9 loại gia vị nên có trong nhà khi trời lạnh

19/01/2021 - 06:00

PNO - Y học cổ truyền có những vị thuốc mang tính ấm cay để trừ hàn, ấm bụng... thường được dùng nhiều vào mùa lạnh.

Những vị thuốc này không chỉ là vị thuốc dùng trong các bài thuốc, mà còn được dùng phổ biến như gia vị, tạo mùi độc đáo cho món ăn, bên cạnh đó còn làm ấm bụng, dễ tiêu, trừ lạnh. Dưới đây là một số vị thuốc – gia vị thường được sử dụng trong mùa lạnh.

Đại hồi

Khí thơm, vị cay, tính ấm, không có độc, đi vào tâm, thận, vị, tiểu trường và bàng quang. 

Đại hồi (hoa hồi) có tác dụng trừ hàn tán kết, dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, bụng đầy trướng, thấp khớp và làm thuốc gây trung tiện. Ngày dùng 1g - 4g quả dạng thuốc bột hoặc 4-8g thuốc sắc, hãm.  Đại hồi dùng ngâm rượu xoa bóp để chữa đau nhức khớp xương.

Quế chi

Quế chi là cành non phơi khô của một số loài quế Cinamomun optusifolium. Vỏ quế có vị đắng, thơm, ngọt và ấm.

Vỏ quế có tác dụng tăng tiết mồ hôi, giảm hội chứng ngoại sinh hoạt huyết làm ấm kinh lạc và trừ hàn, giải cảm. Ngày dùng 1g - 4g dạng thuốc sắc hoặc hãm.

Quế chi còn dùng kết hợp với bạch thược hay phụ tử trị đau khớp do nhiễm phong hàn.

Tiểu hồi

 

Vị thuốc tiểu hồi là quả của cây tiểu hồi (Fructus Foeniculi.) có vị cay, tính ôn, quy kinh can, thận, tỳ, vị.

Tiểu hồi có tác dụng ôn thận, tán hàn, giảm đau, điều khí. Nhờ đó làm ấm can, thăng can khí trị các chứng đau bụng do hàn; ấm vị khí, trị biếng ăn, ăn không ngon miệng, ăn không tiêu, buồn nôn.

Tiểu hồi hương 6g, gừng sống 20g đem sao vàng, tán bột, làm hồ hoàn hay rượu. Chia uống 2 lần, uống với nước. Trị chứng đầy hơi, bụng trướng sưng đau, nôn oẹ kém ăn.

Hồ tiêu

Hồ tiêu vị cay tính nóng, trị chứng vị hàn đàm, ói nước, ăn vào ói ngay rất tốt. Ngoài ra, hồ tiêu có vị thuốc kích thích tiêu hóa, giảm đau.

Gừng

Tùy vào tính chất khô hay tươi sẽ mang tên gọi khác nhau: sinh khương (thân rễ tươi) và can khương (thân rễ khô).

Sinh khương là gừng tươi có vị cay, tính ấm, có tác dụng khu phong tán hàn, giải biểu, ôn thông kinh lạc. chữa cảm mạo, nhức đầu, phong hàn, ho có đờm, bụng đầy trướng, nôn mửa, kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết.

Dùng củ gừng tươi nướng lên có tác dụng chữa đau bụng, lạnh bụng, đi ngoài. Gừng khô, gừng sao dùng chữa đau bụng do lạnh, chân tay lạnh, bụng đầy trướng, khó tiêu.

Thảo quả

Thảo quả (Amomum aromaticum Roxb.) có vị cay, tính ôn, không độc, có tác dụng trục hàn, trừ đờm, ấm bụng, giúp ăn ngon miệng. Nhờ đó, thảo quả không chỉ là một gia vị trong nhiều món ăn mà còn là một cây thuốc quý.

Trước đây. thảo quả là loại gia vị phổ biến trong nền ẩm thực Trung Đông và Ả Rập, tuy nhiên, ngày này, thảo quả cũng đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều người sử dụng thảo quả để nấu phở.

Bạch đậu khấu

Quả của cây bạch đậu khấu (Amomum Repens Sonner.) có vị cay, the, mùi thơm, tính nóng, chữa đau, bụng đầy, ợ hơi do hàn tà ngưng tụ và khí trệ gây ra.

Tác dụng giải rượu: Bạch đậu khấu 5g, cam thảo 5g. Sắc nước 450ml nước chia 3 lần uống trong ngày.

Trần bì

Trần bì còn có tên khác là thanh bì (làm từ vỏ quýt xanh), trần bì (vỏ quýt chín), quyết, quýt, hoàng quyết (Citrus reticulata Blanco.).

Trần bì có vị cay đắng, tính ấm, tác dụng kích thích nhẹ đối với đường tiêu hóa, giúp cho ruột bài khí tích trệ ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị, có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột.

Ngoài ra, kích thích niêm mạc đường hô hấp, làm tăng dịch tiết, làm loãng đờ, dễ khạc ra. 

Chữa đầy bụng khó tiêu: Xé vài miếng trần bì, rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào cốc nước sôi, hãm trong 15 - 20 phút là có thể dùng được. Chú ý chỉ uống nước lúc còn đang nóng, bỏ bã.

Đinh hương

Nụ hoa của cây đinh hương (Eugenia caryophyllata thunb.) giống như một cái đinh, màu nâu sẫm. Có vị cay, tê, mùi thơm mạnh, tính ấm.

Tác dụng kích thích, làm thơm, ấm bụng, chống nôn, giảm đau, sát khuẩn, làm săn, tiêu sưng. Giúp làm ấm tỳ vị và làm ấm thận bổ dương.

Trị các chứng nôn do dạ dày hàn, trẻ em trớ sữa do lạnh bằng cách dùng 4g đinh hương, tai hồng 12g, đảng sâm 12g, gừng sống 12g. Sắc nước uống. 

Các loại gia vị - vị thuốc trên thường được sử dụng nhiều vào mùa đông là một cách bảo vệ cơ thể chống lại cái lạnh. Tuy nhiên cần thận trọng đối với người âm hư hỏa vượng (nóng trong người) không nên dùng.

Bác sĩ Ck2 Huỳnh Tấn Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI