Nhà thơ đàn anh ấy muốn nhắc về cuộc vượt Trường Sơn tìm chồng của chị vào những năm 1972, giữa cuộc chiến khốc liệt.
|
Vợ chồng chị Đặng Nguyệt Anh thời son trẻ |
Câu chuyện ấy như một bản tình ca hào hùng và đẹp đẽ, và nếu để nó rơi vào quên lãng thì không chỉ là điều đáng tiếc cho người trong cuộc mà còn cho cả những thế hệ trẻ sau này. Làm sao họ có thể hiểu hết được cha, ông mình không chỉ đã chiến đấu thế nào mà còn đã yêu như thế nào trong khói lửa chiến tranh.
Biết rằng bom đạn gian nan/
Xin cha mẹ con vào Nam tìm chồng
Đầu năm 1968, khi vừa tròn đôi mươi, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh lập gia đình. Tình yêu của cô học trò với người thầy lớn hơn mình đến tám tuổi rất đẹp, rất lãng mạn. Thế nhưng, cưới nhau chưa tròn năm, cuối năm 1968, chồng chị được phân công vào Nam công tác.
Ngày ấy, với hầu hết những người trẻ tuổi ở miền Bắc, hai từ “vào Nam” mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng cao quý, không một ai lấy bất kỳ lý do riêng tư nào để chối từ và đôi vợ chồng trẻ còn đang nồng hương lửa ấy đã chấp nhận xa nhau. An ủi chị chỉ có tình yêu thương của mẹ như chị viết trong những câu thơ:
|
Và bây giờ, vẫn tình yêu ấy… |
Vùi trong lòng mẹ yêu thương
Thoáng đôi mắt mẹ nét buồn xa xăm
“Đời người dài cả trăm năm
Chồng con ra trận vài năm rồi về”
Chiến trường khốc liệt, gian truân, nhưng với người con gái đẹp Đặng Nguyệt Anh khi ấy, cuộc chiến với bản thân mình, với những theo đuổi, săn đón của bao chàng trai chẳng kém phần khó khăn. Trong bài thơ Lục bát tuổi 50, chị kể về mình ngày ấy:
Cái thời tóc phủ đầy vai
Gót son, guốc mộc, con trai phải lòng
Lời miêu tả ấy về bản thân của chị, chắc chẳng phải là nói ngoa, bởi bây giờ, tận tuổi 70, chị vẫn rất đẹp. Đẹp nhất chính là đôi gót son vẫn mịn màng và hồng hào. Chính vì thế, ngày ấy, chị đã phải chống chỏi một mình với bao cám dỗ.
Chẳng những xinh đẹp, duyên dáng, chị còn là một cô gái sôi nổi, hoạt bát, thông minh. Chị tham gia vào các phong trào văn nghệ, thể thao, chị yêu đời, tràn trề nhựa sống. Trong khi đó, anh đi là biền biệt, thư từ chẳng thấy.
Bốn năm trời đằng đẵng trôi qua, năm 1972 chị nhận được tin chồng từ hai người đồng đội của anh trở ra Bắc: chồng chị đang ở Lộc Ninh, nhưng anh ốm yếu lắm, những cơn sốt rét ác tính đã quật anh xuống, có muốn ra Bắc cũng không thể nào đi được nữa. Tin tức ấy đã làm trong chị bùng lên một quyết tâm:
Biết rằng bom đạn gian nan
Xin cha mẹ con vào Nam tìm chồng
Mưa chiều giăng trắng dòng sông
Trũng sâu mắt mẹ lưng tròng lệ sa
Chị kể, ngày ấy khi chị xin phép cha mẹ mình thì không bị ông bà ngăn cản, nhưng chính cha mẹ chồng lại rưng rưng. Cha chồng chị nói: “Bố mẹ mất con trai rồi, giờ lại mất con dâu nữa sao”. Vượt qua nước mắt của cha mẹ, chị làm đơn và được chấp thuận. Bắt đầu là những ngày tháng tập luyện để chuẩn bị cho chuyến đi gian nan vất vả.
Nhớ lại những ngày ấy, chị cười: “Học thì không sợ, ngày ấy để đi phải học, phải hiểu biết đủ thứ về tư tưởng, nhưng tập luyện đi rừng, vác ba lô, đeo 20 cục gạch mới thật là khủng khiếp. Chị vốn bé nhỏ, con nhà nho, chân tay nhỏ nhắn, mỏng mảnh, lại thêm bị dị ứng với dép cao su nên chuyện mang vác cho được 20 cục gạch gần như là… không thể.
Thông tin về chuyện cô gái bé nhỏ Đặng Nguyệt Anh xin vào Nam để tìm chồng đã lan truyền trong bạn bè đồng đội, thế nên chị được mọi người tích cực giúp đỡ… ăn gian. Mỗi lần đi, mọi người chia nhau mang cho chị hai cục gạch. Về gần tới đích mới trả lại cho chị.
Cười tít mắt khi hồi tưởng, chị bảo có hôm chỉ tám cục mà chị cũng không mang nổi, nhưng lúc ấy chị không sợ, không ngần ngại, bởi chị biết mình sẽ đi không phải chỉ bằng sức khỏe…
|
Chị Đặng Nguyệt Anh thời trẻ |
Đạn bom lùi lại sau lưng/
Đã đi là quyết đến cùng mẹ ơi
Ngày bắt đầu cuộc hành quân, thấy cô gái trẻ đẹp, nhiều đồng đội phải lòng, cứ tới chỗ nghỉ, dừng chân là vào rừng hái hoa tặng chị. Cho đến khi thủ trưởng đơn vị bảo: “Nó có chồng rồi đấy, nó đang vào Nam tìm chồng” thì những tình yêu đơn phương ấy biến thành sự kính trọng, thương mến.
Dù đã được chuẩn bị tinh thần, dù đã tập luyện, dù đã đầy quyết tâm sắt đá, con đường băng rừng Trường Sơn ròng rã 300 ngày đi ấy với “cô tiểu thơ” Đặng Nguyệt Anh vẫn là những ký ức gian khổ chưa từng thấy trong cuộc đời.
90 ngày đi là 90 ngày chị thức dậy từ sớm, lên đường trước mọi người và rồi chiều tối là người cuối cùng về tới binh trạm. Ba lô cao quá thân người nhỏ nhắn, vai toác da vì mang vác nặng, chân lở loét vì dị ứng cao su, chị không bao giờ có thể đi kịp bạn bè đồng đội.
Ngày nào chị cũng bắt đầu ra đi từ khi mờ sáng và đa phần, khi chị một mình lê về tới nơi thì đồng đội đã nấu cơm, ăn xong và toòng teng ngủ trên võng. Hầu như các buổi trưa chị không kịp nghỉ, vì chị đến chỗ nghỉ thì mọi người đã lên đường tiếp tục hành quân. Qua những vùng bom đạn khốc liệt, cả đoàn được lệnh phải chạy, nhưng chị không chạy nổi, thế là cứ đi. Những người đi trước vạch dao xuống đất, lên cây, làm dấu cho chị. Chị cứ cắm cúi mà lần theo dấu đồng đội để lại.
Những đêm mưa rừng xối xả mà chị tả trong thơ của mình “ướt đến không còn gì” dù đã “bạt, tăng che kín người” xen lẫn với những ngày nắng cháy da thịt không có một xíu nước để rửa ráy, vệ sinh phụ nữ.
Chị kể, có một đoạn, chị được các chiến sĩ lái xe tải cho đi nhờ. Đến chỗ ngừng chân, chị hỏi có suối đâu không vì vào đúng ngày của phụ nữ, chị không còn chịu đựng được việc không có nước tắm rửa. Anh lính lái xe trẻ 17 tuổi bảo, suối xa lắm, chị mà đi thì không kịp lên đường.
Thế là anh vác tấm ni lông chạy vào rừng, rất lâu mới vác về được cho chị một bọc nước. Thấy nước mừng hơn được vàng, chị mang đi xa để rửa, nhưng lóng ngóng, cái bọc ni lông đổ mất, chị nhào lấy hai tay mà hốt nước, chỉ còn được chén nước con. Vừa xót xa mình, vừa xót xa đồng đội…
Hỏi chị: Gian khổ đến thế, điều gì là lớn nhất giúp chị vượt qua, chị bảo: “Thứ nhất, tất nhiên rồi, phía trước là anh ấy, thứ hai là lúc ấy không đi, không vượt lên thì chỉ có nằm lại mà chết”. Ngừng lại một lúc, chị cười: "Còn thứ ba là rừng đẹp lắm. Có những dòng suối trong vắt, đá đẹp như ngọc, tôi cứ nhào xuống lượm.
Đồng đội bảo: mang thân mình còn không nổi mà lại lượm đá mang theo. Thế mà tôi cũng len lén giấu mấy hòn sỏi trong ba lô. Qua những khu rừng bị giặc phát quang, giữa cả cánh rừng tro tàn, tự dưng chồi lên những mầm xanh, có khi là những bông hoa trắng. Đang hành quân, mệt đến dại người mà nhìn thấy những điều đẹp đẽ, tôi cứ lặng cả người… Đấy, ngay cả những hòn sỏi, những bông hoa đẹp của cuộc chiến tranh cũng đã giúp tôi đi tới trong một hạnh phúc lạ kỳ…".
Cái tin về một người phụ nữ trẻ tên Đặng Nguyệt Anh băng Trường Sơn vào Nam tìm chồng đã lan suốt dọc đường hành quân và sớm đến với anh. Được tin chị sắp vào, anh từ căn cứ ra rừng Lộc Ninh để chờ. Chị bảo, giữa rừng, giữa đồng đội, chị không nhìn ra anh.
Anh gầy chỉ còn da bọc xương và xanh như tàu lá… Sững sờ một lúc, chị mới khóc, mới choàng tay ôm lấy chồng. Đêm ấy, chị kể đồng đội chia vui đốt đuốc sáng rừng Lộc Ninh. Anh với chị ngồi chung, nằm chung một chiếc võng, xung quanh quây quần ấm áp là võng của đồng đội…
Căn nhà vợ chồng đầu tiên của anh chị được tất cả đồng đội xúm vào cùng cất lên từ lá trung quân, tăng, bạt. Chị cùng mọi người ngồi đan những chiếc lá lại với nhau để lợp mái, lòng chị vô cùng mãn nguyện với hạnh phúc đã đạt được. Ngày 19/5 năm 1974, con gái đầu lòng của anh chị ra đời trong chiếc chòi lá giữa rừng. Chị viết những dòng thơ ăm ắp niềm vui:
Chọn một bình minh mùa hạ con ra đời
Sáng nay tiếng chim rừng ríu rít
Bố con mừng quấn quít
Từ nay lại được nghe tiếng trẻ khóc cười…
Song Văn