900.000 công nhân đang thiếu nơi gửi con an toàn

07/06/2017 - 17:14

PNO - Gần 900.000 công nhân lao động tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) trên cả nước đang thiếu nơi gửi con nên tiềm ẩn nguy cơ các bé bị bạo hành khi gửi tại nơi tự phát.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, hiện có gần 900.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) trên cả nước có nhu cầu gửi con nhà trẻ, mầm non.

Tuy nhiên, số trường mầm non được xây dựng tại các KCX-KCN tính đến thời điểm hiện nay rất ít. Tại các địa phương, cơ sở vật chất trường, lớp mầm non tiếp tục được các địa phương quan tâm đầu tư hàng năm, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được các tỉnh, thành quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.

900.000 cong nhan dang thieu noi gui con an toan
Không có chỗ gửi trẻ, nhiều công nhân tại TP.HCM phải nhờ bố mẹ ở quê lên trông con.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, phần lớn công nhân lao động phải gửi con tại các nhóm trẻ tự phát hay các trường mầm non tư thục… Nhưng thực trạng đáng lo ngại là các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục có diện tích chật hẹp, người trông trẻ ít được đào tạo bài bản dẫn đến hạn chế về kiến thức và kỹ năng,… hậu quả đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra như trẻ em bị bạo hành, đánh đập tàn nhẫn, đối xử thô bạo, bất cẩn làm trẻ chết…

Cạnh đó, nhiều chủ nhà trọ không có việc làm, không chuyên môn, lấy phòng trọ làm nơi giữ trẻ, thu học phí thấp nên chất lượng bữa ăn không đảm bảo, điều kiện phục vụ chưa tốt cho các cháu ăn và ngủ,… Từ thực tế trên, dẫn đến nhiều công nhân không yên tâm gửi con ở các nhà trẻ tư nhân đã phải gửi con về quê cho ông, bà, người thân chăm nuôi, làm xa cách tình mẫu tử và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đã có một số mô hình nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, lao động ra đời từ ngân sách nhà nước và nhiều nguồn đầu tư khác. Điển hình tại TPHCM, trong tổng cộng 15 KCN và KCX đang hoạt động có 20 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non trong khuôn viên và các khu vực liền kề đã và đang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 751,8 tỷ đồng, với 309 phòng học và các khối phụ, phòng chức năng, dự kiến đáp ứng khoảng 11.000 trẻ.

Bên cạnh ngân sách Nhà nước cấp, một số trường mầm non đã được xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp như Công  ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã đầu tư 2 triệu USD xây dựng trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của 2.000 trẻ em là con của công nhân đang làm việc tại công ty. Trường có 36 phòng, trong đó có 32 phòng học được thiết kế theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng.

900.000 cong nhan dang thieu noi gui con an toan
Hiện nhu cầu nhà trẻ cho con công nhân rất lớn.

Song, về giải pháp lâu dài, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị phải xây dựng trường mầm non tại nơi làm việc để tạo điều kiện cho công nhân lao động yên tâm làm việc và nuôi dạy con tốt. Vì vậy, cần nhân rộng các mô hình nhà trẻ dành cho con công nhân mà một số địa phương và doanh nghiệp đã thực hiện để đáp ứng nhu cầu này.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng 40 thiết chế công đoàn tại các KCX-KCN, trong đó cần quan tâm dành quỹ đất hoặc phòng học, địa điểm thuận lợi để hỗ trợ việc thành lập nhà trẻ, mẫu giáo dành cho con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn…

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI