90% cặp vợ chồng không có cuối-tuần-dành-cho-nhau là những đôi đang gặp vấn đề?

21/11/2016 - 11:30

PNO - Quỹ thời gian của mỗi người là như nhau. Mỗi người sẽ dành thời gian ưu tiên cho việc mà họ thấy quan trọng. Hạnh phúc gia đình, nụ cười con trẻ, có phải là chuyện quan trọng nhất của những người đã có gia đình?

“Bữa nào tụi mình tụ tập ăn uống, hát hò đi. Thứ Bảy, Chủ nhật tuần nào tớ cũng rảnh, có thể dành hết cho các cậu”. Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, Nguyên nhún vai: “Có gì lạ đâu. Cuối tuần vợ chồng tớ có phương châm mạnh ai nấy sống”. Nhìn lại, trong số bạn bè và những người quen của tôi, không ít người có cách sống như Nguyên. Mạnh chồng bù khú với bạn bè, mạnh vợ với những chuyến rong chơi. Cả hai đều tìm kiếm niềm vui, chỉ tiếc là không phải niềm vui chung.

Theo khảo sát bỏ túi của tôi với những người quanh mình, có đến 90% cặp vợ chồng không có cuối-tuần-dành-cho-nhau là những đôi không ít thì nhiều, đang gặp vấn đề trong hôn nhân. Họ thờ ơ với nhau, không tìm được những phút giây gắn bó, chia sẻ… Cũng vì thế, họ mới chạy theo những cuộc vui riêng, với những người khác, không phải là “một nửa” của mình.

 90% cap vo chong khong co cuoi-tuan-danh-cho-nhau la nhung doi dang gap van de?

“Phụ nữ các bà đòi hỏi quá. Chúng tôi đã dành cả đời cho các bà rồi, cuối tuần cũng phải cho chúng tôi chút không gian riêng để… thở với chứ!” - Mạnh, đồng nghiệp của em trai tôi đã phản ứng như thế, khi mọi người khuyên can Dung, vợ Mạnh, tạm gác quyết định bỏ về nhà sống với cha mẹ vì bất mãn ông chồng ích kỷ, lúc nào cũng đòi hỏi: “Anh phải được sống cho mình. Anh là chồng chứ đâu phải… tù nhân mà lúc nào cũng bị quản thúc”.

Vợ chồng son đã vậy, nên khi gia đình có thêm một, hai thành viên nhỏ, cái lý “muốn được sống cho riêng mình” dường như càng quyết liệt hơn. Nhiều người trong cuộc, khi mạnh mẽ đòi hỏi quyền tự do ngỡ-như-chính đáng ấy, đã không chịu lưu ý đến cảm xúc và phản ứng của những người đang cùng sống dưới một mái nhà với mình.

“Chủ nhật tuần sau, cô cho con sang chơi với Bí Bo nữa nha? Đồ ăn cô nấu ngon quá…”, Tèo, cậu bé hàng xóm bảy tuổi, rụt rè nói với chúng tôi. Chẳng là sáng cuối tuần đi chợ về, thấy Tèo ngồi buồn xo trước cửa, hỏi thăm hóa ra cha mẹ Tèo đều đi vắng, cô trông trẻ bận đột xuất không đến được, nên Tèo phải lê la ngoài sân. Chúng tôi cho cậu bé vào nhà chơi, ăn cơm trưa cùng cả nhà. Đến tận tối mịt mẹ bé mới sang đón con về.

Được tôi đồng ý, Tèo hào hứng chân sáo về nhà. Dần dần, những ngày cuối tuần là nhà tôi nghiễm nhiên có thêm một thành viên mới. Ban đầu, tôi ngỡ cha mẹ Tèo bận việc, nhưng hóa ra là họ dành những ngày cuối tuần để sống-cho-riêng-mình.

“Tụi em tất bật, căng thẳng suốt năm ngày làm việc, nên thứ Bảy, Chủ nhật phải nạp năng lượng mới có sức tiếp tục chiến đấu trong tuần tới. Anh ấy chơi tennis, câu cá, cà phê, nhậu nhẹt. Em thì đi massage, spa, mua sắm, gặp gỡ bạn bè. Vì dắt con nít theo không tiện. Tụi em đã tìm một cô giữ trẻ để trông nom bé Tèo. Cha mẹ phải khỏe khoắn, vui vẻ mới có sức cày bừa lo cho con”, Ngân Hạnh, mẹ Tèo, phân bua với tôi.

Chuyện nhà Tèo xem ra không phải cá biệt. Một người bạn tôi, cũng sáng thứ Bảy là chở con về gửi ngoại. Đôi lần tôi góp ý bạn nên dành thời gian cho con, vì những mốc trưởng thành của trẻ trôi qua rất nhanh; thoắt cái là con đã chuyển sang một giai đoạn mới, tâm sinh lý biến chuyển rõ rệt. Nếu không phải cha mẹ thì ai là người kề cận bên con để kịp uốn nắn, dạy dỗ?

Bạn tôi phản biện bằng câu chuyện cũng rất đáng suy ngẫm. Trước đây, cả nhà bạn cũng giữ nếp bên nhau ngày cuối tuần; nhưng “bên nhau” mà không “cùng nhau”. Chồng thì xem ti vi, lướt mạng, chơi game. Vợ chát chít, facebook. Riết rồi cậu con nhỏ chỉ còn biết cắm mặt vào chiếc máy tính bảng. Mạnh ai nấy chìm đắm vào không gian riêng của mình. Đến bữa thì bấm điện thoại gọi pizza, cơm hộp giao tận nhà. Thỉnh thoảng nội ngoại đến thăm, hốt hoảng thấy cháu kính cận dày cộp, người gầy giơ xương. Góp ý với con nhiều lần không xong, bà ngoại tình nguyện làm người trông cháu cuối tuần để hai vợ chồng trẻ rảnh tay “sống cho mình”!

Mỗi người, khi làm một chuyện gì, đều có lý do riêng. Lại có những chuyện thuộc loại “thấy đúng cũng được mà sai cũng được”. Đành rằng, ai cũng cần thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng; nhưng thời gian vụt qua rất nhanh. Tuổi thơ của con chỉ là một giai đoạn ngắn. Trẻ sẽ được dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương thế nào khi cha mẹ cứ mải miết lo cho bản thân? Con cái chúng ta sẽ mang theo vào đời những ký ức thế nào về gia đình, nếu cha mẹ mạnh ai nấy lo thân như thế? Con cái chúng ta sẽ nghĩ gì, phát triển thế nào khi gọi cha, hỏi mẹ chỉ nhận lại được sự thờ ơ và những câu trả lời qua loa?

Trong một lần được phỏng vấn, cô giáo Phan Kim Phụng (16/16 Hoàng Diệu, Phú Nhuận, TP.HCM) “bật mí” lý do khiến mình nhận lời cầu hôn của chồng mình hiện nay là anh Lý Thành Đạt: cô ấn tượng với chuyện mỗi cuối tuần anh đều dành trọn vẹn thời gian cho gia đình. Giờ đây, khi đã chung sống, đều đặn mỗi thứ Bảy là vợ chồng chở nhau từ Phú Nhuận về Củ Chi thăm cha mẹ. Cùng vui với đại gia đình trọn cuối tuần, tối Chủ nhật vợ chồng con cái quay về nhà chuẩn bị cho một tuần mới.

Gia đình chị Cẩm Vân (chuyên viên tư vấn cấp cao Công ty giáo dục Hoa Kỳ) thì mỗi cuối tuần lại cùng bạn bè - cũng là những ông bố bà mẹ trẻ, đưa con đi dã ngoại, cắm trại, lên rừng, xuống biển. Con có bạn cùng trang lứa chơi đùa, cha mẹ cũng có bạn để trao đổi đủ thứ chuyện trên đời.

Những cha mẹ ấy đâu phải là không bận rộn, không bị áp lực công việc, không mệt mỏi, căng thẳng; nhưng họ đã biết tìm niềm vui chung cùng những người thân yêu, chứ không ích kỷ chọn việc đắm mình vào thế giới riêng.

Ai đó đã từng nói: Quỹ thời gian của mỗi người là như nhau, 24 tiếng đồng hồ một ngày. Mỗi người sẽ dành thời gian ưu tiên cho việc mà họ thấy quan trọng. Hạnh phúc gia đình, nụ cười con trẻ, có phải là chuyện quan trọng nhất của những người đã có gia đình?

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI