823 ngày đêm giữa lòng địch

30/01/2023 - 06:16

PNO - Kết thúc 12 ngày đêm Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không toàn thắng, thiếu úy Trần Trung Đệ (Quân chủng Phòng không Không quân) trở lại đơn vị. Mấy hôm sau, trong bữa cơm trưa, cấp trên gặp ông, hỏi: “Tổ chức muốn cử anh vào miền Nam, anh thấy sao?”. Buông chén cơm, thiếu úy Đệ rạng rỡ: “Tôi chờ điều này mấy chục năm rồi. Đi ngay lúc này cũng được”.

Tập trung ở Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), 1 tháng sau, ông Đệ cùng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chờ về Trại Davis - trụ sở Ban Liên hợp quân sự 4 bên thi hành Hiệp định Paris.

Ở tuổi 90, vị thiếu úy năm xưa rành mạch kể: “Quá trình thi hành Hiệp định Paris là cuộc đấu tranh ngoại giao đặc biệt mà thuận lợi lớn nhất của ta chính là công khai, hợp pháp, còn khó khăn là hoạt động ngay trong lòng địch”. 

Trại Davis nằm sâu trong sân bay Tân Sơn Nhất. Đằng sau sự yên ả của một địa điểm thuận tiện di chuyển, cơ sở tiện nghi, trại được “bảo vệ” bằng hàng chục trại dù và tháp canh của binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, với họng súng luôn chĩa thẳng vào khuôn viên của trại. Ông Đệ nhớ lại: “Chính ủy đoàn lúc đó nói, từ tháp canh đó, họ có thể bắn vào từng đầu giường của chúng ta với đủ loại súng ống, trong khi ta chỉ có súng tự vệ”. 

Hình ảnh lá cờ do trung sĩ Nguyễn Văn Cẩn và thượng sĩ Phạm Văn Lãi (thuộc đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Trại Davis) cắm lên cao để đón chào quân giải phóng
Hình ảnh lá cờ do trung sĩ Nguyễn Văn Cẩn và thượng sĩ Phạm Văn Lãi (thuộc đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Trại Davis) cắm lên cao để đón chào quân giải phóng

Địch giở mọi chiêu trò, thủ đoạn hòng phá hoại Hiệp định Paris. Không chỉ cúp điện, nước, cài cắm thiết bị nghe lén, chúng còn khiêu khích, vu khống nhằm tạo cớ để ta tấn công. Ông Đệ kể, trong công sự với những lỗ châu mai, địch đặt sẵn trung liên, đại liên. Đêm, đợi vệ binh ta tuần tra đến gần, họ đồng loạt kéo cò tạo tiếng kêu lớn để khiêu khích ta nổ súng trước. Nhưng, “Trong mọi hoàn cảnh, ta phải giữ được bình tĩnh, khéo léo giải quyết mọi xung đột để tránh bẫy” - ông Đệ khẳng định.

Ngày 10/3/1975, chiến thắng Buôn Ma Thuột mở màn Chiến dịch mùa xuân 1975. Chiến sự đến hồi ác liệt. Ngày 8/4 năm đó, quân ta lái máy bay ném bom dinh Độc Lập. Ông Đệ nhớ lại: “Cấp trên có chủ trương mở đường máu đưa cán bộ rời khỏi Trại Davis nhưng tất cả quyết tâm ở lại, chiến đấu đến cùng”. 

Ngày 18/4, Trại Davis nhận lệnh đào hầm. Chỉ trong 10 ngày, toàn bộ công sự đã làm xong, khép kín với 7 khu chiến đấu liên hoàn, 2 sở chỉ huy cơ bản và dự bị, kho dự trữ lương thực và y tế. Tất cả đều làm trong bí mật, đất đào được bỏ trong những chiếc tủ sắt của trại. Trong khi đó, “ai đánh bóng chuyền, gảy guitar hay đọc sách thì cứ việc” nhằm tạo vẻ ngoài bình thường.

17g chiều 28/4/1975, phi công nội tuyến Nguyễn Thành Trung dẫn đầu tốp máy bay A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Mảnh bom sàn sạt bay qua Trại Davis. 2 chiến sĩ của ta đã bị thương trong lúc làm nhiệm vụ canh gác. Để bảo toàn cục diện, khi nhận cuộc gọi từ bên ngoài: “Phía trong có sao không?”, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - dứt khoát: “Chúng tôi an toàn, các đồng chí cứ làm nhiệm vụ, bắn mạnh”. 

9g30 sáng 30/4/1975, Đài Phát thanh Sài Gòn phát lệnh đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Cùng lúc này, thực hiện mệnh lệnh của thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (được ghép bằng 4 khổ vải 80cm) đã được treo lên tháp nước - vị trí cao nhất trong Trại Davis. 

Nửa giờ sau, đơn vị bộ binh đầu tiên của ta cùng xe tăng đã tiếp cận phái đoàn ta ở Trại Davis, kết thúc 823 ngày đêm kiên cường, vững vàng đấu tranh giữa lòng địch của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên thi hành Hiệp định Paris. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI