Rất khó hình dung ra một lão bà tóc trắng như bông, da hồng hào, nụ cười tươi, ánh mắt linh lực cùng giọng nói đầy nội lực, rõ ràng, khúc triết, vừa được người thân và bạn bè tổ chức sinh nhật lần thứ 95. Và nếu biết bà vừa trải qua mấy chuyến xuyên Việt, về lại các chiến trường xưa thời chiến tranh bằng đường bộ, càng nể phục hơn sự bền bỉ giữ lửa thanh xuân sống vui từng ngày của bà - đạo diễn, nhà văn, chủ Gallery Lotus Nguyễn Thị Xuân Phượng.
“Già có thể là da, là tóc. Nhưng trái tim có bao giờ già được đâu! Trái tim vẫn rung động, vẫn thổn thức, vẫn biết đau, biết xúc động... Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, phải làm những việc mình muốn làm để mình được hạnh phúc và mang lợi ích đến cho gia đình, cho người xung quanh... Tôi nghĩ nếu được chết ở nơi mình làm việc sẽ vui vẻ ấm áp hơn rất nhiều trên giường bệnh...".
|
Đạo diễn, nhà văn, chủ Gallery Lotus Nguyễn Thị Xuân Phượng trẻ đẹp ở tuổi 95 |
Đó là chia sẻ của bà Xuân Phượng một sáng mai bình yên ngày cuối năm ở TPHCM, về hành trình giữ lửa sáng tạo, lửa tận hiến, lửa thanh xuân của mình khi bước sang tuổi 95 vừa được mấy ngày.
Nếu như không đọc cuốn hồi ký của bà mang tên Gánh gánh gồng gồng, khó có thể hình dung hành trình của người đàn bà bé nhỏ, phúc hậu, dáng dấp “tiên phong đạo cốt” này. Bà đã lặng lẽ gánh gồng cả hạnh phúc và niềm đau của riêng mình, của thế hệ mình. Một cuộc đời tận hiến đầy sôi nổi, tràn đầy năng lượng.
Từ một thiếu nữ khuê các dòng dõi hoàng tộc Triều Nguyễn, bà học ở trường Couvent des Oiseaux (Đà Lạt) rồi theo kháng chiến, là nhân viên chế tạo chất nổ ở chiến khu Việt Bắc, rồi phụ trách tờ báo Công tác thóc gạo, sau đó vừa làm bác sĩ - kiêm phiên dịch viên. Sau này bà thành đạo diễn phim tài liệu, là nữ phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam ở thể loại “hình ảnh” cho đến lúc này...
Ở độ tuổi 60, cứ nghĩ mọi thứ sẽ khép lại khi bà đã hoàn thành nhiệm vụ - nghĩa vụ của một công chức nhà nước, nhưng bà không để mình thong thả nghỉ ngơi. Đây là lúc bà lên kế hoạch cho những đam mê đã từng phải tạm gác lại để lo “việc nước”. Đời sống sôi nổi và tràn đầy thanh xuân, như trở lại thời thiếu nữ đầy nhiệt huyết, thêm một lần đến với bà, là niềm đam mê mà bà hào hứng: “Tranh - hội họa, là một đam mê, một sở thích của tôi, mà khi tôi về hưu thì nó như cơ hội để “lộ diện”.
Bà đã biến đam mê của mình, không những là một công việc mới mà còn như một “đại sứ ngoại giao văn hóa” một cách tự nguyện xuất phát từ trái tim yêu nước, một tâm hồn luôn hướng về những giá trị thiện - mỹ: “Tại sao không thể qua tranh để giới thiệu với bạn bè nước ngoài một Việt Nam khác ngoài Việt Nam - chiến tranh? Tại sao không thể dùng tranh như một cầu nối để tạo hòa khí, hòa giải và yêu thương giữa những người Việt khác biệt nhau suy nghĩ…”.
Gallery Lotus của bà hơn 30 năm nay như một “đại sứ” đặc biệt, và năm 2011 bà được Nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh vì tình hữu nghị và đoàn kết giữa các quốc gia dân tộc.
Chưa hết, bà còn viết sách, vì bà nghĩ, những gì mình trải nghiệm, những gì mình từng rung cảm về vẻ đẹp con người, đất nước Việt Nam, nếu không viết ra, sẽ thật tiếc, sách sẽ là một kênh lan truyền những giá trị vẻ đẹp tinh thần của đất nước, con người Việt Nam.
Cuốn Áo dài bà viết bằng tiếng Pháp, đã lan tỏa thế giới, nhưng đó không phải là giới hạn. Những cuộc nói chuyện ở các trường đại học từ Mỹ - châu Âu, các trường đại học từ trong Nam ra ngoài Bắc, như một cách bà lan tỏa năng lượng sống tích cực từ chính bản thân bà, chia sẻ những thông điệp và giá trị tình yêu cuộc sống, tình yêu hòa bình.
92 tuổi bà trở thành một hiện tượng trong văn chương Việt khi xuất bản cuốn Gánh gánh gồng gồng, hồi ký về cuộc đời bà, nhưng cũng là một góc lịch sử Việt Nam đương đại từ năm 1930 đến hôm nay.
93 tuổi, bà kiên cường và mạnh mẽ cùng TPHCM vượt qua đại dịch COVID-19. Trên Facebook của bà, luôn là những chia sẻ đầy niềm tin tích cực, là những hình ảnh cùng nụ cười nhân hậu tỏa ấm áp của bà.
Năm 2022, khi ở tuổi 94, bà lại tiếp tục chứng tỏ cho giới trẻ thấy một tinh thần thanh xuân qua những chuyến xuyên Việt Nam Bắc, về lại chiến trường xưa, từ thành cổ Quảng Trị đến vùng giới tuyến Quảng Bình, Vĩnh Linh…
Bước vào tuổi 95, bà Xuân Phượng vẫn như một tấm gương sống tích cực cho các thế hệ trẻ trong ngành điện ảnh Việt Nam, ngành truyền hình Việt Nam, trong giới nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam và cả những nhà làm văn hóa Việt Nam bằng các cuộc gặp gỡ trao truyền “lửa” đam mê nghề, để người trẻ học hỏi tinh thần giữ lửa thanh xuân và sống vui mỗi ngày.
Hoài Hương