Áo phao ở vùng lũ không thiếu, TPHCM lại “cháy” hàng

21/10/2020 - 08:10

PNO - Tại TPHCM, áo phao cứu sinh tại nhiều điểm bán “cháy” hàng, nhiều nơi giá tăng vọt do được nhiều đơn vị, nhóm từ thiện săn tìm để phục vụ hoạt động cứu trợ người dân vùng lũ miền Trung. Trong khi đó, tại các tỉnh đang có lũ, áo phao lại không hiếm.

TPHCM “cháy” áo phao

Chị Thanh Hằng - ở Q.3, TPHCM, cộng tác viên từ thiện của một doanh nghiệp - cho hay, trong ngày 19/10, chị và nhóm từ thiện đã lùng sục khắp nơi để tìm mua các loại áo phao với số lượng lớn, nhưng các mối bán có giá cả hợp lý đều hết hàng. Những nơi còn hàng thì giá rất cao, chủ yếu là hàng nhập, giá từ 200.000 - 500.000 đồng/chiếc (cỡ người lớn).

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, áo phao rất dễ mua, không bị đội giá
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, áo phao rất dễ mua, không bị đội giá

Theo ghi nhận của chúng tôi, áo phao cứu sinh loại thông thường do trong nước sản xuất có giá bán lẻ từ 30.000 - 85.000 đồng/chiếc, áo phao nhập khẩu có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá từ 150.000 - 500.000 đồng/chiếc. Phần lớn áo nhập có xuất xứ từ Trung Quốc. Đa số các đơn vị sản xuất, cung cấp áo phao hiện tại đều thông báo tạm hết hàng, hẹn có hàng trong 1-2 tuần tới do nhiều đơn vị, tổ chức từ thiện gom mua ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung.

Tìm đến kho cung cấp áo phao cứu sinh của Công ty Sang Hà trong khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Phú, TPHCM), chúng tôi được đại diện doanh nghiệp này cho biết, ngoài loại phao bơi tròn, các loại áo phao cứu sinh đã hết trong toàn hệ thống công ty do khách gom hàng từ nhiều ngày nay. Đợt hàng mới nhất là 1.000 chiếc nhưng cũng không đủ giao cho khách. Công ty chưa xác định được thời điểm có hàng trở lại. Theo vị này, trước đây, công ty chủ yếu cung cấp áo phao cho các hồ bơi, các bến thuyền, đò, nhưng những ngày lũ lụt xảy ra ở miền Trung, các đơn vị đồng loạt tìm mua với số lượng lớn, hàng không đủ cung ứng nên công ty đã từ chối rất nhiều đơn hàng. 

Bà Trần Thị Chúc Ly - đại diện Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại hàng hải Mari (Marico) - cho hay do số đơn đặt hàng lớn nên áo phao xuất xứ trong nước của công ty đã hết hàng và không nhận thêm đơn đặt hàng: “Hiện công ty chỉ còn áo phao cứu sinh nhập khẩu. Công ty Marico vẫn bán hàng nhập khẩu này với mức giá vốn, số lượng cũng có hạn”.

Vùng lũ không hiếm hàng, giá ổn định

Có mặt tại các tỉnh miền Trung đang bị lũ, chúng tôi ghi nhận, có hàng trăm đoàn cứu trợ đến. Ngoài các mặt hàng thiết yếu như mì tôm, gạo, muối, chúng tôi ghi nhận, rất nhiều nhà hảo tâm chở áo phao đến tương trợ đồng bào vùng lũ. Tuy nhiên, từ Huế đến Quảng Trị, rất nhiều chợ, cửa hàng đều bày bán các loại áo phao, dép rọ, áo mưa - là các vật dụng phổ biến trong mùa mưa lũ.

Chị Nguyễn Thị Duyên - chủ một quầy tạp hóa bán áo mũ ở chợ Tứ Hạ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - cho biết: “Mưa lũ nên chúng tôi nhập các loại áo phao, mũ nhựa, dép rọ về để bán. Giá nhập sỉ, giá bán lẻ đều không biến động do các quầy hàng đều nhập đủ dù người dân mua nhiều”. Cửa hàng của chị Duyên đang bày bán hàng trăm bộ áo phao các loại. Khách mua áo phao hiện giờ chủ yếu là diện vãng lai. Một đôi dép rọ ở cửa hàng chị Duyên có giá 30.000 đồng, còn áo phao có giá trung bình 50.000 đồng/chiếc.

Chiều 20/10, mưa tiếp tục phủ khắp các tỉnh miền Trung, nước lũ vẫn chưa rút nhiều. Trên các ngả đường về vùng lũ, những chuyến xe thiện nguyện vẫn miệt mài đi, về. Nhiều chuyến xe chất đầy áo phao chở từ TP.HCM hoặc các tỉnh, thành khác đến.

Anh Nguyễn Văn Manh - ở H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - tâm sự: “Năm nay, mưa lũ kéo dài, thiệt hại không đong đếm được. Phần lớn người dân ở vùng ngập lũ bây giờ rất cần nước sạch, thuốc men, thực phẩm như mì tôm, gạo, nước mắm, bột ngọt… Tôi cũng thấy nhiều đoàn cứu trợ chở áo phao, giấy khô ra, nhưng tôi nghĩ họ có thể mua tại chỗ, vì giá cả cũng bình thường. Nếu chở từ xa đến thì vất vả quá”.

Tại tỉnh Quảng Bình, đoàn thanh niên đã vận động và trao tặng hơn 600 áo phao và 100 phao tròn cho người dân vùng bị ngập sâu. Hội đồng đội Trung ương kêu gọi hỗ trợ 1.000 áo phao cho người lớn, 1.000 áo phao cho trẻ em; các đơn vị khác cũng đã ủng hộ hơn 1.000 áo phao và các nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ Quảng Bình. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết trong cuộc họp giao ban cách đây mấy ngày, sở đã làm việc với các hiệp hội, nhắc các đơn vị tăng cường sản xuất các thiết bị để kịp thời phục vụ cho các vùng bị bão lũ. Hội Cao su Nhựa TPHCM đã triển khai cho các thành viên tăng lượng hàng cung ứng ra thị trường và giữ giá bán. “Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường thanh, kiểm tra, xử lý những trường hợp cố tình găm hàng, tăng giá áo phao bất hợp lý, đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền các đơn vị bán áo phao phải chung tay giúp các lực lượng khắc phục thiệt hại do bão lũ”.

Nguyễn Cẩm


Nhóm phóng viên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Lam 21-10-2020 10:30:12

    Ngày qua, nhóm của bạn tôi ( là người Quảng Bình) đã không cách nào mua được áo phao ở Quảng Bình, phải tìm ngoài Hà Nội gửi vào. Bài viết chắc chỉ nói tới lượng áo nhỏ lẻ bán ở chợ. Chứ số lượng từ vài trăm tới cả ngàn mà tại vùng lũ vẫn có là không đúng rồi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI