88% trẻ em từng bị mắng chửi trong gia đình

18/11/2024 - 10:15

PNO - Cha mẹ vẫn đang chấp nhận việc đánh, mắng như một hình thức giáo dục. Cần xóa bỏ mọi hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ.

Có tới 88% trẻ em được khảo sát cho biết đã từng bị mắng, chửi trong gia đình; 54% đã từng bị đánh trong gia đình; 54% bị kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội (kết bạn, tình yêu).

Đó là số liệu từ nghiên cứu năm 2024 của Doanh nghiệp xã hội MSD United Way Việt Nam được bà Trần Vân Anh - sáng lập và Chủ tịch của MSD - nêu tại triển lãm nghệ thuật đương đại Vài “A” Lần ngày 16-17/11/2024 tại TPHCM.

Tiết mục Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi biểu diễn trong đêm bế mạc dự án Vài A Lần. Ảnh Diệu Hiền
Tiết mục "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" biểu diễn trong đêm bế mạc dự án Vài "A" Lần (ảnh Diệu Hiền)

Bà Vân Anh trình bày: “Báo cáo cho thấy, cha mẹ vẫn đang chấp nhận việc đánh, mắng như một hình thức giáo dục. Để tạo một môi trường và không gian an toàn cho trẻ tại gia đình, cha mẹ và người chăm sóc cần phải xóa bỏ mọi hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ bởi không có biện pháp giáo dục nào “núp bóng” dưới bạo lực. Lan toả yêu thương (một sáng kiến/ chiến dịch thường niên của MSD) vinh dự được đồng hành cùng với triển lãm Vài “A” Lần. Hy vọng qua những tiết mục biểu diễn đậm tính nghệ thuật cùng những tương tác trải nghiệm thực tế và gần gũi, khán giả nhận thức sâu sắc hơn về bạo lực để từ đó có thể phòng tránh, hỗ trợ và góp phần chấm dứt mọi hình thức bạo lực, xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc và yêu thương”.

Đấu giá các hiện vật để gây quỹ phòng chống bạo lực gia đình
Đấu giá các hiện vật để gây quỹ phòng chống bạo lực gia đình (ảnh: Diệu Hiền)

Vài “A” Lần là một dự án phi lợi nhuận, khởi xướng bởi nghệ sĩ La Zung và hơn 20 nghệ sĩ (các loại hình âm nhạc, múa, hội họa, nghệ thuật sắp đặt... ) và chuyên gia cùng thể hiện chủ đề bạo lực gia đình trong không gian sân khấu mở.

Các tiết mục được trình diễn: MV ứng tác Lầm lỗi không màu (đạo diễn, nghệ sĩ La Zung), chuyển động ứng tác Ngày xưa bố mẹ cũng thế mà có sao đâu? (nghệ sĩ Lê Mai Anh, Lê Chí Nguyễn và Lý Trí An), đọc thơ ứng tác cùng liệu pháp chuông xoay Suy nghĩ bẻ đôi (Nhà thơ Liêu Hà Trinh, nghệ nhân Hoàng Tuyết Mai), đọc thơ ứng tác “một từ” (nhà thơ Nam Thi), múa ứng tác Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi (nghệ sĩ La Zung, Đỗ Hải Anh, Đình Uy), chuyển động ứng tác Mày thấy con nhà người ta chưa? (nghệ sĩ Lyon), chuyển động ứng tác Bản đồ đỏ (nghệ sĩ Nhi Lê...), kịch tham vấn Quá khứ lãng quên: bước vào phiên tham vấn (tiến sĩ/nhà giáo dục học tâm lý Lê Nguyên Phương).

Vài “A” Lần là cách chơi chữ, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để nói về “bạo lực” (trong tiếng Anh là violence) và tiếng hét “A” đau đớn của những người bị bạo lực. Đạo diễn, nghệ sĩ La Zung chia sẻ: “Thực ra ban đầu tôi cũng không rõ vì sao mình lại chọn chủ đề bạo lực gia đình để khai thác trong dự án xã hội đầu tiên này của mình. Trong quá trình làm dự án, tâm sự với chuyên gia tâm lý, tôi nhận ra mình cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Sự chọn lựa này, cơ duyên này không phải là ngẫu nhiên mà đến từ những thứ tôi đã phải chịu đựng suốt quá trình dài nhưng bản thân không nhận diện được nó. Hóa ra khái niệm bạo lực gia đình trước đây tôi hiểu không đầy đủ. Tôi vẫn nghĩ bạo lực là phải có tương tác hoặc bạo lực bằng ngôn từ, giờ thì tôi hiểu đó còn là vô số áp lực từ người thân, sự không công nhận, sự áp đặt, áp lực nối dõi, sự phó mặc...”.

Đạo diễn, nghệ sĩ La Zung cảm động trước sự chung tay của các đơn vị, cá nhân tham gia dự án. Ảnh: Diệu Hiền
Đạo diễn, nghệ sĩ La Zung xúc động chia sẻ về tuổi thơ của mình và cảm ơn các đơn vị, cá nhân đã chung tay làm nên sự thành công của dự án (ảnh: Diệu Hiền)

Tham gia dự án, tiến sĩ Lê Nguyên Phương muốn gửi gắm niềm mong mỏi làm sao cho quan hệ giữa người và người được đặt trên quan hệ nền tảng là thương yêu, thay vì nền tảng khủng bố, đe dọa và sợ hãi để khống chế người khác làm nô lệ cho chính mình.

Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI