PNO - Không một ai, không điều gì có thể phủ nhận được lịch sử: Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập, tự do, xây dựng đất nước với uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.
Trước năm 1930, lịch sử ghi nhận có nhiều đảng phái chính trị hoạt động với cùng mục tiêu giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, sự hợp nhất của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn dưới ngọn cờ chung Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng hợp được sức mạnh đoàn kết của các tổ chức chính trị, có tiếng nói tập trung và tận dụng được sự ủng hộ của quốc tế trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.
Hội nghị thành lập Đảng từ ngày 6/1 - 8/2/1930, ngay trong dịp tết Canh Ngọ, với sự tham dự của những nhà cách mạng: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Ái Quốc đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng cho Đảng và cho cách mạng Việt Nam như: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Lời kêu gọi. Ngày 3/2/1930, tại bán đảo Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc), một chính đảng đã ra đời mà lịch sử vẻ vang của nó vẫn còn mãi cho đến hôm nay và nhiều năm sau nữa.
|
Ngay sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo phong trào đấu tranh và nổi dậy của công nhân và nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh chống lại đế quốc Pháp, mục đích thành lập chính quyền Xô Viết. Ngày 1/5/1930, công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân năm xã ven thành phố Vinh đã đồng loạt biểu tình.
Liên tục trong ba tháng sau đó, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có 97 cuộc biểu tình và bãi công của nông dân và công nhân mà điển hình là cuộc bãi công của công nhân nhà máy diêm, dẫn đến cuộc bãi công của toàn bộ công nhân khu công nghiệp Bến Thủy.
Từ tháng 9/1930, các cuộc biểu tình có vũ trang đã liên tiếp nổ ra ở Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc, Hưng Nguyên... khiến cho bộ máy chính quyền thực dân Pháp gần như tê liệt. Hàng loạt chính quyền Xô Viết đã được thành lập ở Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Vinh, Thạch Hà, Hương Sơn...
Tuy nhiên, bằng chính sách khủng bố trắng, thực dân Pháp đã điều động một lực lượng lớn binh lính đàn áp phong trào, lập hệ thống đồn bốt để bao vây, cô lập lực lượng cách mạng; càn quét và triệt hạ làng mạc mà đỉnh điểm là cuộc ném bom xuống các đoàn biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930 khiến hàng trăm người chết, nhà cửa bị đốt cháy, nhiều người khác bị bắt và tù đày ở Nghệ An, Đà Nẵng, thậm chí đày ra đến tận Côn Đảo.
Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I (Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương) diễn ra từ ngày 27-31/3/1935 tại Ma Cau (Trung Quốc), do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì, với sự tham gia của 13 đại biểu chính thức thay mặt cho các đảng viên trong nước và các đảng bộ ở nước ngoài. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng bí thư.
Ngay ở kỳ đại hội đần tiên, Đảng đã xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển đảng là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh nhiệm vụ thu phục quần chúng, chống chiến tranh đế quốc. Kỳ đại hội này cũng đánh dấu sự phục hồi của hệ thống tổ chức Đảng từ trung ương đến địa phương, sau những cuộc đàn áp thẳng tay của thực dân Pháp. Từ năm 1936, Đảng bắt đầu hoạt động công khai, tham gia các cuộc bầu cử, đấu tranh ngay tại nghị trường và tận dụng các quyền chính trị để đấu tranh cho giai cấp vô sản.
Chiến tranh Thế giới thứ I nổ ra, thực dân Pháp tăng cường đàn áp các phong trào chính trị, đấu tranh ở nước ta. Trước tình hình mới, Đảng đã chuyển hướng đấu tranh, xem giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh) được thành lập trong rừng Khuổi Nậm, Pắc Pó, Cao Bằng. Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương xác định mục tiêu đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt đảng phái, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Nhật, giải phóng dân tộc, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, cho nhân dân được sung sướng, tự do.
Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập và lập tức tiến đánh quân Nhật, thành lập chiến khu Việt Bắc.
Biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Phủ Khâm sai, Hà Nội |
Cách mạng Tháng Tám thành công với sự tham gia của nhiều đảng phái, đông đảo các tầng lớp nhân dân. Quân Nhật rút lui. Hoàng đến Bảo Đại thoái vị. Đảng ta giành được chính quyền trên toàn quốc.
Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong ngày này, rất nhiều gia đình ở Hà Nội đã dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đốt pháo để ăn mừng. Các nhà thờ, các chùa cũng hướng về Quảng trường Ba Đình cử hành thánh lễ. Từ đây, một nước Việt Nam độc lập đã có tên trên bản đồ thế giới, thoát khỏi ách thuộc địa. Nhân dân Việt Nam đã không còn phải sống đời nô lệ.
Pháp trở lại Đông Dương. Tháng 11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, chuyển vào hoạt động bí mật. Mọi hoạt động công khai đều thông qua Mặt trận Việt Minh. Hành trình chín năm kháng chiến bắt đầu...
Chiến dịch Điện Biên Phủ được lịch sử quân đội thế giới ghi nhận là trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương, kết thúc vào ngày 7/5/1954 khi Quân đội Nhân dân Việt Nam giành chiến thắng trước quân đội Liên hiệp Pháp dù quân Pháp liên tục tăng quân và nỗ lực bình định Việt Nam. Đây cũng là lần đầu quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng đội quân của một cường quốc châu Âu trong một chiến dịch quân sự lớn, buộc Pháp phải chấp nhận hòa đàm và rút khỏi Đông Dương.
Bóng ma chiến tranh vẫn chưa thôi ám ảnh nước ta. Sau năm 1954, Việt Nam rơi vào cảnh chia cắt hai miền. Đảng lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân chiến đấu để thống nhất đất nước. Rất nhiều và rất nhiều xương máu đã đổ xuống trên khắp miền quê hương.
Bằng sự kiên định, nhạy bén, sáng tạo trong các phương thức đấu tranh cũng như tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Đảng đã cùng nhân dân ta tiến đến đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975, thống nhất đất nước.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 là cuộc cách mạng lớn của Đảng về các chính sách kinh tế - xã hội. Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới phương thức để đạt được mục tiêu chủ nghĩa xã hội thông qua việc cải cách nền kinh tế - xóa bỏ kinh tế bao cấp, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Về chính trị, Đảng cũng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; đổi mới quan hệ hợp tác quốc tế theo hướng mở rộng hợp tác, kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Nền kinh tế Việt Nam đã chuyển mình rõ rệt. Đời sống người dân mỗi ngày được nâng cao. Việt Nam có tiếng nói nặng ký hơn trên phạm vi quốc tế. Năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến Việt Nam, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước - xóa bỏ quá khứ, hướng đến tương lai.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan |
2020, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, Việt Nam tự tin trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Quân đội Việt Nam đã có mặt trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, hiện đang làm nhiệm vụ tại Sudan. Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực. Những cơ hội mới đã mở ra. Những vai trò mới đã được thể hiện. 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi cùng dân tộc và đã cùng nhân dân ta vượt qua bao khó khăn để đến được những mùa xuân hạnh phúc.
Liên Châu
Chia sẻ bài viết: |
Trong vụ lật phà có 1 công dân Việt Nam tử vong. Trận động đất chưa ghi nhận có công dân Việt Nam thiệt mạng
Nội dung này được bà Nguyễn Thanh Xuân - Bí thư Quận ủy quận 3 - nêu tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...
Tại buổi làm việc, đại diện thành viên Đoàn kiểm tra đã công bố dự thảo báo cáo.
Sáng ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng vũ trang TPHCM.
Ngày 2/1, Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc để chuẩn bị cho việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.