900.000 đồng và bệ phóng tương lai

16/09/2016 - 12:52

PNO - Lễ tốt nghiệp vào cuối tháng 9/2016 dành cho các cử nhân luật sẽ được tổ chức theo hai kiểu, chọn kiểu nào là tùy các bạn SV quyết định, trên cơ sở mức đóng tiền.

Một trường đại học công lập lớn của TP.HCM đang chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp cho hơn ngàn sinh viên (SV). Hôm 13/9, trường vừa phát hành một thông báo, đọc xong không khỏi ngậm ngùi. Nội dung thông báo cho biết, lễ tốt nghiệp vào cuối tháng 9/2016 dành cho các cử nhân luật sẽ được tổ chức theo hai kiểu, chọn kiểu nào là tùy các bạn SV quyết định, trên cơ sở mức đóng tiền.

Nếu đóng 900.000 đồng, các bạn sẽ được tổ chức lễ tốt nghiệp “một cách quy mô, chuyên nghiệp” tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng, được trao bằng cử nhân “đảm bảo tính trang trọng, hoành tráng, chuyên nghiệp, xứng tầm với thương hiệu và vị thế của các tân cử nhân - sản phẩm đào tạo và là niềm tự hào của nhà trường”. Trong lễ tốt nghiệp này, các bạn sẽ được mời phụ huynh, bạn bè cùng dự, không giới hạn số lượng, chỉ là cứ mỗi người được mời thì phải đóng 100.000 đồng cho một ghế ngồi.

Có lẽ sợ việc đóng tiền triệu cho lễ tốt nghiệp là hơi “dội” đối với SV, nên trường còn có phương án hai: nếu các bạn không muốn đóng chi phí như trên thì với mức 170.000 đồng đã nộp cho trường, các bạn sẽ tự đến Phòng Đào tạo của trường ký nhận bằng tốt nghiệp.

900.000 dong va be phong tuong lai
Ảnh minh họa: Internet

Nhiều SV đã phản ứng: “Không hiểu đây là lễ tốt nghiệp cho các SV hay là một chỗ để phân biệt SV theo túi tiền? Rõ là có sự kỳ thị giữa SV có tiền và không có tiền trong một buổi lễ đánh dấu kết thúc cuộc đời SV”.

Một số SV khác đoán: chắc rồi các bạn sẽ nộp tiền cả thôi, khó có chọn lựa nào khác. Suốt bốn năm trên giảng đường, ai không mong ngày tốt nghiệp. Giờ mọi chuyện học hành thi cử gian khổ nhất đã qua, kết quả đã được xác định, chỉ còn một bước nữa là vào đời lập nghiệp, thôi thì “nín thở qua sông”.

Mặt khác, nếu mình là “cử nhân không lễ tốt nghiệp”, đứng ngoài nhìn và chúc mừng bạn bè rạng rỡ trong buổi lễ, chắc cũng buồn tủi, cũng thành một ấn tượng tệ hại khó phai trong đời. Thôi thì chấp nhận đóng tiền, vừa vui lòng nhà trường, vừa có lễ “quy mô, chuyên nghiệp” cho mình.

Dư luận xã hội nhìn vào bản thông báo tiền triệu kia mà buồn cho trường đại học ấy nói riêng và giáo dục đại học nói chung. Hẳn những người làm công tác đào tạo trong trường đều biết, Luật Giáo dục đại học, Quy chế quản lý văn bằng quốc gia... đều quy định trách nhiệm của trường trong việc công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho người học.

Chưa nói đến tình cảm, tâm tư, thì SV học tập suốt bốn năm hoặc hơn tại trường, hoàn thành quá trình rèn luyện, được công nhận tốt nghiệp, là họ đã hoàn thành trách nhiệm học tập của mình.

Nhà trường phải có trách nhiệm cấp bằng cho SV. Để tấm bằng ấy thực sự tôn vinh những nỗ lực học hành, thi cử của những người trẻ tuổi; để gia đình và nhà trường công nhận, chúc mừng một bước trưởng thành quan trọng trong đời người, để uy tín, vị thế của trường được khẳng định; để công bố với xã hội về sự gia nhập của một lực lượng trí thức trẻ vào thị trường lao động... lễ tốt nghiệp được tổ chức, như một niềm tự hào của cả nhà trường và SV.

Chẳng có trường đại học nào không tổ chức lễ tốt nghiệp, bởi các trường đều ý thức phải đặt sản phẩm đào tạo của mình lên một bệ phóng. Xét cho cùng, lễ tốt nghiệp cũng là một khâu trong quá trình đào tạo một con người ở tầm mức đại học. Thế nhưng, cứ theo thông báo trên, thì nhiều SV sẽ không biết lễ tốt nghiệp đại học là gì, nếu không có tiền đóng.

Giải thích “bản chất của thông báo là triển khai thăm dò ý kiến của SV”, như một quan chức của trường nói, là thiếu trách nhiệm. Có ý kiến cho rằng, đó là hậu quả của việc “cho phép các trường đại học tự chủ tài chính” cũng không thỏa đáng. Trường đại học tự chủ tài chính không có nghĩa là tăng thu vô tội vạ trên đầu SV.

Muốn tự chủ tài chính, phải làm tài chính bằng năng lực của trường và tư duy của hệ thống đào tạo, có chiến lược, có kế hoạch trung hạn, dài hạn. Lớp SV sắp tốt nghiệp này không thể bị “tận thu” để chia sẻ cái gánh nặng tài chính ấy.

Được đào tạo trong trường đại học, hơn nữa, lại là các cử nhân luật, họ phải được đối xử đúng như họ được hưởng, một cách trân trọng, không bị phân biệt bởi tiền bạc, vì rồi đây xã hội kỳ vọng họ sẽ gìn giữ sự công bằng, gìn giữ giềng mối luật pháp của nước nhà.

Trước mắt, mùa tuyển sinh đại học - cao đẳng vẫn đang tiếp tục trong sự phập phồng mệt mỏi của các trường và thí sinh, phụ huynh. Với cách làm trên của một trường đại học, càng hiểu thêm vì sao nhiều thí sinh và phụ huynh đã tỏ ra thờ ơ với trường đại học. Hành xử với SV như vậy khi họ còn chưa bước chân ra khỏi cổng trường, thì liệu nhà trường có xem SV là “sản phẩm đào tạo và là niềm tự hào của nhà trường”, như chính thông báo đã viết không?

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI