95 doanh nghiệp rời danh sách Hàng Việt Nam chất lượng cao

22/03/2022 - 15:11

PNO - Số lượng doanh nghiệp (DN) tạm rời khỏi danh sách bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tăng gần gấp đôi so với gần 2 năm trước..

Tại lễ Công bố HVNCLC diễn ra tại TPHCM ngày 22/3, ông Nguyễn Văn Phượng, Bộ phận thực hiện khảo sát Hội DN HVNCLC cho hay, số DN tạm rời danh sách HVNCLC tập trung nhiều ở nhóm DN phi thực phẩm như da giày, may thêu, hàng điện tử…

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều DN thu hẹp quy mô sản xuất, hệ thống phân phối; thậm chí không ít DN đứng trên bờ vực phá sản. Tình hình kinh doanh của nhiều DN vẫn khó khăn, hàng hóa tồn kho nhiều. Một số khác thì thiếu nguồn lao động, hoạt động sản xuất cầm chừng...

Theo kết quả bình chọn của người tiêu dùng (NTD), có 524 DN đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC 2022. Trong đó, có 87 DN mới đạt lần đầu và tập trung ở nhóm DN thực phẩm, có sản phẩm tiêu biểu trên thị trường đạt OCOP 5 sao (OCOP - One commune, one product - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"); DN khởi nghiệp hoặc DN đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong thực hành sản xuất. Đặc biệt, có 36 DN được NTD bình chọn liên tiếp 26 năm. Kết quả khảo sát cho thấy, có 2.830 DN được nhắc tên trong tất cả các nhóm sản phẩm, với gần 30.000 lượt bầu chọn.

Kết quả khảo sát cho thấy, người tiêu dùng ở các đô thị lớn thường chọn kênh phân phối hiện đại mua thực phẩm.
Kết quả khảo sát cho thấy, người tiêu dùng ở các đô thị lớn thường chọn kênh phân phối hiện đại mua thực phẩm

Ngành hàng có số lượng DN bầu chọn nhiều nhất là nước chấm, gia vị, thực phẩm khô, thực phẩm ăn liền. Ngành có tỉ lệ bầu chọn thấp nhất là dụng cụ làm đẹp.

Đại diện Ban tổ chức cho hay, cuộc khảo sát trong thời gian “bình thường mới” nhưng số lượng cửa hàng giảm nhiều so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát; ở một số khu vực khảo sát nhiều cửa hàng vẫn còn đóng cửa... Tần suất mua hàng của NTD cũng giảm, chi tiêu hạn chế. NTD chủ yếu chọn hàng thiết yếu và chỉ lựa chọn sản phẩm của một vài DN, thương hiệu nhất định.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, cuộc khảo sát tập trung ở các thành phố lớn Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ; không khảo sát ở các vùng nông thôn. Ở các đô thị lớn, NTD (phân khúc khách hàng trẻ tuổi) tập trung mua sắm ở kênh phân phối hiện đại nhiều, đặc biệt là khi mua sản phẩm thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, trên 40% NTD (trên 45 tuổi) vẫn có thói quen mua hàng ở chợ, tạp hóa...

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI