Ác mộng đã kết thúc

05/04/2018 - 09:00

PNO - 'Ông bà già bảo, tại tao làm sao nên nó mới thế, ngày ấy nó ngoan hiền là vậy. Ông bà dọa, nếu ly dị là ông bà chết cho xem. Nói thì phũ miệng, chẳng nhẽ lại mong ông bà chết để tao được tự do?'

Thời trẻ, anh Duy là thủy thủ tàu viễn dương, năm về một lần và mang về “một đống tiền” khiến làng trên xóm dưới lác mắt. Nhà anh là nhà đầu tiên trong làng có xa lông, có đệm cao su, có tủ lạnh và xe máy và… đủ thứ. Người ta ghen tị với nhà anh, lại cả ghen tị với nhà chị Hà. Ơ, chị Hà thì liên quan gì?

Chị Hà là bạn học của anh Duy từ thời bé tí, hai nhà cách nhau non cây số, trong lúc anh lênh đênh thì chị Hà là giáo viên mầm non thường sáng chiều lui tới nhà anh thăm nom, chăm sóc bố mẹ anh. Người ta khen chị tháo vát, đảm đang, đến con dâu đã cưới vào cửa cũng chẳng ngoan được như thế. Bố mẹ anh vui khỏi nói, nên đến gần năm thứ tư đời thủy thủ, anh nhận điện nhà, nói cuối năm về cưới vợ.

Cưới ai? Anh trợn mắt, mẹ anh còn mắng yêu: “Cha bố anh, để cho con gái người ta đợi đến bao giờ?”. Anh ngơ ngác trong khi mẹ anh chốt hạ: “Tôi là tôi chọn rồi, anh cứ liều liệu đúng ngày mà về!”. Quả thật, ngày anh về cũng là ngày anh phải mặc áo chú rể, tất cả đã xong xuôi đâu đấy từ trong ra ngoài, chuyện thật mà cứ như chuyện phim ở thế kỷ hai mốt. Nhìn bố mẹ rạng rỡ, nhìn họ mạc vui vẻ, anh đành nhắm mắt xỏ tay vào cái áo sơ mi trắng toát, đon đả đi mời rượu. Chiều muộn, khi khách đã vãn chỉ còn người nhà, mọi người mới phát hiện chủ rể… mất tích.

Anh bỏ đi ngay chiều ấy, anh tụ tập đám bạn cũ, thở ra: “Tao bị bẫy!”, đám bạn vỗ vai thông cảm, vì ai còn lạ gì cô bạn học tên Hà ngày xưa. Tội anh, chưa yêu ngày nào đã thành trai có vợ.

Ac mong da ket thuc
Ảnh minh họa

Anh đi biệt hai năm, cuối cùng phải về vì mẹ ốm nặng. Khi ấy anh mới nói chuyện với vợ, nói chị cứ yên tâm ở lại nhà, anh đi mấy năm nữa kiếm ít vốn rồi lên bờ luôn. Chị không chịu, nói anh là con cả, ông bà thèm cháu lắm rồi. Và anh đi đâu chị theo đó, ngay công việc ở nhà trẻ, cái nghề mà chị lấy làm tự hào là nó nhàn nhã và có học, chị cũng “bán” cho cô em họ. Người ta khen anh có phước mới lấy được người vợ như chị Hà.

Từ ngày chị ở cùng, anh thường về nhà sau mười một giờ đêm, lý do chị luôn hạch hỏi anh những chuyện khi anh đi xa, bóng gió khi bạn bè chồng tới chơi, mà bạn bè chồng là ai, cũng là bạn bè chị chứ đâu, nhưng chị không chút vui vẻ vì “bạn gì chỉ giỏi vác mồm đến ăn”. Mùng một Tết, cả họ đang ngồi chơi, có người nhìn thằng con hai tuổi của anh chị, đùa: “Thằng bé phơi nắng đen thui!”, anh cười: “Nó đen giống mẹ nó!”, chị đang ngồi chiếu bên với các bà các cô, ngoái đầu sang: “Nó giống họ nội nhà nó chứ họ ngoại làm gì đen giống vậy?”.

Khỏi nói cũng biết, tối ấy, bất kể là mùng một Tết, bất kể là hai vợ chồng đang ở trong buồng cách âm rất kém, chị bị anh đánh cho một trận đến nỗi những ngày Tết còn lại chị không ra khỏi cửa buồng. Trận đòn khi chị mát mẻ đám bạn chồng có nhẹ hơn, chỉ nằm ba ngày. Anh cay đắng: “Ông bà già bảo, tại tao làm sao nên nó mới thế, chứ ngày ấy nó ngoan hiền là vậy. Ông bà còn dọa, nếu ly dị là ông bà chết cho xem, sống mà xấu hổ thì sống làm sao? Nói thì phũ miệng, chẳng nhẽ lại mong ông bà chết để tao được tự do?”.

Chị cười nhạt: “Tại sao phải ly hôn? Tao đã mất cả tuổi xuân vì nó, giờ nghề nghiệp không có, một nách hai con thì sống sao? Nó phải trả giá cho mọi chuyện!” và chị kể “tội” của anh Duy là dám bỏ đi khi đám cưới chưa kết thúc, dám trốn suốt hai năm trời, nếu bà mẹ không giả ốm lừa anh thì biết khi nào anh mới vác mặt về? Nhưng chị lại bỏ qua “cái bẫy” chị giăng ra chờ anh, nói ngày ấy chị là cô giáo, một nghề “ngon” ở làng, để ý đến anh là phúc cho anh, còn dám… từ chối.

Ac mong da ket thuc
Ảnh minh họa: Internet

Và vợ chồng ấy vẫn sống dưới một mái nhà, chi tiêu trong nhà được phân chia rõ ràng, chị lo tiền ăn hàng ngày, còn lại phần anh. Anh nấu cơm, rửa bát thì chị quét, lau nhà, nay anh tắm con thì mai chị tắm, có thời khóa biểu chia việc rõ ràng. Anh có mấy đứa cháu ngoài quê vào học, tính ở nhờ cậu mợ, nhưng chị thẳng tay “bứng” ngay, anh có đi đâu với bạn với bè chứ đừng nghĩ đến chuyện rủ ai về nhà. Anh cũng chẳng dại mời bạn về, mất công mang nhục. Mang tiếng là nhà nhưng anh chỉ về khi cần tắm rửa thay quần áo, về sau khi sắm ô tô, anh luôn để trong cốp xe cái vali có đầy đủ áo quần, ngủ thì vào khách sạn. Hỏi anh, anh nói "nó muốn làm vợ, làm bà chủ thì kệ cho nó toại nguyện!"

Lâu lâu, người ta lại thấy gò má chị tím bầm, cánh tay hay má anh rách vài đường. Bạn bè chỉ biết thở dài vì chăn ai rận nấy, người trong cuộc không tự bứt phá giải thoát thì người ngoài giúp làm sao? Oái oăm là bạn bè có khuyên can buổi chiều thì buổi tối vợ chồng nhà ấy lại…so găng vì tội dám mang chuyện nhà đi nói với người ngoài.

Ac mong da ket thuc
Ảnh minh họa: Internet

Rồi có người bạn cũ về thăm quê, đến thăm các cụ, không biết anh bạn ấy nói gì mà ngay hôm sau bố mẹ hai nhà, toàn ông bà cụ bảy mấy tám mươi tức tốc bay vào với một lý do là cầu xin con mình “thôi” nhau. “Tưởng sống sao chứ sống thế này khổ quá, những mái đầu bạc quỳ sụp xuống cầu xin chúng mày hoặc thôi ngay, hoặc bố mẹ chết tại đây…”

Việc cũng khá lâu, nghe nói hai người họ đã đường ai nấy bước, con mỗi người nuôi một đứa. Chưa ai đi bước nữa, có lẽ vì họ đã mất lòng tin vào hôn nhân, cũng có lẽ họ đã quá ngán sợ cuộc sống gia đình. Bởi những ngày họ sống cạnh nhau, đã không có tình yêu làm nền móng, lại mang theo sự thù hằn, trả đũa nên không phải để cùng vun đắp mà là để hành hạ, hơn thua và tra tấn nhau.

Thật may, tất cả đã kết thúc, như một cơn ác mộng.

Nguyễn Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI