80% phụ nữ nhập cư đang chịu bất công tại Hàn Quốc

18/12/2020 - 16:22

PNO - Hàng trăm lao động nữ nhập cư công tác tại các cơ sở do chính phủ Hàn Quốc điều hành, đang phải chịu sự phân biệt đối xử và gặp nhiều bất công trong quá trình làm việc.

Kết quả khảo sát được trình bày trong phiên thảo luận do Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ di cư của Hàn Quốc tổ chức, cho thấy khoảng 80% lao động nữ nhập cư làm thông dịch viên, cố vấn và gia sư song ngữ nói rằng họ đã trải qua sự phân biệt đối xử như trả lương không công bằng, cơ hội thăng tiến hạn chế và kinh nghiệm làm việc không được công nhận.

Lao động nữ nhập cư và các nhà hoạt động địa phương yêu cầu chính phủ cung cấp các điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ nhập cư tại Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) ở trung tâm Seoul, ngày 17 tháng 11.
Lao động nữ nhập cư và các nhà hoạt động địa phương yêu cầu chính phủ cung cấp các điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ nhập cư tại Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) ở trung tâm Seoul, ngày 17/11

"Tôi đã làm thông dịch viên tại một trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa trong 13 năm, trong thời gian đó tôi chưa bao giờ nhận được tiền thưởng nghỉ lễ hoặc tiền trả thêm cho chi phí bữa ăn mà các đồng nghiệp người Hàn được hưởng” - một phụ nữ nhập cư cho biết.

Tương tự, một phụ nữ nhập cư khác cũng bức xúc chia sẻ với Korea Times: "Tôi không hiểu tại sao mình được trả lương thấp hơn các đồng nghiệp của mình, mặc dù chúng tôi được giao những nhiệm vụ giống nhau. Thật khó để tưởng tượng rằng một cơ sở do nhà nước điều hành nhằm nâng cao nhận thức đa văn hóa lại công khai phân biệt đối xử với nhân viên theo quốc tịch của họ".

Theo dữ liệu do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cung cấp vào tháng 10, các gia sư song ngữ tại các trường công lập kiếm được khoảng 26,3 triệu won (tương đương 24.100 USD) hàng năm và thông dịch viên làm việc tại các trung tâm hỗ trợ đa văn hóa kiếm được trung bình 25,6 triệu won - khoảng 66% lương trung bình hàng năm của nhân viên Hàn Quốc tại các trung tâm.

Ngoài ra, 67% phụ nữ nhập cư tâm sự đã từng bị bắt nạt tại nơi làm việc như lạm dụng bằng lời nói và xúc phạm đối với quốc tịch của họ.

Về tiền lương, Bộ chỉ định rằng lao động nữ nhập cư làm thông dịch viên và tư vấn viên phải được trả "trên mức lương tối thiểu", trong khi các hướng dẫn cụ thể hơn lại dành cho nhân viên người Hàn như đảm bảo tăng lương hàng năm và cơ hội thăng tiến dựa trên thâm niên làm việc của họ.

"Những vấn đề này không được giải quyết đúng cách trong nhiều năm đã trở thành nạn phân biệt đối xử có hệ thống trong thời gian dài. Ngay cả những biện pháp hỗ trợ mới nhất của Bộ cũng không phản ánh được thực tế tại nơi làm việc" - Wang Ji-yeon, người đứng đầu Bộ phận Di cư Hiệp hội Phụ nữ ở Hàn Quốc, nói với The Korea Times.

Bà yêu cầu cải cách hệ thống việc làm, tuyển dụng những phụ nữ nhập cư có năng lực vào các vị trí toàn thời gian, thông qua các quy trình tuyển dụng thích hợp và cung cấp các chương trình giáo dục để phát triển nghề nghiệp của họ, cũng như các hướng dẫn tiền lương được tiêu chuẩn hóa.

"Các chính sách đa văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào cuộc sống gia đình của phụ nữ nhập cư, thiếu sự hỗ trợ cho các hoạt động xã hội của họ. Chính phủ nên công nhận năng lực và đóng góp của họ cho đất nước và đưa ra các biện pháp tốt hơn để họ được chấp nhận là thành viên của xã hội chúng ta” - Hwang Jeong-mi, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Giới ở Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.

Chung Thu Hương (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI