng lần lữa, rủi ro càng lớn.

Ngoài việc chịu đựng bạo hành về thể xác và tinh thần, mất mát khác của em là tuổi thanh xuân, cơ hội tìm kiếm hạnh phúc thực sự. Chẳng tiền bạc nào bù lại được đâu em. 

Càng sống lâu trong cảnh bị khủng bố tinh thần, bị bạo hành thể xác, mình càng héo hắt đi vì sợ hãi. Đến lúc nào đó, em chẳng còn sức để mà vui tươi, hạnh phúc, những mối đe dọa ám ảnh đã hút cạn niềm vui sống. Chúc em mạnh mẽ để giải phóng mình khỏi cuộc hôn nhân, cũng là để thoát khỏi cơn ác mộng mỗi ngày. 

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI