9/10 nước nghèo sẽ không được tiêm chủng khi các nước giàu thâu tóm vắc-xin COVID-19

10/12/2020 - 06:00

PNO - 9/10 nước nghèo trong nhóm 70 quốc gia có thu nhập thấp khó có khả năng được tiêm vắc-xin COVID-19 vào năm tới, vì phần lớn các loại vắc-xin hứa hẹn nhất sắp được tung ra thị trường đều đã bị phương Tây bỏ tiền mua.

Khu định cư ổ chuột ven sông Makoko ở Lagos, Nigeria. Các nhà vận động phát hiện 67 quốc gia thu nhập thấp đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau, khi các nước giàu đã có đầy đủ phương tiện thoát khỏi đại dịch - Ảnh: AFP/Getty Images
Khu định cư ổ chuột ven sông Makoko ở Lagos, Nigeria - Ảnh: AFP/Getty Images

Khi những người đầu tiên ở Anh được tiêm vắc-xin, Liên minh Vắc-xin của Nhân dân (PVA) cảnh báo rằng những thỏa thuận do chính phủ các nước giàu thực hiện sẽ khiến người nghèo phải trân mình trước sự tấn công của dịch bệnh đang hoành hành. Các nước giàu - chiếm 14% dân số thế giới - nắm trong tay 53% các loại vắc-xin hứa hẹn nhất.

Theo liên minh PVA, một tổ chức có đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế, AIDS Tuyến đầu, Công lý Toàn cầu và Oxfam thì Canada là nước mua nhiều liều vắc-xin (tính trên đầu người) hơn bất kỳ nước nào khác. Số liều vắc-xin này đủ để tiêm chủng cho mỗi người Canada năm lần.

Anna Marriott, giám đốc chính sách y tế của Oxfam tuyên bố: “Không nên cản trở bất cứ người nào được tiêm vắc-xin  chỉ vì đất nước họ đang sống và túi tiền của họ”. Cô cho biết, “trừ khi có sự thay đổi đặc biệt nào đó, nếu không hàng tỷ người trên thế giới sẽ không nhận được vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả trong nhiều năm tới”.

Nữ công dân Anh Margaret Keenan được coi là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin Pfizer/BioNtech. PVA cảnh báo phương Tây đã mua 96% các liều vắc-xin này - Ảnh: EPA
Nữ công dân Anh Margaret Keenan được coi là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin Pfizer/BioNtech. PVA cảnh báo phương Tây đã mua 96% các liều vắc-xin này - Ảnh: EPA

Nguồn cung cấp vắc-xin Pfizer/BioNTech - được phê duyệt ở Anh vào tuần trước - hầu như sẽ được chuyển hết đến các nước giàu, khi các nước phương Tây đã mua đến 96% liều vắc-xin. Vắc-xin Moderna - sử dụng một công nghệ tương tự, công nghệ này được cho là có hiệu quả tới 95% - cũng chỉ dành riêng cho các nước giàu. Giá hai loại vắc-xin trên đều rất cao và đối với các nước thu nhập thấp, khả năng tiếp cận chúng sẽ rất phức tạp vì chúng cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ cực thấp.

Ngược lại, vắc xin của Đại học Oxford/AstraZeneca - hiệu quả lên đến 70% - ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường và mức giá được cố tình đặt thấp để có thể tiếp cận toàn cầu. Các nhà sản xuất cho biết 64% các liều vắc-xin này sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển. Các nhà vận động hoan nghênh cam kết này, nhưng họ cho biết một mình Oxford/AstraZeneca không thể cung cấp vắc-xin cho toàn thế giới. Nhiều nhất, Oxford/AstraZeneca chỉ có thể tiếp cận 18% dân số thế giới vào năm tới.

Liên minh PVA sử dụng dữ liệu từ công ty phân tích và thông tin khoa học Airfinity để phân tích các giao dịch toàn cầu của 8 ứng cử viên vắc-xin hàng đầu. Họ phát hiện 67 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp có nguy cơ bị bỏ lại phía sau khi những quốc gia giàu có thẳng tiến tới con đường thoát khỏi đại dịch. 5 trong số 67 nước nghèo - Kenya, Myanmar, Nigeria, Pakistan và Ukraine - báo cáo đã có gần 1,5 triệu ca nhiễm COVID-19.

Nhà sản xuất vắc-xin Oxford/AstraZeneca được ca ngợi vì đã tạo ra các liều thuốc hợp lý cho các nước đang phát triển, nhưng các nhà vận động cho biết nó chỉ đáp ứng 18% dân số thế giới vào năm 2021 - Ảnh: AFP/Getty Images
Nhà sản xuất vắc-xin Oxford/AstraZeneca được ca ngợi vì đã tạo ra các liều thuốc hợp lý cho các nước đang phát triển, nhưng các nhà vận động cho biết nó chỉ đáp ứng đủ cho 18% dân số thế giới vào năm 2021 - Ảnh: AFP/Getty Images

Những nhà vận động PVA muốn các nhà sản xuất vắc-xin chia sẻ công nghệ và tài sản trí tuệ của họ thông qua Nhóm Tiếp cận Công nghệ COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều này cho phép sản xuất thêm hàng tỷ liều vắc-xin với giá rẻ cho các nước đang phát triển. “AstraZeneca/Oxford, Moderna và Pfizer/BioNTech đã nhận được hơn 5 tỷ USD tài trợ công để phát triển vắc-xin, điều đó có nghĩa là họ có trách nhiệm hành động vì lợi ích công cộng toàn cầu”.

Tiến sĩ Mohga Kamal Yanni của Liên minh vắc-xin PVA cho biết: “Các nước giàu có đủ liều thuốc để tiêm chủng cho mọi người gần gấp ba lần, trong khi các nước nghèo thậm chí không có đủ liều để ưu tiên cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ mắc bệnh”. Ông nhấn mạnh, "hệ thống hiện tại, với việc các tập đoàn dược phẩm sử dụng tài trợ của chính phủ để nghiên cứu, giữ độc quyền và bí mật công nghệ để tăng lợi nhuận, có thể khiến nhiều người thiệt mạng”.

Thanh Hiền (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI