92,5% nạn nhân bạo lực gia đình là nữ

12/03/2014 - 15:46

PNO - PNO – Trong năm 2013, TP.HCM xảy ra 121 vụ bạo lực gia đình. Nạn nhân là nữ chiếm tỉ lệ 92,5% trong tổng số nạn nhân.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ngày 12/3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 2 năm triển khai thực hiện “Chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2012-2013” trên địa bàn TP.HCM.

Qua 3 năm, việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2011-2020 và Chương trình vì sự tiến bộ phụ nữ TP.HCM đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo các cấp. Công tác tuyên truyền pháp luật về BĐG, về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng…

Có 80 % người dân tham gia các cuộc khảo sát biết về BĐG thông qua báo đài, tạo ra hiệu ứng tích cực trong truyền thông. TP hiện có 40 cơ quan báo chí, hầu hết các báo đài đều có chuyên mục về phụ nữ, trẻ em…Trong 3 năm, số lao động được giải quyết việc làm là 874.654 lượt người, trong đó nữ chiếm 52,2%, số người có việc làm ổn định là 638.401 người.

92,5% nan nhan bao luc gia dinh la nu

Quang cảnh hội nghị

Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn thành phố giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2012 xảy ra 237 vụ, giảm 59,8% so với năm 2011; năm 2013 xảy ra 121 vụ, giảm 49% so với năm trước. Tuy nhiên, nạn nhân là nữ vẫn chiếm tỉ lệ cao với 92,5% trong tổng số nạn nhân và người gây ra bạo lực là nam giới vẫn chiếm đại đa số.

Điều này cho thấy tình trạng bất bình đẳng đối với giới nữ vẫn tồn tại ẩn sâu trong nhận thức cả nam giới, nữ giới.

Một khảo sát về thực trạng và quan điểm người dân về thời gian tham gia công việc gia đình của phụ nữ và nam giới tại quận 3 và quận 10 do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho thấy, thời gian làm việc nhà của nữ vẫn cao hơn nam. Trung bình nữ làm việc nhà 4,2 giờ/ngày, còn nam là 3,6 giờ/ngày. Hơn 80% đối tượng được khảo sát cho rằng công việc quan trọng trong gia đình vẫn là do nam quyết định.

Có một điều khá lạ là tỉ lệ nam giới cao hơn nữ trong việc cho rằng “nam giới có trách nhiệm chia sẻ việc nhà với phụ nữ”. Điều này cho thấy nữ giới trong nhóm khảo sát vẫn nhận thức làm việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ. Đặc biệt, nam giới có trình độ học vấn càng cao thì tỉ lệ chấp nhận chia sẻ việc nhà càng cao. Như vậy, nhận thức và thái độ của nam giới đối với việc nhà có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng nhận thức và thái độ của nữ giới vẫn còn định kiến, chưa chấp nhận việc nam giới chia sẻ việc nhà.

UBND TP.HCM đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia về BĐG và chương trình vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2014-2015 gồm: tiếp tục thực hiện 7 mục tiêu và 26 chỉ tiêu thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn TP.HCM; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG cho 85% cán bộ làm công tác BĐG, vì sự tiến bộ phụ nữ, cán bộ tham mưu hoạch định chính sách và cán bộ làm công tác pháp chế ở các địa phương; triển khai các hoạt động thí điểm mô hình “ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, cung cấp dịch vụ hỗ trợ thực hiện hoạt động BĐG”, “lồng ghép giới trong chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá” tại quận Thủ Đức, Q.10 và Q.3…

Mai Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI