90% thị phần mỹ phẩm ở Việt Nam do doanh nghiệp ngoại nắm giữ

25/02/2017 - 09:02

PNO - Thông tin được đưa ra bởi bà Claudia Bonfiglioli, Giám đốc quốc tế Informa Exhibitions, đơn vị chuẩn bị tổ chức triển lãm về mỹ phẩm và làm đẹp khu vực Mekong tại Việt Nam vào tháng 6 tới đây.

Với hơn 25 năm kinh doanh trong ngành này, và đã bắt đầu làm việc tại châu Á từ năm 1995, bà Claudia khẳng định Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đang có ngành công nghiệp sắc đẹp phát triển hàng đầu khu vực. Đó cũng là lý do mà đơn vị này quyết định chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên để tổ chức triển lãm về mỹ phẩm và làm đẹp trong khu vực Mekong.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor năm 2016, thị trường mỹ phẩm Việt có quy mô 26.000 tỷ đồng vào năm 2015, và luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm trong nhiều năm trở lại đây.

Cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp mỹ phẩm. Tuy nhiên 90% thị phần ngành công nghiệp này do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ.

90% thi phan my pham o Viet Nam do doanh nghiep ngoai nam giu
90% thị phần mỹ phẩm trên thị trường Việt đang nằm trong tay doanh nghiệp ngoại.

Thị trường mỹ phẩm Việt được coi là còn nhiều tiềm năng, khi chi tiêu cho mỹ phẩm bình quân đầu người mới chỉ ở mức 4 USD/người/năm, thấp hơn nhiều mức bình quân 20 USD/người/năm của Thái Lan.

Dự báo cho đến năm 2020, tầng lớp trung lưu, là những người chi tiêu mạnh cho mỹ phẩm sẽ gia tăng nhanh chóng lên con số 33 triệu người.

Ông Dominic Oh, Tổng giám đốc KINTEX, một đơn vị chuyên tổ chức triển lãm đến từ Hàn Quốc, cho biết trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp sẽ tham dự triển lãm làm đẹp vào tháng 6 tới đây tại Việt Nam, có khoảng 80 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia.

Theo ông Oh, đây là những doanh nghiệp chưa có mặt tại thị trường Việt Nam nhưng rất mong muốn gia nhập thị trường đầy tiềm năng này, với các dòng mỹ phẩm tập trung ở phân khúc trung và cao cấp.

“Các doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc rất mong muốn xâm nhập thị trường Việt Nam do đây là thị trường đầy tiềm năng với mức tăng trưởng GDP trên 6%/năm, và dân số trong độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm tới 60% dân số”, ông Oh cho hay.

Bà Phan Nga, đại sứ các nhãn hàng ngành làm đẹp tại Việt Nam, cũng chia sẻ chất lượng sản phẩm mỹ phẩm nội địa không thua kém doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang loay hoay, khó đưa sản phẩm đến người tiêu dùng quốc tế, do thiếu thông tin về thị hiếu người tiêu dùng.

Trong khi đó, bà Lý Nguyễn Lan Phương, Tổng giám đốc Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn, lại cho rằng hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp mỹ phẩm Việt chính là thiếu công nghệ và tiềm lực tài chính.

Bên cạnh đó bà Phương cho rằng mỹ phẩm vẫn chỉ đóng vai trò thứ yếu so với rất nhiều nhu yếu phẩm khác của người tiêu dùng. Từ lâu, người tiêu dùng vẫn xếp nước hoa, mỹ phẩm vào những mặt hàng xa xỉ phẩm, nên chưa chi tiêu thỏa đáng cho những mặt hàng này.

“Hơn 40% doanh thu của Mỹ phẩm Sài Gòn đến từ xuất khẩu”, bà Phương thừa nhận.

Khánh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI