Tuổi già sao cho vui?

95 tuổi, bà vẫn vác cuốc ra đồng

02/10/2023 - 14:56

PNO - 95 tuổi, bà là hình mẫu lý tưởng của bao cụ già trong xóm về sức khỏe, sự minh mẫn và tinh thần tự chủ. Bà có 9 người con, nội ngoại tất cả 20 cháu và 27 chắt.

Gần 6 giờ sáng, khi đi bộ thể dục ngang nhà bà cụ hàng xóm, tôi đã thấy bà lọ mọ nơi góc vườn. Bà đang xới cỏ. Tôi vội lấy điện thoại, ghé sát hàng rào, lén "bắt" lại cái dáng lưng gầy lọm khọm ấy.

Xưa, bà là bạn láng giềng của ông nội tôi. Thi thoảng rảnh rỗi, bà lại mang sang mời nội tôi miếng trầu bà têm. Nội tôi vốn không ăn trầu, nhưng hễ bà mời là nội đều vui vẻ đón lấy. 2 ông bà già góa bụa ngồi cùng nhau ở đầu hiên, bỏm bẻm nhai trầu. Vừa nhai, vừa huyên thuyên đủ thứ chuyện thời thế, con cháu…

Nội tôi mất đã hơn 10 năm, bà lại lần lượt trở thành “bạn” của 2 đứa con tôi. Hễ có gì ngon là bà lại mang sang cho, lúc thì chùm nhãn mọng nước, lúc thì nắm xôi vò thơm bùi, khi thì cái bánh tráng nướng giòn tan hay vài cái kẹo xanh đỏ…

Mệt rồi, bà Ngọc mới chịu ngồi nghỉ
Mệt rồi, bà Ngọc mới chịu ngồi nghỉ

Con gái tôi, từ lúc mới lẫm chẫm biết đi đã rất yêu quý và tin tưởng cụ. Bình thường, không ai rủ được con bé đi chơi; nhưng chỉ cần cụ sang nhà rủ rỉ: “Em bé sang cụ chơi đi” là bé lon ton theo cụ liền. Một cụ già chống gậy, một “cụ non” (đôi khi chống gậy của cụ già), vừa đi vừa ríu ran. Hình ảnh ấy sao mà đẹp, mà đáng yêu đến thế!

Kiêng gọi tên thật của người già, nên mọi người trong làng gọi bà là bà Ngọc (theo tên của người con trai cả). 95 tuổi, bà là hình mẫu lý tưởng của bao cụ già trong xóm về sức khỏe, sự minh mẫn và tinh thần tự chủ. Bà có 9 người con, nội ngoại tất cả 20 cháu và 27 chắt. Nhưng bà vẫn tự mình làm hết mọi việc, cũng chưa phải sống dựa vào kinh tế của con cháu.

Bà ở cùng người con trai thứ. Vợ chú đã bỏ nhà đi từ lâu, các con chú đều sống xa nhà nên bà lại lần nữa làm người phụ nữ của gia đình. Sáng, bà dậy sớm quét dọn nhà cửa, cho gà ăn, rồi tự mình đi chợ. Chợ cách nhà gần 1 cây số thôi, nhưng phân nửa đường đi là dốc. Một người, một gậy, bà cứ thế đi.

Con trai muốn chở bà bằng xe máy cho bà đỡ mệt, nhưng bà bảo “không khiến”. Bà đi bộ cho khỏe, nhân tiện ngó nghiêng xem hàng quán hôm đó có gì, rồi xem có bà bạn già nào cũng đi chợ thì chuyện trò dăm ba câu cho khuây khỏa.

Hằng ngày, con trai bà đi làm, bà ở nhà lo chuyện cơm nước cho 2 mẹ con, ngày 3 bữa đều đặn. Bà ăn uống giản dị, lại ăn rất ít. Lưng chén cơm với vài con cá suối chiên giòn hoặc kho rục, vài con tép riu xào lá chanh, vài gắp rau luộc chấm mắm tỏi, thế là xong bữa. Ngoài ra, bà không ăn vặt hay ăn thêm trái cây gì.

Người ngoài không biết cho rằng bà ăn kham ăn khổ, nhưng thật ra đó lại là cách ăn uống vô cùng lành mạnh và khoa học của bà. Nhờ thế mà ở tuổi 95, ngoại trừ cái khớp gối rệu rã hay đau nhức vì lão hóa, bà vẫn có thể vác cuốc ra vườn xới cỏ, trồng đậu, trồng bắp… Nhiều người trẻ hơn còn phải “xách dép” theo bà không kịp.

Mà nói chuyện bà vác cuốc ra vườn làm cũng ngộ lắm! Bà thường tranh thủ sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh nắng và tránh… con. Bà làm việc mà nhiều khi lấm lét như người ăn trộm. Có hôm, vừa làm bà vừa phải ngó nghiêng canh chừng. Hễ nghe tiếng xe máy rì rì ngoài cổng là bà lại dáo dác nhìn ra.

Thấy lạ, tôi hỏi thì bà cười bảo: “Thằng con cả mà lên, nó không cho bà làm, lại cằn nhằn cả ngày, mệt lắm!”. Vậy đó, với bà, lọ mọ cả buổi không mệt, nhưng nếu bắt bà ngồi không cả ngày, chắc chắn bà sẽ mệt mỏi và buồn chán.

Mệt rồi, bà Ngọc mới chịu ngồi nghỉ
Mệt rồi, bà Ngọc mới chịu ngồi nghỉ

Thi thoảng rảnh rỗi, tôi thường dắt con gái nhỏ sang bên bà, ngồi nghe bà trò chuyện. Bà ở nhà một mình cả ngày nên rất “thèm người”. Hễ thấy mẹ con tôi sang là bà mừng lắm, lật đật vào nhà lấy ra món gì đó “dụ” con gái tôi. Bà không ăn vặt, nhưng lúc nào trong phòng cũng để sẵn đồ ăn như chỉ chờ cháu chắt đến để dúi cho chúng.

Rồi bà ngồi kể tôi nghe chuyện ông em trai 80 tuổi của bà giờ già yếu lắm, bệnh tật triền miên; chuyện đứa cháu nội của bà đã tới tuổi vợ con mà còn lêu lổng; chuyện đứa cháu ngoại cuối năm ăn hỏi, nhà trai ở đẩu ở đâu; chuyện đứa chắt thứ bao nhiêu của bà năm nay đi mẫu giáo… Ôi, đúng là người già! Bao nhiêu mối quan tâm đều dồn hết về con về cháu.

Bà cứ ngồi kể miên man như thế. Rồi như một thói quen, bà gỡ chiếc khăn đội đầu, xổ mái tóc dài bạc phơ ra, vừa vuốt rồi vấn lại, vừa kể chuyện. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy bà nội hiền từ của tôi hiện diện trong bà.

Tôi yêu bà như yêu nội và như yêu một cây cao bóng cả mà tôi vẫn được may mắn đằm mình dưới bóng mát yên ả ấy. 

Ngọc Hà

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI