9 mẹo chi tiêu tiết kiệm cho gia đình

12/07/2016 - 10:37

PNO - Việc tiết kiệm không chỉ giúp bạn sống ổn định với thu nhập hiện tại mà còn giúp con bạn hiểu việc tiêu tiền cũng quan trọng không kém kiếm tiền.

Nhiều gia đình tuy thu nhập không cao nhưng vẫn có thể sống thoải mái vì biết chi tiêu hợp lý, đúng chỗ. Việc tiết kiệm không chỉ giúp bạn sống ổn định với thu nhập hiện tại mà còn giúp con bạn hiểu việc tiêu tiền cũng quan trọng không kém kiếm tiền.

1. Lên thực đơn cho bữa ăn

9 meo chi tieu tiet kiem cho gia dinh
Ảnh minh họa: Internet

Nếu có thói quen ăn bữa nào mua bữa đó, bạn rất dễ bỏ phí thực phẩm không sử dụng hết vì tính toán không chính xác lượng thức ăn. Hoặc, nếu bạn có thói quen mua nhiều thực phẩm hàng tháng, hàng tuần mà không có kế hoạch tiêu thụ cụ thể, bạn cũng sẽ rất dễ lãng phí.

Tốt nhất bạn nên lên thực đơn cho cả tuần, cả tháng, phối hợp nhiều món ăn từ những thực phẩm cùng loại. Nhờ vậy, thức ăn của bạn sẽ đa dạng hơn nhưng vẫn có thể bổ sung đủ những chất dinh dưỡng cần thiết. Việc lên thực đơn trong nhiều ngày còn giúp bạn chủ động thoát được tâm lý ăn ngoài hàng quán, rất dễ khiến bạn “cháy túi”. Hãy dành những bữa ăn ngoài cho những lý do đặc biệt.

2. Mua sắm thông minh

Trước khi vào cửa hàng mua bất cứ món đồ gì, bạn cần chắc chắn mình có kế hoạch cụ thể. Hãy mua thứ bạn cần thay vì mua thêm những thứ bạn muốn, bạn thích. Việc thiếu kiểm soát khi mua sắm sẽ khiến bạn phải giật mình khi ra khỏi cửa hàng. Bạn cũng cần cân nhắc xem có nên cho con theo khi đi mua sắm không. Ở những cửa hàng có bán đồ chơi, bánh kẹo, bạn sẽ rất khó không tiêu thêm tiền, bởi những yêu cầu mua quà bánh của con. Nếu chỉ muốn đến cửa hàng để mua vài thứ cần thiết, bạn đừng dắt trẻ theo.

3. Thay chuyến đi xa tốn kém bằng thời gian khám phá

9 meo chi tieu tiet kiem cho gia dinh
Xác định một địa điểm gần nơi mình sống và đưa các thành viên trong gia đình đến khám phá

Những tour du lịch xa tốn kém không phải lúc nào cũng cho bạn những trải nghiệm thú vị. Hãy xác định một địa điểm gần nơi mình sống và đưa các thành viên trong gia đình đến khám phá những điều thú vị ở đó. Cùng nhau sống trong một không gian mới, tạm quên thời khóa biểu sinh hoạt gia đình quen thuộc, bạn sẽ có những giây phút đầy niềm vui.

4. Chọn vật dụng dùng được nhiều lần

Luôn đặt câu hỏi: “Món đồ này có thể tái sử dụng được không?” trước khi quyết định mua một món nào đó. Ví dụ, thay vì sử dụng khăn giấy dùng một lần, bạn có thể mua một xấp khăn vải, giặt lại sau mỗi lần sử dụng, dùng được rất nhiều lần. Nếu bạn có thói quen mua nước uống đóng chai, bạn có thể chọn loại chai có chất liệu tốt, đổ nước lọc vào và sẽ không lo thiếu nước cho cả ngày.

5. Mua đồ đã qua sử dụng

Thứ bạn cần luôn có thể là thứ mà người khác muốn chuyển nhượng. Đó có thể là sách vở, quần áo, đồ chơi, chiếc xe đạp… Hãy tham khảo thông tin về món đồ bạn muốn mua và tìm xem ai đang có nhu cầu bán lại hay không. Bạn có thể tiết kiệm một khoản tiền đáng kể nếu mua đồ cũ với giá trị sử dụng còn tốt.

6. So sánh giá cả

Khi buộc phải mua một món hàng mới, đừng quên so sánh giá ở những cửa hàng khác nhau. Luôn có sự chênh lệch giá ở những điểm bán hàng. Hãy tìm hiểu thêm các hệ thống bán lẻ và tìm nơi có chính sách bán hàng phù hợp với bạn.

7. Giải trí ở nhà

Không nhất thiết ngày nghỉ là phải đi xem phim, đến khu giải trí mà bạn có thể khéo léo tạo nên những ngày nghỉ tuyệt vời cùng các con không mấy tốn kém. Những trò chơi tập thể đều có thể tận dụng được. Con của bạn vẫn có được những giờ hoạt động thú vị, đầy tiếng cười qua các trò chơi đơn giản. Hãy chọn thảm cỏ xanh ở công viên, quây quần tận hưởng không khí gia đình, điều đó hiệu quả hơn việc “ném” tiền vào những khu vui chơi nhiều.

8. Tạo thói quen đến thư viện

9 meo chi tieu tiet kiem cho gia dinh
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ở nơi bạn sinh sống chắc chắn có những thư viện mà chi phí đăng ký thành viên rất “mềm”. Hãy đưa con đến, vừa tiết kiệm, vừa tập cho con thói quen đọc sách, rất tốt cho bất kỳ đứa trẻ nào.

9. Tiết kiệm điện nước

Hãy dùng đúng lượng điện, nước bạn cần và tắt tất cả thiết bị khi không dùng đến. Lời khuyên này không bao giờ thừa. Bằng cách tắt/bật đúng lúc, đúng liều lượng, bạn sẽ dạy cho con mình được bài học tiết kiệm năng lượng từ những thói quen hàng ngày.

Anh Thông (Theo Money Crashers)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI