8X đưa than không khói từ gáo dừa xuất ngoại

03/11/2017 - 00:05

PNO - Sinh năm 1984 tại Quảng Trị, Lê Thị Hiền - nữ kỹ sư chuyên về nghiên cứu đã làm ra loại than không khói từ gáo dừa cung cấp cho thị trường trong lẫn ngoài nước.

‘Đường ngách’ tham đấu thị trường than

Lê Thị Hiền từng là một kĩ sư chuyên về nghiên cứu. Cô gái sinh năm 1984 này đã nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp từ phế phẩm nông nghiệp, sản xuất những mặt hàng thân thiện với môi trường từ rất sớm.

Hiền kể, sau một lần nhận nghiên cứu dự án cho đối tác nước ngoài về sản phẩm hạn chế khói trong shisa, cô đã phát hiện được yếu tố then chốt phát triển mặt hàng than không khói từ gáo dừa.

8X dua than khong khoi tu gao dua xuat ngoai
Lê Thị Hiền (giữa) vừa nhận được giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp dự án nông nghiệp lần 3.
 

Gáo dừa là một phế phẩm nhiều lợi ích sau khi tái chế. Tuy nhiên, lượng phế phẩm dồi dào này lại không được tận dụng hết công năng. Hầu hết những công ty chuyên sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa hoặc xuất thô làm than củi ở Trung Quốc đem lại lợi ích kinh tế rất thấp. Đi từ suy nghĩ này, Hiền quyết định gia công gáo dừa để biến chúng thành loại than không khói thân thiện với môi trường.

Nói về đặc tính của loại than không khói, nữ kỹ sư 8X khẳng định: khi gia công gáo dừa theo quy trình đúng tiêu chuẩn sẽ cho ra sản phẩm không tạo khói, không có mùi, không tro bám vào thức ăn và hoàn toàn không bắn tia lửa.

Trước khi bắt tay vào sản xuất, Hiền đã tiến hành tìm hiểu kĩ thị trường và phát hiện nhu cầu sử dụng than không khói tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung rất lớn. Chưa kể, nếu sản xuất thành công, đây có thể là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời điểm không xa.

Nguồn gáo dừa dồi dào và ổn định nhất được lấy từ Bến Tre. Thời điểm bắt đầu, Hiền phải đi từng nhà để mua nguyên liệu của bà con nông dân, sau đó tìm những lò than để đốt gáo dừa. Nhà xưởng với 8 công nhân gia công sản phẩm được chuẩn bị trong 1 năm và bắt đầu đi vào hoạt động. Sau khoảng thời gian cung ứng cho thị trường trong nước, than không khói được xuất thô sang HongKong.

Từ một kỹ sư chuyên về nghiên cứu bước ra môi trường kinh doanh, Hiền đã phải học lại tất cả, từ cách bán hàng, nghiên cứu thị trường, quản lý,… Những kiến thức này  giúp cô nắm bắt khá tốt “quy trình” xây dựng và đưa thương hiệu Việt vươn xa hơn.

8X dua than khong khoi tu gao dua xuat ngoai
Sản phẩm than không khói của nữ kỹ sư Lê Thị Hiền.

Tham vọng của Lê Thị Hiền, không chỉ mong muốn sản phẩm thâm nhập ngành nhiên liệu quốc tế mà trên hết, nó phải mang tên Việt, do người Việt và được thị trường nước ngoài công nhận xuất xứ. Đó cũng là lý do chị Hiền quyết định “thay da đổi thịt” và quyết định ngưng xuất thô. Thương hiệu than không khói R2D ra đời từ đó.

“Tôi muốn sản phẩm làm ra cũng có tên, tuổi, một dạng ‘khai sinh’ trước khi xuất đi các quốc gia khác, thay vì trước đây Việt Nam được biết đến chủ yếu là xuất đi những sản phẩm thô ra thế giới”, Hiền cho biết.

Dùng thương mại điện tử để "xông pha" quốc tế

Thay vì lựa chọn các hình thức chào hàng truyền thống tại thị trường ngoại, tìm kiếm đầu tư theo phương pháp giới thiệu quảng bá như nhiều thương hiệu khác, nữ kỹ sư Lê Thị Hiền lại lựa chọn một hướng đi rất táo bạo để tìm đầu ra cho mặt hàng than không khói, đó chính là quảng bá bằng… thương mại điện tử.

“Tôi muốn xem yêu cầu của các sản phẩm ở Mỹ, châu Âu thì sẽ như thế nào và làm sản phẩm đủ tiêu chuẩn để có thể vào thị trường của họ. Sau đó, mình lấy luôn sản phẩm quốc tế như vậy để quay trở lại thị trường Việt Nam”, chủ dự án nói thêm.

Sau khi hoàn thiện sản phẩm, Hiền đã có ngay một cửa hàng trên Alibaba (kênh xuất khẩu hàng hóa trực tuyến). 

“Đặt cửa hàng ở những nơi như vậy tôi mới nghe được những đánh giá, nhu cầu của khách hàng ở những thị trường khó tính như Mỹ. Từ đó mới có cơ sở để dần hoàn thiện sản phẩm, đánh dấu thương hiệu Việt khi xông pha quốc tế”, Hiền tâm sự.

Sau sáu tháng đặt cửa hàng tại kênh, Hiền chỉ có... duy nhất một khách hàng. Đến thời điểm hiện tại đã có thêm bốn khách hàng tiềm năng đang bắt đầu "bắt tay" với sản phẩm của cô. Sau kênh phân phối đầu tiên tại Alibaba, chị Hiền mở rộng sang Lazada, Organica… một số cửa hàng/thương hiệu Việt như: Ân Nam Maket, các cơ sở phân phối gas, các chuỗi nhà hàng nướng,… với sản lượng mỗi ngày được khoảng 2,5 tấn than.

“Chúng tôi đang đàm phán với một đối tác Mỹ để xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu R2D, sản phẩm Việt Nam, không xuất khẩu thô nữa”, Hiền vui vẻ cho biết.

Nói về “đường ngách” để tham đấu vào thị trường than rộng lớn, Hiền tỏ ra rất tự tin. Cũng có thể đánh giá, sản phẩm của kỹ sư Hiền hoàn toàn mới mẻ so với thị trường than truyền thống. Chính vì thế, việc nâng tầm sản phẩm trước thời điểm tham gia thị trường quốc tế là một quyết định sáng suốt.

Theo nữ kỹ sư 8X, trước tiên nhà sản xuất phải đáp ứng được các đặc tính siêu việt mà sản phẩm than của đối thủ đang sở hữu. Từ đó thuyết phục được những khách hàng lớn khó tính và chỉ ra cho họ thấy, vì sao phải dùng hàng của mình, ưu thế là gì và lợi ích ra sao, mới mẻ như thế nào...

"Chưa kể, thị trường ngoại cũng như nhà đầu tư quốc tế luôn ưu tiên cho những doanh nghiệp hướng đến mục đích cộng đồng và môi trường. Việc thắng lớn của thương hiệu chỉ là sớm muộn, không thể thất bại”, Hiền kỳ vọng.

Hiện tại, than không khói sử dụng tiết kiệm hơn than củi khoảng 20% mà giá bán khoảng 18.000 đồng/kg.

Với mức giá than củi trên thị trường khoảng 15.000 đồng/kg thì giá than không khói của kỹ sư Hiền sẽ có chỗ đứng nhất định trên thị trường. 


Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI