8x chia sẻ phương pháp 'ăn dặm kiểu mẹ' giúp bữa ăn trở thành niềm vui của trẻ

19/11/2016 - 06:41

PNO - “Ăn theo kiểu của mẹ , không theo kiểu Nhật , kiểu truyền thống hay kiểu gì hết, các mẹ đừng áp đặt mình phải thế này thế kia, quan trọng nhất phải hiểu con mình cần gì”, chị Thúy chia sẻ.

Giai đoạn cho bé ăn dặm là giai đoạn khó khăn đối với cả mẹ và bé. Giai đoạn chuyển tiếp từ bú sữa mẹ sang ăn dặm là một trong những giai đoạn quan trọng ở những năm đầu đời của bé. Bé cần được bắt đầu tập ăn đúng thời điểm để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng vào cơ thể bên cạnh nguồn sữa mẹ, thích nghi với thức ăn bên ngoài và tránh nguy cơ thiếu chất. Nhờ phương ăn dặm “theo kiểu mẹ” mà chị Thanh Thúy đã không còn phải lo lắng về sức khỏe của con, mỗi bữa ăn của bé trở thành niềm vui đối với hai mẹ con chị.

8x chia se phuong phap 'an dam kieu me' giup bua an tro thanh niem vui cua tre
Chị Thanh Thúy cho bé ăn dặm thành công với phương pháp ăn dặm "kiểu của mẹ"

Chị Trần Thị Thanh Thúy (1988) ở Đồng Nai cho biết: “Ban đầu thì mình cũng hoang mang dữ dội giữ các phương pháp cho con ăn dặm khác nhau nhưng lấy con làm chính, biết con cần chất xơ nhất nên quyết định cho con bổ sung rau củ. Mình tìm hiểu trước trên mạng xem những loại rau củ quả nào tính mát, nhiều chất xơ, giúp nhuận tràng cho bé cũng như các loại rau củ nào không nên cho bé ăn. Bước đầu cũng chưa biết làm bao nhiêu nên hấp nhiều có khi dư nhiều, rồi lách cách đủ thứ rây, lọc, máy xay, chén, thìa, dần dần thì quen và làm nhanh lẹ gọn gàng hơn.

Ngày đầu tiên mình không gặp khó khăn gì, mình cho bé ăn cà rốt nghiền mịn trộn sữa, con hợp tác tốt. Nhưng vẫn có hôm bé khóc không ăn, lúc đó đành bỏ. Có ngày thì do mình xay thức ăn chưa nhuyễn, bé ăn được hơn nửa chén thì lợm họng nên ói hết. Đành lau rửa cho con rồi cho con đi ngủ vì con sợ rồi không ăn nữa. Sau đó, để 1,2 ngày rồi cho bé ăn lại.

Cũng có lúc bị ông bà ca cẩm là "sao lại cho ăn cái này, sao lại cho ăn cái kia, ăn rau này sẽ bị tiêu chảy, ăn khoai lang bị ợ nóng sao con chịu được", mệt lắm nhưng cứ kiên quyết thôi vì mình cũng tìm hiểu rõ những loại thực phẩm đó rồi mới dám cho con ăn. Bé chưa từng bị tiêu chảy, đau bụng hay chướng hơi gì hết.

Vì vậy, mình quyết định cho bé ăn theo kiểu của mẹ, không theo kiểu Nhật, kiểu truyền thống hay kiểu gì hết nên các mẹ đừng áp đặt mình phải thế này thế kia, quan trọng nhất phải hiểu con mình cần gì”.

Do bé nhà chị hay bị táo bón nên chị quyết định tập cho bé ăn dặm lúc 5,5 tháng chứ không chờ đủ 6 tháng. Vì vấn đề của con táo bón nên ban đầu chị cho bé ăn rau, củ, quả trước để bổ sung chất xơ. Các loại rau củ tốt cho tiêu hóa, giúp bé dễ đi ngoài phải kể đến là : khoai lang, khoai tây, cà rốt, su lơ xanh, rau mồng tơi, rau đay, bí ngòi, bí ngô, bầu, bí ....Tất cả các loại chị đều đã cho con thử qua.

Chị chia sẻ: “Rau củ các mẹ rửa sạch, hấp chín chứ không nên luộc để không bị mất chất dinh dưỡng. Khi hấp hạn chế mở vung để tránh vitamin bay mất. Sau đó nghiền nhuyễn qua rây (ray) hoặc xay nhuyễn rồi trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức đã pha. Mình không tính tỉ lệ cụ thể, cứ trộn cho tới lúc sánh vừa bé nuốt là được. Mới tập thì chỉ cần đặc hơn so với sữa 1 tí thôi nha . Các bạn giai đoạn mới chỉ nên cho bé ăn dặm 1 bữa / ngày.

Mình làm hơn nửa chén con của bé, bé ăn bao nhiêu thì ăn, dư thì mình bỏ chứ không ép con ăn thêm dù chỉ một thìa, cũng không máy móc sách vở kiểu chỉ cho con ăn 3, 4 thìa... Bé còn đòi ăn thì mình còn đút. Trộm vía bé ăn bữa nào cũng gần hết. Lâu lâu có ngày con không muốn ăn thì mình cho nghỉ, tu ti sữa. Cho con ăn dặm rau củ quả cải thiện rõ rệt việc đi ngoài của con. Trước bé nhà mình có khi 14 ngày mới đi ngoài, từ khi ăn dặm củ quả bé dần rút gọn lại 11 ngày, 7 ngày, 5 ngày ....và bây giờ gần như đều đặn 2 ,3 ngày đi 1 lần, phân mềm, xốp, thành khuôn. Đó chính là kết quả mà mình mong đợi.

Sau khi bé đủ 6 tháng, mình bắt đầu cho con ăn đa dạng hơn và ăn tăng lên 2 bữa/ngày. Mình tập cho con ăn thịt heo, thịt gà, chim bồ câu, tất cả đều ổn. Khi con được tròn 7 tháng mình sẽ cho con thử thịt bò , cá , tôm...”

8x chia se phuong phap 'an dam kieu me' giup bua an tro thanh niem vui cua tre
Chị Thúy tự làm bánh flan từ sữa mẹ cho bé

Chị Thúy thường hấp chín rau (củ), thịt rồi nghiền (xay) nhuyễn, thêm nước sôi và trộn cùng bột ăn dặm bán sẵn, thêm 1 thìa nhỏ dầu oliu là thành 1 chén bột ngon lành cho bé, đảm bảo đủ 4 nhóm: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ. Dầu ăn còn giúp cơ thể bé hấp thu protein trong chất đạm dễ hơn. Thịt heo, gà, chim câu và các loại rau, củ thay đổi thường xuyên cho bé đỡ ngán. Ngoài ra, lâu lâu chị lại đổi vị cho con bằng cách nấu cháo trắng để trộn chứ không dùng bột sẵn. Có ngày thì chị nấu bột gạo, bột đậu xanh, bột ngũ cốc . Có lẽ vì thế mà trộm vía bé ăn rất ngoan và không hề biếng ăn .

“Mình cho bé ăn như vậy cũng hơn cả tháng rồi. Con ăn ngoan, ngủ sâu, tiêu hóa tốt, chỉ có điều chưa tăng cân nhiều lắm, do con hiếu động, hoạt động suốt ngày.

Sau đây là 1 vài câu hỏi và câu trả lời xung quanh việc ăn dặm theo kinh nghiệm của mình nhé”, chị Thanh Thúy chia sẻ.

8x chia se phuong phap 'an dam kieu me' giup bua an tro thanh niem vui cua tre
Sasuke luôn thích thú với các bữa ăn

Tại sao không cho con ăn cháo trắng trước theo kiểu Nhật ?

Vì mình cho con ăn theo kiểu của mình. Mình biết con mình cần chất xơ trước nhất. Hãy gọi đó là ăn dặm kiểu mẹ Sasuke.

Tại sao lại cho bé ăn nhiều thế, mới tập ăn thì chỉ đc ăn 3, 4 thìa thôi, không là sau này bé biếng ăn đó?

Bé nhà mình ăn như thế hơn tháng nay mà chưa hề biếng ăn nhé. Con đang ăn mà không cho ăn nữa mình không nỡ.

Nấu cháo ít ít như thế nào?

Mình bỏ gạo và nước vào 1 ly sứ chịu nhiệt, rồi bỏ ly vào nồi nước để đun, như vậy mình sẽ có 1 ly cháo nhỏ đủ cho con ăn 1, 2 bữa. Nhớ nghiền cháo qua ray nha các mẹ.

Tại sao con các mẹ biếng ăn?

Có thể do một vài nguyên nhân sau :

- Cho con ăn dặm quá sớm, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện khiến con không hấp thu được chất dinh dưỡng, gây cho con đầy bụng, khó chịu nên con không muốn ăn nữa.

- Ép con ăn khi con không thích khiến con bị ám ảnh tâm lý, dẫn đến con sợ ăn, sợ thìa, sợ chén, sợ luôn cái yếm ăn.

- Bột ăn dặm hoặc các món mẹ nấu con quá ngán nên không thèm ăn nữa.

* Các lưu ý khi cho con ăn dặm :

- Không ép con ăn dù chỉ 1 thìa. Khi cho con ăn, quan sát kĩ biểu hiện của con, con nhăn mặt không thích thì nghỉ ngay.

- Ráng chờ con đủ 6 tháng hẵng tập ăn dặm hoặc ít nhất là 5,5 tháng.

-Thay đổi món thường xuyên cho con.

- Tuyệt đối không nêm nếm gia vị vào thức ăn của con. Hãy để con cảm nhận vị ngọt, vị mặn có sẵn trong thực phẩm.

- Khi ăn không nên cho bé xem tivi, điện thọai, ipad.

- Nên cho bé ăn dặm vào khoảng 9, 10 giờ sáng, khi đó là giờ hành chính, có gì thì bệnh viện vẫn làm việc (cười lớn).

- Nên cho con ăn một loại thực phẩm liên tục ít nhất 2 ngày để tiện theo dõi phản ứng cơ thể con, đề phòng dị ứng .

- Một vài món dễ gây dị ứng như thịt bò, hải sản, khoai tây, các loại đậu ...các mẹ nên cho con ăn thử ít ít trước nha .

Và cuối cùng, ăn dặm như thế nào đều do các mẹ quyết định cho con của mình, mọi phương pháp, mọi thực đơn chỉ là để chia sẻ kinh nghiệm và tham khảo vì không ai hiểu con mình bằng người mẹ được.

Trần Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI